Cấp tỉnh bác đơn khiếu nại thì gửi tiếp đến cơ quan nào?

18/11/2008 16:15 GMT+7

Hỏi: Đơn khiếu nại các quyết định, công văn của UBND cấp huyện thì gửi đến UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh mà bác đơn khiếu nại, nếu đương sự không đồng ý thì gửi tiếp đến cơ quan nào? (Võ Chân Thành, TP.HCM).

Trả lời: Thực tế tình trạng khiếu nại vượt cấp, đơn chuyển lòng vòng hiện khá phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta không nắm được trình tự và thẩm quyền giải quyết. Câu hỏi của bạn cũng chứa đựng một cách hiểu chưa chính xác về trình tự khiếu nại. Chúng tôi xin trích dẫn những quy định liên quan đến vấn đề này, quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo (đã được sửa đổi bổ sung năm 2005 và có hiệu lực thi hành ngày 1.6.2006) để bạn tham khảo:

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

- Chủ tịch UBND cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

- Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền: 1/ Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; 2/ Giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch UBND cấp xã, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.

- Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.

- Giám đốc Sở và cấp tương đương thuộc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền: 1/ Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp; 2/ Giải quyết khiếu nại mà những người quy định tại điều 2 của Luật này đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền: giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; giải quyết khiếu nại mà chủ tịch UBND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại; giải quyết khiếu nại mà Giám đốc Sở hoặc cấp tương đương thuộc UBND cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại mà nội dung thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh.

- Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp (Điều 24).

- Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền: Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ công chức do mình quản lý trực tiếp; giải quyết khiếu nại mà những người quy định tại Điều 24 Luật Khiếu nại tố cáo đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại; giải quyết khiếu nại có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình mà Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc Sở hoặc cấp tương đương thuộc UBND cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại.

- Tổng Thanh tra có thẩm quyền: Giải quyết khiếu nại mà Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại; giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.

- Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền:

Lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp; xử lý các kiến nghị của Tổng Thanh tra.

Trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại:

Người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính (trừ những trở ngại khách quan khác).

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại điều 36 Luật Khiếu nại tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Tại Điều 54, Chương 3 về “Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức”, đã sửa cụm từ “quyết định này là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng” thành “quyết định này là quyết định có hiệu lực thi hành”. Các điều 43 và điều 46 có nói: trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án (vùng sâu vùng xa thì thời hạn là 45 ngày).

Như vậy, chúng ta hiểu rằng: Quá 30 ngày kể từ khi người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết lần 2 mà không có động tác khởi kiện án hành chính, thì quyết định lần 2 đương nhiên có hiệu lực thi hành.

Luật gia Hoàng Tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.