Bí quyết vượt qua vòng phỏng vấn tuyển dụng

10/12/2006 22:00 GMT+7

Đó là tên của buổi hội thảo dành cho sinh viên (SV) vừa diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM do CLB Margroup của trường tổ chức. Hàng trăm SV đứng ngồi lắng nghe ông Trần Hữu Đức - Giám đốc đào tạo và phát triển Công ty G7 - trình bày những bí quyết, kinh nghiệm vượt qua thử thách này...

Hãy bình tĩnh !

"Tại sao lại như thế này mà không như thế kia?" - hàng loạt câu hỏi "tại sao" thường thấy trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng tạo nên một áp lực tâm lý khiến người bị hỏi cảm thấy căng thẳng, khó chịu. Khi căng thẳng, giọng nói người ta dễ thay đổi, lên cao nghe chói tai, thậm chí bị méo tiếng. 

Ấy vậy mà dù bị "truy" liên tục với những câu hỏi "tại sao" kiểu bắt bí, SV Vũ Thị Ánh Tuyết (chuyên ngành ngoại thương) vẫn trả lời rành rọt, điềm đạm với âm lượng bình ổn. Tuyết là một trong 3 SV được tham gia buổi phỏng vấn mô phỏng vì đã thể hiện tốt nhất trong cuộc thi "Viết hồ sơ xin việc" với 150 SV tham dự. Không chỉ giữ được giọng nói điềm đạm, Tuyết còn giữ được ánh mắt ổn định, vẫn dám nhìn vào mắt nhà tuyển dụng (NTD) khó tính. Khả năng giữ bình tĩnh khá "siêu" này là một điểm mạnh của Tuyết đối với vị trí ứng tuyển thuộc bộ phận kinh doanh hội nghị của một khách sạn. "Tôi yên tâm về ứng viên này, vì trong trường hợp có lỡ bị khách... chửi, cô vẫn có thể ứng phó được" -  trong vai NTD, sau khi truy vấn Tuyết đủ điều, kể cả dùng "bẫy" nhằm làm cô bối rối, ông Trần Hữu Đức nhận xét. Ông mách nước thêm: "Nếu cảm thấy bối rối  và muốn né ánh mắt của NTD, bạn có thể nhìn vào khoảng giữa 2 mắt. Tuy nhiên, cách này chỉ giúp bạn "cầm cự" được vài giây". 

"Nếu mình không trúng tuyển thì nên xử sự thế nào?" - câu hỏi rất hay mà bạn Nguyễn Quang Minh đặt ra từ hàng ghế khán giả đã đem đến cho khán phòng thêm nhiều thông tin bổ ích. Trong trường hợp này, bạn nên cám ơn và hỏi một cách chân thành để nhận được sự góp ý từ NTD. Nếu bạn không phải là "hoa hậu" trong các ứng viên thì nên cố gắng là "á hậu 1", có khả năng được trúng tuyển nếu công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm, hoặc nếu "hoa hậu" không hoàn thành tốt thời gian thử việc.  

Phải biết "tiếp thị" bản thân

"Bạn hãy tự giới thiệu" - đây là dạng câu hỏi làm quen thường được đặt ra đầu tiên trong buổi phỏng vấn, nhưng lại là cơ hội quan trọng để ứng viên thể hiện mình. Rất phí nếu ứng viên nói liền tù tì nhưng toàn lặp lại những thông tin đã được ghi trong hồ sơ. Ứng viên cần chớp lấy cơ hội "tiếp thị" bản thân, chẳng hạn nói về sở thích của mình sao cho "dính dáng" đến công việc đang "săn". Nhận biết được điểm đặc biệt của chính mình, ứng viên có thể tạo thiện cảm với NTD.  "Trả lời thật cụ thể, rõ ràng và chân thật những câu hỏi của NTD chứ không phải quanh co và thiên về trình bày lý thuyết là điều mà bạn trẻ cần quan tâm khi trả lời phỏng vấn" - ông Nguyễn Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty DBIZ khuyên.

Phù hợp năng lực và mức lương là 2 yếu tố được SV mới ra trường quan tâm khi chọn việc làm hơn là yếu tố "sở thích". Tuy nhiên, có thể nói: "Công việc đầu đời quyết định bạn "chết" với cương vị như thế nào trong cuộc đời bạn". Nếu bạn có được một công việc mà bạn đam mê, sự nghiệp của bạn có thể tiến nhanh gấp 3- 4 lần. Song, sở thích thì mông lung và dễ thay đổi, nên bạn cần nhận ra tính cách của mình thông qua các sở thích để tìm một công việc phù hợp với tính cách của bạn.

T.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.