Gặp người thẩm định hồ sơ "cồng chiêng Tây Nguyên"

06/12/2005 21:45 GMT+7

Cứ hai năm một lần kể từ 2001, các nước thành viên UNESCO lại trình lên tổ chức này hồ sơ xin được công nhận kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể cho các thể loại biểu diễn văn hóa truyền thống hay không gian văn hóa của mình. Những hồ sơ này sẽ được các tổ chức phi chính phủ chuyên về các lĩnh vực liên quan thẩm định. Mỗi tổ chức lại nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế hàng đầu. Năm nay, người được "nhờ cậy" để thẩm định hồ sơ "cồng chiêng Tây Nguyên" là một người Mỹ gốc Việt.

Đó là tiến sĩ dân tộc nhạc học Nguyễn Thuyết Phong, giáo sư Trường đại học Kent State, bang Ohio, hiện đang giữ chức Giám đốc thường trú tại Hà Nội của Hội đồng trao đổi giáo dục quốc tế Hoa Kỳ. "Trong giới các nhà dân tộc nhạc học có nhiều tổ chức đan xen nhau. Tôi xin phép không nêu tên tổ chức đã nhờ tôi giúp thẩm định hồ sơ vì theo quy định của UNESCO, để đảm bảo tính khách quan, trung thực, danh sách các tổ chức cũng như các chuyên gia không được công bố. Vì không ai biết ai nên không thể có chuyện vận động hành lang được", ông Phong cho biết. Việc GS-TS Nguyễn Thuyết Phong được chọn thẩm định hồ sơ cồng chiêng có thể coi là một may mắn cho VN, không chỉ vì ông là người gốc Việt mà vì ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc Tây Nguyên và VN nói chung đã được thế giới công nhận. Các công trình nghiên cứu về cồng chiêng và âm nhạc Tây Nguyên của ông đã được xuất bản trong Đại từ điển âm nhạc thế giới Garland và một CD với tên gọi Music of the Truong Son Mountains (NXB White Cliffs Media).

Ông Nguyễn Thuyết Phong, Ảnh: L.Q.P

Năm 1996, ông Nguyễn Thuyết Phong đã sống 4 tháng trời với đồng bào các dân tộc miền núi từ tỉnh Quảng Trị đến Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Ông kể trong tai mình như vẫn còn vang vọng tiếng cồng chiêng trầm hùng. "Nhiều dân tộc có chung hệ ngôn ngữ Polynesien và Môn-Khmer như các dân tộc ở Tây Nguyên đang sinh sống ở các quốc đảo trong khu vực như Philippines, Indonesia hay Malaysia. Họ cũng có cồng chiêng, nhưng do số lượng cồng chiêng không phổ biến, dân cư rải rác hoặc không cùng thể loại nhạc nên không thể so sánh được với truyền thống của trên dưới 30 dân tộc đang cùng chung sống và có giao lưu mật thiết ở cao nguyên miền Trung VN. Cả 30 dân tộc này có chung một nền văn hóa cồng chiêng đặc sắc gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của mình, trong đó mỗi dân tộc lại có một số đặc trưng riêng. Nét khác biệt nổi bật so với cồng chiêng của các quốc đảo láng giềng là ở Tây Nguyên, mỗi nhạc công trong một dàn cồng chiêng chỉ chơi một chiếc cồng hay một chiếc chiêng trong khi ở các nước khác thì một nhạc công thường chơi cả một dàn cồng chiêng (như dàn Kulingtan của Philippines, Gamelan của Indonesia). Vì thế, tính cộng đồng ở các dàn cồng chiêng Tây Nguyên rất cao. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên lại có cách chơi cồng chiêng khác nhau. Ví dụ người Stiêng hay M'Nông thì đánh bằng tay trong khi người Ja Rai hay Ê Đê lại đánh bằng dùi. Dân tộc càng đông người thì dàn cồng chiêng càng lớn và ngược lại".

“Cách đây 9 năm khi tôi lên Tây Nguyên thì cả dân tộc Brâu chỉ có 253 người và mỗi dàn cồng chiêng chỉ có 2 chiếc. Trong khi dàn cồng chiêng của các dân tộc đông người hơn như Ê Đê hay Ja Rai thì có những 12, 13 chiếc trở lên. m sắc cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào đặc điểm ngôn ngữ và lịch sử mỗi dân tộc. Dân tộc Ê Đê chẳng hạn là một dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ đa âm Polynesien và có một lịch sử đấu tranh dài lâu nên âm nhạc của họ có tiết tấu nhanh, mạnh và nhiều âm sắc cao. Trong khi đó, dân tộc M'Nông, một dân tộc ít biết đến những xung đột gay gắt, âm điệu êm đềm hơn”.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã thỏa mãn tất cả các tiêu chí UNESCO đề ra để được công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thuyết Phong rất lo ngại trước tình trạng "chảy máu cồng chiêng" và đã tận mắt thấy những thanh niên dân tộc Tây Nguyên thay vì trực tiếp chơi cồng chiêng trong dịp lễ hội lại thích bật băng video thu sẵn hơn. Theo ông, để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng cần làm ngay 3 việc. "Thứ nhất là đừng làm thay đổi nhiều nếp sống của bà con dân tộc. Thứ hai là giải thích cho họ niềm vinh dự được thế giới biết đến để họ có ý thức giữ gìn giá trị văn hóa quý báu này. Và thứ ba là không nên tổ chức hội diễn một cách lai tạp theo kiểu hiện đại làm phá vỡ phong cách truyền thống".

Thu Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.