Chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy rụi: Vì sao lực lượng chữa cháy bất lực?

17/12/2006 23:22 GMT+7

** Tiểu thương Hà Nội, TP.HCM rúng động Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân Đêm 16/12, đêm trắng của những người dân TP Quy Nhơn. Khu trung tâm thương mại lâu đời và lớn nhất thành phố, gắn bó với đời sống của hàng vạn người dân trong phút chốc điêu tàn vì hỏa hoạn.

Những vòi nước yếu ớt của lực lượng chữa cháy không thể nào khống chế được chảo lửa khổng lồ bùng phát suốt đêm và ngún cháy sang ngày hôm sau. Chỉ còn lại những phận người rơi vào thảm cảnh cơ hàn, than khóc tiếc thương gia sản trị giá hàng trăm tỉ đồng biến thành tro bụi...

Tiểu thương Hà Nội, TP.HCM rúng động

Suốt đêm 16/12 và ngày hôm qua, dòng người vẫn ken kín trên các trục đường hướng về chợ Lớn Quy Nhơn. Thảm họa quá đỗi bất ngờ và khủng khiếp. Tất cả đều thảng thốt, bàng hoàng. Sáng 17.12, phiên họp cuối cùng của kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh Bình Định khóa X diễn ra trong không khí nặng nề. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương đau buồn thông báo tin dữ với các đại biểu HĐND và cử tri toàn tỉnh (qua sóng truyền hình trực tiếp) về trận hỏa hoạn lịch sử tại chợ Lớn Quy Nhơn.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao cho Ủy ban MTTQ tỉnh kêu gọi và thực hiện đợt quyên góp nhằm cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn. Tại hội trường, HĐND tỉnh đã thực hiện ngay một đợt quyên góp khẩn cấp. Các vị lãnh đạo tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đã lần lượt thực hiện nghĩa cử của mình trước đồng bào bị nạn. Trước đó, người dân Quy Nhơn từng cảm thấy may mắn vì những cơn bão dữ liên tiếp trong năm 2006 không đổ bộ vào địa bàn thành phố mình. Nào ngờ, bão lửa lại ập đến...

Rạng sáng 17/12, trên các ngả đường xung quanh chợ như Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Trần Quý Cáp..., hàng trăm tiểu thương thất thần sau một đêm bão lửa kinh hoàng, vô vọng nhìn cảnh điêu tàn. Người đứng khóc, kẻ ngồi kêu than. Chưa bao giờ họ lâm vào tình thế ngặt nghèo đến mức cùng cực như thế. Từ nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt (47 tuổi, ở đường Ngô Quyền, TP Quy Nhơn) mưu sinh nhờ sạp hàng mỹ phẩm ở chợ Lớn. Chứng kiến ngọn lửa thiêu rụi gian hàng của gia đình nằm phía mặt tiền đường Tăng Bạt Hổ, chị Nguyệt ngất xỉu ngay giữa đường. Người phụ nữ này được gia đình vội vã đưa đi cấp cứu. Nhiều giờ sau, chị Nguyệt vẫn còn lay lắt trong trạng thái bấn loạn. Sạp hàng trị giá hơn 500 triệu đồng của gia đình chị giờ hóa thành tro... Chị Nguyệt chỉ là một trong số hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại ngôi chợ này.

Theo ông Võ Vinh Quang - Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, ước tính tài sản hàng hóa trưng bày trong chợ lên đến khoảng hơn 120 tỉ đồng. Vụ hỏa hoạn xảy ra đúng vào thời điểm kinh doanh rầm rộ nhất trong năm. Hầu hết các tiểu thương đều bỏ thêm vốn, hoặc vay mượn mua hàng hóa về tích lũy để bán vào dịp lễ Giáng sinh và cuối năm. Theo phản ánh của họ, nếu tính một cách đầy đủ, tổng trị giá hàng hóa có thể lến đến vài trăm tỉ đồng. Ngoài hàng trăm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, số tiểu thương kinh doanh các mặt hàng như: vải sợi, mỹ phẩm, điện tử... bị thiệt hại nặng nề nhất. Mỗi nạn nhân mất trắng cả tỉ đồng.


Hàng trăm tiểu thương điêu đứng vì mất trắng tài sản

Hàng hóa chuyển về chợ Lớn (phân phối đi 11 huyện, thành phố trong tỉnh Bình Định) chủ yếu xuất phát từ các chợ: Bến Thành, An Đông, Bình Tây, Kim Biên (TP.HCM)

Ngay trong sáng qua, 17/12, UBND tỉnh Bình Định đã trích ngân sách 1,8 tỉ đồng để chia sẻ những thiệt hại nặng nề của các hộ tiểu thương. Theo đó, 611 hộ đăng ký kinh doanh quy mô lớn mỗi hộ được nhận 2 triệu đồng, 300 hộ buôn bán nhỏ lẻ mỗi hộ được nhận 1 triệu đồng. Ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh sẽ có kế hoạch giúp bà con tiểu thương bị nạn vay vốn hoặc tạo điều kiện để chuyển đổi ngành nghề.

và Đồng Xuân (Hà Nội)... Khi chợ Lớn Quy Nhơn gặp thảm họa, tiểu thương ở các trung tâm mua sắm hai đầu đất nước cũng rúng động bởi tiền dư nợ hàng hóa vẫn còn đọng lại rất lớn. Trong lúc bấn loạn, họ vẫn gọi điện chia sẻ, an ủi những bạn hàng của mình. Anh Gia, một tiểu thương ở chợ cho biết: "Nửa đêm, nhiều chủ nợ ở Sài Gòn gọi điện ra động viên anh em ráng giữ sức khỏe và thật bình tĩnh để gượng dậy. Khi đã bình ổn, nếu tiếp tục kinh doanh, họ sẽ chuyển hàng về. Số tiền nợ coi như không vấn đề gì. Lúc nào có rồi chi trả cũng được. Thật tình, họ rất biết sự khốn khó của bà con làm ăn ở chợ".

