Thanh niên Trung Quốc học tiếng Việt để lập nghiệp

27/12/2006 13:56 GMT+7

Ở bất cứ đâu trên đất nước Trung Quốc, nếu bạn bỗng nhận được những câu nói xã giao đại loại như "cảm ơn", "xin chào", "bạn tên gì", "bạn bao nhiêu tuổi"... thì cũng đừng lấy làm ngạc nhiên, vì một số bạn trẻ nơi đây đang muốn tự trang bị cho mình vốn từ tiếng Việt.

Hầu như chỗ nào cũng vậy, có người Việt Nam là có giao tiếp với người Trung Quốc bằng tiếng Việt. Xu hướng học tiếng Việt phản ánh một nhu cầu mới của một bộ phận thanh niên Trung Quốc: dùng tiếng Việt để lập nghiệp…

Có lẽ, tôi đã quá cẩn thận khi dành đến gần một tháng trời trau dồi lại vốn tiếng Anh đã bỏ quên khá lâu để làm hành trang trước khi lên đường sang Trung Quốc. Thế nên, ngay từ lần đầu tiếp xúc, tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: ở Bắc Kinh, tỷ lệ thanh niên sử dụng Việt ngữ vượt trội Anh ngữ quốc tế. Cũng thật lạ, nhưng có lẽ thanh niên Trung Quốc là những người hầu như không mấy quan tâm đến tiếng Anh và nghe nói Chính phủ nước này đang mở chiến dịch xóa "mù" Anh ngữ cho thanh niên trên cả một diện rộng.

Cô Long Trị Giang, sinh viên năm cuối khoa Á - Phi (Đại học Bắc Kinh), hướng dẫn viên cho chúng tôi, mặc dù chưa một lần sang Việt Nam và gần như lần này là lần đầu tiên tiếp xúc với người Việt nhưng có giọng phát âm cực chuẩn, phản ứng nhanh, biết đùa vui và kể chuyện tiếu lâm. Giang bảo, sở dĩ cô nói tốt như vậy vì cô giáo của Giang cũng từng có gần 10 năm sinh sống tại Sài Gòn và là một chuyên gia dịch "cabin" khi có đoàn Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

Hôm đón chúng tôi ở thành phố Sùng Tả thuộc huyện Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), lúc đến thăm Bảo tàng "Hồ Chí Minh với Trung Quốc", Giang cứ kéo tôi lại gần mấy tủ kính trưng bày đồ dùng, vật dụng cá nhân của Bác trong những tháng ngày hoạt động ở Long Châu rồi bất chợt hỏi: "Tại sao Bác Hồ lại lấy tên Lý Thụy khi ở đây ?". Câu hỏi khá thú vị và quá bất ngờ khiến tôi phải "định thần" một hồi mới trả lời được.

Cũng hơi... xấu hổ nhưng thấy thật ấm lòng, giữa nơi đất khách quê người lại được nghe những câu chuyện, nhìn thấy những kỷ vật về lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mình do chính những người trẻ tuổi - thế hệ vốn bị mang tiếng là xa rời lịch sử - mang đến, không vui sao được...

Cô Vương Gia, giáo viên chủ nhiệm của Giang nhận xét Giang đặc biệt xuất sắc ở môn tiếng Anh. Song cô gái lại mơ một lần được đến thăm Đà Nẵng, Nha Trang và động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), thế là quyết tâm học tiếng Việt, cũng để sau này có cơ hội kinh doanh vì gia đình Giang có nhiều đối tác bên Việt Nam.

Trong con mắt thanh niên Trung Quốc bây giờ, người láng giềng Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, kinh tế hội nhập, văn hóa giao lưu, mở toang cánh cửa vào WTO và như vậy cũng đồng nghĩa với cơ hội tìm hiểu, hợp tác ngày càng đa dạng. Một đất nước, một nền văn hóa, một thị trường không còn mới với người dân Trung Quốc nói chung nhưng lại đầy tiềm năng đang chờ những người trẻ hai bên nâng tầm quan hệ đối tác.

Theo một điều tra mà tôi biết qua một người bạn ở Bắc Kinh thì tỷ lệ thanh niên Trung Quốc có xu hướng học tiếng Việt đang gia tăng, các khoa có dạy tiếng Việt ở các trường đại học thì lấy điểm thi đầu vào năm sau cao hơn năm trước, các trung tâm Việt ngữ cũng bắt đầu xuất hiện nhiều.

