Vietcombank công bố việc bán cổ phần

05/12/2007 22:52 GMT+7

Chiều 5.12, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố thông tin chính thức về tình hình hoạt động, kế hoạch bán cổ phần ra công chúng.

 Theo tài liệu được Vietcombank công bố, tính đến ngày 31.12.2006, ngân hàng này có 6.478 nhân viên, trong đó 15 người có trình độ tiến sĩ, 208 thạc sĩ và 4.943 cử nhân. Về nguồn vốn sau khi đã đánh giá lại, phần vốn Nhà nước tại Vietcombank được xác định là 10.978 tỉ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đến 31.12.2006 là 11.127,248 tỉ đồng. Về tăng trưởng dư nợ: năm 2004 dư nợ của Vietcombank là 53.604 tỉ đồng; năm 2005 là 61.044 tỉ đồng; năm 2006 là 67.742 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ của Vietcombank trong 3 năm gần nhất: 2004 là 2,53%; 2005 là 1,88% và 2006 là 1,19%. Tuy nhiên, nếu tính toán theo tiêu chuẩn mới (Quyết định 493 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thì tỷ lệ nợ quá hạn của năm 2005 là 3,44% và 2006 là 2,28%.

Trong hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, doanh số thanh toán qua Vietcombank năm 2006 đạt gần 22,8 tỉ USD (tăng 31,3% so với 2005),  chiếm 27,4% thị phần xuất nhập khẩu cả nước. Về hoạt động kinh doanh thẻ, năm 2006, Vietcombank chiếm khoảng 33% tổng thị phần thẻ cả nước; tốc độ tăng trưởng phát hành thẻ nội địa Connect 24 liên tục ở mức 200%-300% trong những năm gần đây và ở mức 63% trong năm 2006. Mạng lưới ATM của Vietcombank chiếm 27% tổng số máy ATM của toàn quốc. 

Trong số các công ty con của Vietcombank, đáng chú ý có Công ty chứng khoán Vietcombank, vốn điều lệ 200 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 309 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 2.545 tỉ đồng (tính đến 31.12.2006), lợi nhuận sau thuế năm 2006 đạt gần 109 tỉ đồng. Tổng vốn góp cổ phần của Vietcombank tại các công ty là 477 tỉ đồng, với các đơn vị như: Ngân hàng Phương Đông (49,3 tỉ đồng), Eximbank (173,85 tỉ đồng); VIB Bank (27,21 tỉ đồng); Ngân hàng Quân đội (69,57 tỉ đồng); Công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (32,386 tỉ đồng)...

Định hướng phát triển của Vietcombank là sẽ trở thành một trong 70 định chế tài chính hàng đầu châu Á vào năm 2015-2020, có phạm vi hoạt động quốc tế. Vietcombank cũng dự kiến tốc độ tăng trưởng tới năm 2010 là 21%, với quy mô tổng tích sản đạt 22 tỉ USD vào năm 2010, vốn chủ sở hữu đạt 1,7 tỉ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tổng lượng vốn phải tăng thêm trong giai đoạn 2007-2010 là khoảng 0,9 tỉ USD (14.500 tỉ đồng). Năm 2010, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank dự kiến đạt 4.290 tỉ đồng.

Tổng tài sản của Vietcombank tính tới 31.12.2006 là 166.952 tỉ đồng. Năm 2004, lợi nhuận sau thuế là 1.104 tỉ đồng; năm 2005 là 1.292 tỉ đồng và năm 2006 là 2.877 tỉ đồng. Trao đổi với Thanh Niên chiều 5.12, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, năm 2007, vì một số lý do, lợi nhuận của Vietcombank sẽ giảm so với năm 2006. Trong bản cáo bạch, mức lợi nhuận sau thuế năm 2007 dự kiến sẽ chỉ ở mức 1.854 tỉ đồng. 

Về kế hoạch phát hành cổ phần (CP) chính thức: tổng số CP bán cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước là 75 triệu CP (tương đương 5% vốn điều lệ, cho 3-5 đối tác); cán bộ công nhân viên và chuyển đổi trái phiếu tăng vốn là 52,5 triệu CP (tương đương 3,5% vốn điều lệ); nhà đầu tư chiến lược nước ngoài từ 225-300 triệu CP (tương đương 15-20% vốn điều lệ, cho 1-2 đối tác). Riêng đấu giá CP lần đầu trong nước là 97,5 triệu CP (tương ứng với 6,5% vốn điều lệ), trong đó: số lượng CP đấu giá tối thiểu là 100, tổ chức được mua tối đa 4 triệu CP, cá nhân mua tối đa là 0,5 triệu CP; tổng số CP dành cho các nhà đầu tư nước ngoài là 29,25 triệu CP (tương đương 30% số lượng đấu giá CP lần đầu trong nước). Giá đấu khởi điểm là 100.000 đồng/CP.

 Cũng theo bản cáo bạch này, mức vốn điều lệ xây dựng cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam là 15.000 tỉ đồng. Ngay sau khi chính thức hoàn tất các thủ tục chuyển đổi, Vietcombank sẽ tiến hành ngay các thủ tục cần thiết để đăng ký niêm yết CP tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Hoàng Ly 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.