Cúm A/H1N1 có gì mới?

14/12/2009 09:55 GMT+7

(TNTT>) Cúm A /H1N1 diễn biến phức tạp trong mùa đông, vì vậy WHO đang đẩy mạnh việc sử dụng vắc -xin trên toàn thế giới.

Trong số liệu mới nhất của Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện đã có 208 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H1N1. Số lượng bệnh nhân tử vong trên thế giới hiện tại là 9.596 người, riêng tại khu vực Đông Nam Á là 814 người.

Đến ngày 10.12.2009, Bộ Y tế Việt Nam đã báo cáo có 11.040 ca nhiễm bệnh được phòng thí nghiệm xác nhận, trong đó 47 ca tử vong. Với sự lây nhiễm H1N1 ngày càng tăng tại Việt Nam, WHO cho rằng những trường hợp biến chứng nặng (có thể dẫn đến tử vong) sẽ tăng lên.

Hiện nay các chuyên gia đánh giá virus H1N1 có tốc độ lây lan cao tuy nhiên tầm nguy hiểm cũng vẫn xấp xỉ cúm mùa thông thường, nghĩa là tỉ lệ gây tử vong từ 0,1-1%.

Thông tin mới nhất về Vắc-xin ngừa cúm A/H1N1

1,2 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam

Sau khi virus cúm A được phát hiện vào tháng 4.2009, WHO đã kêu gọi tài trợ vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. 180 triệu liều vắc-xin đã được các hãng dược phẩm cam kết tài trợ cho chương trình của WHO, có thể đáp ứng được nhu cầu của 10% dân số cho 95 nước nằm trong kế hoạch. Trong thời gian từ 9.12.2009 đến tháng 2.2009, WHO dự kiến sẽ chuyển cho Việt Nam 1,2 triệu liều vắc-xin ArepanrixTM do hãng GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất.

 

Virus H1N1 đột biến

Trường hợp đầu tiên ở Na Uy vào ngày 20.11. Cho đến nay, đã có thêm một số ca được phát hiện tại Brazil, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Mexico, Ukraine và gần đây nhất là Pháp và Ý. Tháng 7.2009, WHO cũng ghi nhận một số trường hợp virus có biểu hiện kháng thuốc với các dược phẩm có chứa oseltamivir (loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị cúm H5N1, H1N1 có thành phần chính là oseltamivir). Các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân chuyển sang dùng thuốc chứa zanamivir và tình hình đã chuyển biến tốt.

Ngược dòng lịch sử

Theo GS. Anthony Fauci (Viện Dị ứng và truyền nhiễm quốc gia NIAID, Mỹ), virus H1N1 của năm 2009 là cháu đời thứ tư của virus gây nên dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918. Năm 1998 đánh dấu cột mốc quan trọng: lần đầu tiên virus H1N1 gây bệnh ở heo kết hợp với virus của người và gia cầm. Tháng 4.2009, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 6 gien của virus năm 1998 trong số gien của virus 2009. Việc lần theo lịch sử hiện là một hướng nghiên cứu quan trọng trong việc phòng chống dịchcúm A/H1N1._(Theo Le Figaro)

Sự kiện lô Arepanrix A80CA007A bị thu hồi vào ngày 24.11.2009 tại Canada khi có 4 trường hợp sốc thuốc được ghi nhận (trên 100.000 liều) đang gây nhiều lo ngại. Tuy nhiên  GSK đã ra thông báo (cùng ngày 24.11) rằng khoảng 15 triệu liều Arepanrix đã được phân phối tại Canada, và nhìn chung, tần suất các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng là dưới 1 trường hợp trên 100.000 liều. Tỷ lệ này không vượt quá tỷ lệ vẫn thường được báo cáo ở các vắc-xin khác.

WHO cho biết đã cung cấp mọi thông tin về Arepanrix cũng như những bất lợi của loại vắc-xin này đến các quốc gia thành viên và đến nay, vẫn chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận do tiêm ngừa Arepanrix. Cho tới nay, vắc-xin đại dịch cúm A có độ an toàn như vắc-xin cúm mùa và nguy cơ về phản ứng bất lợi của vắc-xin vẫn nhỏ hơn nhiều lần so với nguy cơ nghiêm trọng mắc cúm đại dịch mà những nhóm dân có nguy cơ cao phải chịu. WHO đang giám sát chặt chẽ và tiến hành điều tra bất cứ trường hợp bất lợi nào cho sức khỏe có liên quan đến vắc-xin này.

Đối tượng cần được ngừa

Do số lượng vắc-xin mà Việt Nam sắp được nhận chỉ đủ cho gần 2% dân số nên WHO khuyến cáo cần ưu tiên cho "nhóm dân số có nguy cơ cao" như những người làm việc trong ngành y tế, phụ nữ có thai, người sống trong các cộng đồng tách biệt, vùng sâu vùng xa và những người mắc các bệnh mãn tính. Tiêm chủng cho các nhóm đối tượng này sẽ giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, biến chứng và tử vong.

Phản ứng phụ

Vắc-xin ngừa cúm A/H1N1 có thể gây một số phản ứng thường gặp khi tiêm chủng như sưng phù, đau nhẹ ở nơi bị tiêm; hiếm hơn có thể gây sốt, mỏi cơ, nhức đầu (trẻ em hay bị hơn người lớn). Những phản ứng này nhìn chung không gây nguy hiểm và chấm dứt sau 1, 2 ngày. Hiện tượng sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời, tuy nhiên tỉ lệ này khá thấp.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.