Trong chuyến đi, tôi có dịp ghé Hội chợ ASEAN - Trung Quốc được tổ chức hồi đầu tháng 11.2006 tại thành phố Nam Ninh (Quảng Tây) mà trước đó mấy ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tới thăm. Khu triển lãm 3 tầng nằm trên một quả đồi tuyệt đẹp, được thiết kế cực kỳ hoành tráng, lung linh trong ánh điện với hàng trăm gian hàng trưng bày của các nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.


Học tiếng Việt để bán hàng cho người Việt đang là một xu hướng mới của giới trẻ Trung Quốc (ảnh chụp tại Hội chợ ASEAN - Trung Quốc)

Hàng Việt Nam tham dự hội chợ khá nhiều, chiếm khoảng hơn hai chục gian với đầy đủ chủng loại hàng hóa, từ thực phẩm, điện tử điện lạnh, giày dép cho đến thuốc, thức ăn chăn nuôi gia súc... Hôm chúng tôi đến đúng vào thời điểm hội chợ mở cửa cho người dân mua sắm, khách ra vào nườm nượp, nhưng đông nhất vẫn là khu trưng bày sản phẩm của Việt Nam. Người ken đặc, có rất nhiều người Việt và người Hoa chỉ trỏ bàn luận và không tiếc tiền mua hàng. Để việc bán sản phẩm được thuận lợi, mỗi gian hàng đều bố trí ít nhất một người của hãng và một người bản địa biết tiếng Anh, tiếng Thái, Indonesia... tùy theo mỗi nước.

Thông thường, nhân viên các gian hàng Việt biết nói tiếng Việt là đương nhiên, nhưng tôi chú ý hơn đến gian hàng của những nước khác, ở đó nhân viên nào cũng nói được tiếng Việt. Bằng chứng cho khẳng định này là việc cứ mỗi lần nghe thấy chúng tôi trao đổi về món hàng nào đó, các cô nhân viên đều có... phản ứng, khen thì các cô cười mà thắc mắc sẽ được giải đáp ngay. Mỗi khi chúng tôi đặt câu hỏi giao dịch bằng tiếng Anh thì câu trả lời đầu  tiên và nhiều nhất ở đây lại là... "anh cứ nói bằng tiếng Việt đi ạ!"  Vui nhất là cô Tiết Liên, phụ trách bán hàng của công ty sản xuất đầu DVD và tivi màn hình tinh thể lỏng. cứ mỗi lần khách đến, cô lại nghêu ngao hát những ca khúc của... nhạc sĩ Duy Mạnh, như là một cách tiếp thị để chứng minh cho dòng sản phẩm "đầu đĩa DVD chất lượng và âm thanh tốt nhất".

Tiết Liên năm nay 22 tuổi, quê ở Nam Ninh, học xong phổ thông là đi làm ngay, thời gian đầu gặp khó khăn vì chưa định hướng được nghề nghiệp, bây giờ thì cô đã ổn định với nghề phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch cho du khách Việt, thu nhập cũng khá. Bí quyết để học tiếng Việt của Tiết Liên khá đơn giản: tiếp xúc nhiều, nói nhiều. Còn một điều khác quan trọng không kém: học từ bạn bè - những người cũng đang không ngừng trau dồi tiếng Việt như cô, có định hướng tương lai giống cô...

Một đồng nghiệp của tôi đang sinh sống tại Bắc Kinh nhận định:  "Xu hướng tiếp cận các nền văn hóa Á đang hình thành rõ nét trong lớp trẻ Trung Quốc, học tiếng bản địa để tiếp cận dễ dàng và hiểu sâu hơn chính là một con đường tất yếu". Chia tay đất nước của Vạn Lý Trường Thành sau 10 ngày rong ruổi khắp các nẻo đường, điều gây ấn tượng nhất trong tôi không phải là cảnh đẹp, thức ăn ngon mà chính là những người trẻ năng động, nói tiếng Việt và hiểu về đất Việt. Buổi chiều ở Bắc Kinh trước hôm về nước, tôi ngỏ ý muốn đến thăm Đại sứ quán Việt Nam, hỏi đường cậu thanh niên đang chờ xe bus gần Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa, anh chàng ngẩng đầu nói bằng giọng Việt cực sõi: "Số 32, đường Quang Hoa, anh à"...

M.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.