Cơ hội và sức ép chia đều

17/12/2010 22:47 GMT+7

Chỉ còn đúng 10 phiên giao dịch nữa là kết thúc năm 2010 và thị trường chứng khoán (TTCK) đang có nhiều cơ hội phục hồi để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong năm qua. Nhưng dường như các nhà đầu tư (NĐT) đã trở nên cẩn thận hơn khi có quá nhiều thông tin kinh tế vĩ mô khác nhau dồn dập đổ về.

Kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng

Thông tin Ngân hàng Nhà nước chính thức xác nhận hoãn thực hiện Nghị định 141 về việc tăng vốn pháp định của các ngân hàng đến hết năm 2011 đầu tuần này đã khiến nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng dậy sóng. Tất cả CP đang niêm yết trên sàn đều có khối lượng giao dịch tăng vọt và tăng giá hết biên độ cho phép trong 3 phiên đầu tuần. Trên thực tế, TTCK giảm sâu trong năm 2010 nên CP ngân hàng luôn bị ế ẩm. Vì vậy nhiều ngân hàng nhỏ sẽ không thể nào hoàn thành việc tăng vốn bởi NĐT không mặn mà để mua CP phát hành thêm. Với thông tin mới này, các NĐT cá nhân mới quan tâm trở lại đến nhóm CP được đánh giá là “vua” một thời.

Theo TS Lê Thẩm Dương, thông tin hoãn tăng vốn giúp cho các ngân hàng có thêm thời gian để hoàn thành và tăng sức cạnh tranh. Nhưng điều đó chỉ tác động chính về yếu tố tâm lý đối với NĐT. Điều quan trọng nhất là các ngân hàng nhỏ phải nhanh tay tái cấu trúc để hoàn thiện. “Có những ngân hàng lớn nhưng vẫn được NĐT chấp nhận bỏ vốn để tăng thêm sức cạnh tranh. Trong khi đó các ngân hàng nhỏ nếu vẫn giữ nguyên ban điều hành cũ, cơ chế hoạt động cũ mà không có sự thay đổi thì nếu có gia hạn thêm 2-3 năm nữa cũng chưa chắc hoàn thành được việc tăng vốn theo quy định. Bản thân NĐT sẽ là người đánh giá chính xác nhất nên đầu tư vào ngân hàng nào”, TS Lê Thẩm Dương nhận xét.

Thế nhưng, nếu xét về góc độ đầu tư thì CP ngân hàng đã giảm mạnh trong năm nay nên giá của CP ngành này vẫn tương đối khá rẻ. Vì vậy một số NĐT vẫn đang kỳ vọng vào sự hồi sinh thật sự của nhóm CP ngành ngân hàng, nhất là trong năm 2011 khi những biến động về lãi suất, tỷ giá… đang dần dần trôi qua. 

Nỗi lo về vĩ mô

Thông tin về việc tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s Investor Service được công bố ngày 15.12 hạ tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam từ mức Ba3 về mức B1 đã khiến các NĐT trong và ngoài nước lo lắng. Những lý do mà Moody’s đưa ra cho động thái đánh tụt điểm tín nhiệm này là rủi ro gia tăng về cán cân thanh toán, lạm phát tăng tốc, và gánh nặng nợ nần tại Vinashin.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sen Vàng - cho rằng với thông tin này thì các NĐT nước ngoài sẽ thận trọng hơn khi bỏ vốn vào Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng. Hơn nữa, xét về lâu dài thì việc hoãn thời gian tăng vốn của ngành ngân hàng cũng làm NĐT e ngại về tính nhất quán trong hành động của Chính phủ. Vì vậy có thể TTCK sẽ đối mặt trực tiếp với sự lo lắng này trong thời gian tới.

Bên cạnh việc nợ nần, tỷ giá hay thâm hụt thương mại mà tổ chức Moody’s đã bày tỏ lo ngại, các NĐT trong nước lại đang chờ đợi việc công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 và cả năm 2010 trong tuần tới. Ước tính CPI tháng 12 cũng sẽ cao trên 1% và như vậy CPI cả năm không thể dưới 2 con số. Điều này lại khó làm cho lãi suất của ngân hàng giảm xuống như mong muốn  dẫn đến hoạt động các doanh nghiệp cũng còn khó khăn.

TS Lê Thẩm Dương cho rằng việc lãi suất huy động của ngân hàng có giảm xuống hay không trong quý 1/2011 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên nếu lãi suất vẫn giữ ở mức 14%/năm như hiện nay thì cũng là cơ hội để dòng vốn đầu tư tìm đến TTCK. Bởi khi giá USD đang dần dần hạ nhiệt, giá vàng trong nước cũng giảm về sát giá vàng thế giới thì mức lãi suất huy động của ngân hàng ở trên cũng không phải là quá cao đủ để hấp dẫn NĐT. Vì vậy nếu tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng theo chiều hướng ổn định thì TTCK sẽ là nơi thu hút được NĐT tham gia nhiều nhất trong những tháng đầu năm 2011.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.