Thảm họa từ một đốm lửa nhỏ

Nhiều người dân ở đường Tăng Bạt Hổ (đối diện mặt tiền phía nam chợ) cho biết, vào khoảng 20 giờ thì phát hiện một đốm lửa nhỏ xuất phát từ một ki-ốt bán kính thời trang. Ngay sau khi nhận được tin cấp báo, 2 xe chữa cháy của công an tỉnh có mặt tại hiện trường. Ai cũng nghĩ đám cháy sẽ dễ dàng được khống chế. Thế nhưng, công tác dập lửa của lực lượng chức năng khi đám cháy ở thời điểm manh nha hết sức lúng túng, gặp nhiều khó khăn, gây phản ứng từ phía gia đình các tiểu thương và người dân. Trong khi đó, gió thốc mạnh vào bên trong chợ. Các cánh cửa sắt đều bị khóa kín mít suốt gần hết thời gian hỏa hoạn, cản trở cho công tác chữa cháy.

Trong điều kiện ánh sáng bị hạn chế (vì khu vực chợ bị cắt điện), lính cứu hỏa không được trang bị đủ đèn pin để rọi vào bên trong. Bên cạnh đó, các phương tiện để phá vật cản, mặt nạ phòng khí độc cũng chẳng thấy đâu. Theo phản ánh của tiểu thương và ghi nhận thực tế của phóng viên Thanh Niên, chiếc xe chữa cháy đầu tiên đến hiện trường đậu ở đường Trần Quý Cáp (phía tây của Chợ Lớn) bị hết nước trong tích tắc, hoàn toàn mất tác dụng. Ngay thời điểm này, phía đông - nam chợ có một bể ngầm chứa nước và một trụ nước vẫn bị bỏ ngỏ vì không có lực lượng hỗ trợ kịp thời.

Đại tá Chế Trường - Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Ngoài 10 chiếc xe chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh còn điều thêm 14 chiếc xe chữa cháy của các đơn vị: Công ty xăng dầu Nghĩa Bình, Trung đoàn Không quân, Sân bay Phù Cát (cách xa TP Quy Nhơn 40 km), Công ty công viên cây xanh - chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, Công ty công trình đô thị... với gần 300 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy.


Nơi mà người dân cho rằng phát ra ngọn lửa

Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, khi những xe này đến được hiện trường thì đám cháy đã bùng phát dữ dội trên toàn khu vực chợ Lớn. Các sạp hàng rực lửa đều bị bao bọc bốn phía bởi bê tông, cửa sắt, cửa kính, bảng hiệu quảng cáo... nên lực lượng chữa cháy không thể nào tiếp cận vào bên trong. Vì vậy, các vòi phun nước chỉ phun hời hợt từ bên ngoài. Trên các tuyến đường dẫn vào chợ, xe chữa cháy liên tục hú còi đi tiếp nước giữa dòng người đông nghịt. Mặt khác, các lực lượng chức năng đã không có sự phối kết chặt chẽ, hiệu quả trong tình huống "dầu sôi lửa bỏng". Nhiều người dân la lớn cần phải đập bỏ một vài bộ phận, cần đưa xe chuyên dụng của ngành điện lực đến để vòi nước có thể tiếp cận gần hơn đám cháy nhưng kết cục chẳng thấy đâu. Khi những kiến nghị khẩn thiết này được đáp ứng thì cũng là lúc toàn bộ hàng hóa đã bị thiêu rụi.

Mỗi đêm, chợ Lớn Quy Nhơn đều có đội bảo vệ gần chục người túc trực, chưa kể 2 đội an ninh trật tự gồm 15 người có nhiệm vụ tuần tra, đề phòng bất trắc. Bà con tiểu thương tỏ ra rất bất bình vì đã phải buôn bán quần quật suốt năm kiếm tiền để "nuôi" 2 lực lượng nói trên. Nhưng khi hỏa hoạn xảy ra thì họ lại bận... đi nhậu(!). Tệ hại hơn, khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cùng bà con tiểu thương truy tìm và khẩn thiết yêu cầu lực lượng bảo vệ mở khóa cửa sắt để dập lửa, khuân hàng hóa ra ngoài, bảo vệ chợ đòi phải có... quyết định của cấp trên mới được phép mở cửa(?).

Kể từ sáng qua 17/12, hiện trường vụ cháy đã bị phong tỏa hoàn toàn. Dự kiến hôm nay 18/12, lực lượng kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) sẽ có mặt tại hiện trường để phối hợp với Công an tỉnh Bình Định khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy. Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Ngọc Toàn - Đình Phú - Cao Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.