Lúng túng khi dạy học kiểu tích hợp

12/01/2013 03:50 GMT+7

Lối dạy tích hợp ở phổ thông được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao, vì phương pháp này giúp cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh (HS). Tuy nhiên, khi vận dụng, nhiều giáo viên còn lúng túng và mang tính đối phó.

Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Dạy tích hợp là dạy học theo hình thức đa môn hoặc liên môn, đưa nhiều nội dung trong cùng một hoạt động nào đó… giúp HS nắm bắt tốt kiến thức, hiểu được mối liên hệ then chốt giữa các thành tố trong cùng một lĩnh vực. Đây là một trào lưu phổ biến trên thế giới và là định hướng lý luận của chương trình tiểu học ở Việt Nam thời gian tới. Tại Việt Nam, khối tiểu học đã áp dụng phương pháp này nhiều năm nay”.

Lúng túng khi dạy học kiểu tích hợp
Phương pháp dạy theo hướng tích hợp mới triển khai ở bậc tiểu học - Ảnh: Minh Luân

Trên thực tế, kể từ năm học 2009-2010, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức tập huấn cho lực lượng giáo viên nòng cốt chuyên môn ở các quận/huyện về dạy học tích hợp. Lượng giáo viên nòng cốt này sẽ phổ biến đến từng giáo viên trên địa bàn. Thế nhưng khi vận dụng vào giảng dạy, nhiều giáo viên cũng chỉ soạn giáo án mang tính đối phó.

Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên, lãnh đạo trường tiểu học… cho rằng, ý thức dạy học tích hợp trong các môn học của giáo viên hiện còn hạn chế. Đa số chỉ muốn chuyển tải kiến thức, kỹ năng của bài học cho HS mà ngại liên kết, tích hợp với những nội dung liên quan từ bài hoặc môn khác. Thạc sĩ Hoàng Trường Giang, Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng phần lớn đội ngũ giáo viên tiểu học hiện nay ở Việt Nam có tuổi đời và tuổi nghề khá cao, họ thừa kinh nghiệm nhưng chưa quen với dạy học tích hợp. Trong khi đó, tiến sĩ Lê Đình Thông, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen nhận định, tích hợp là dạy theo kiểu tư vấn, theo hướng cá thể hóa nên yêu cầu lớp học có sĩ số thấp, khoảng 20 HS/lớp mới đạt được hiệu quả. Nhưng hầu như trường học tại nước ta đều nằm trong tình trạng quá tải, dao động từ 40-60 HS/lớp. Chính vì điều này, giáo viên sẽ không đủ thời gian và năng lượng đáp ứng được.

Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết cho rằng, chương trình đào tạo giáo viên tiểu học ở Việt Nam theo hướng đa môn truyền thống, có vẻ như chưa chạm đến cửa ngõ của đào tạo tích hợp. Đó là chưa kể cũng có ý kiến lo ngại rằng việc dạy tích hợp khó triển khai ở các cấp học lớn hơn. Bậc tiểu học còn có thể thực hiện được bởi giáo viên thường dạy hết các môn, có cái nhìn khái quát ở những bài học liên quan nhau của các môn khác nhau. Còn ở bậc THCS, THPT, mỗi giáo viên thường đảm nhiệm một môn học nên trong quá trình giảng dạy, khó lòng có kiến thức bao quát, tổng hợp những bài học liên quan ở các môn khác để tích hợp, dạy HS.

Minh Luân

>> Thay đổi cách dạy, học văn
>> Nỗi niềm dạy học theo phương pháp mới
>> Chỉnh ngay từ chương trình dạy học
>> Thí điểm phương pháp dạy học mới

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.