Bức xúc của cử tri

11/12/2014 08:56 GMT+7

Hàng loạt bức xúc của cử tri ở các tỉnh, thành miền Trung được mổ xẻ cặn kẽ tại kỳ họp HĐND cuối năm 2014. Tuy nhiên, các vấn đề “nóng” như biên chế, ô nhiễm , tội phạm... vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Ngập úng kéo dài tại nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng
Ngập úng kéo dài tại nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú

“Bất lực” biên chế giáo dục

Phiên họp HĐND tỉnh Quảng Trị “nóng” lên với phần giải trình của ông Hồ Ngọc An, Gíam đốc Sở Nội vụ. Ông Lê Bá Nguyên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đi thẳng vào vấn đề: “Đối với ngành giáo dục, năm vừa qua, giáo viên hợp đồng rất nhiều, biên chế có nhưng vì sao không thấy tuyển. Trong khi nghị quyết hội đồng khóa trước đã nêu rõ nếu đơn vị nào không tuyển hết biên chế được giao trong năm trước thì năm sau không được phân bổ nữa?”. Trả lời chất vấn, ông An thừa nhận về cơ cấu, năm 2014, ngành giáo dục địa phương được giao 522 chỉ tiêu biên chế nhưng cả năm không tuyển dụng một người nào vì nội tại ngành giáo dục hiện nay đang... dư 529 biên chế (?). Tréo ngoe ở chỗ là dù biên chế dư nhưng số giáo viên hợp đồng lại tiếp tục tăng. “Ở đây có tính bất cập về cơ cấu. Ví dụ, biên chế bậc mầm non toàn tỉnh đang thiếu 255 biên chế nhưng biên chế bậc THCS đang thừa 300 biên chế. Không thể đưa giáo viên bậc này về dạy bậc kia nên hiện những biên chế dư ở bậc THCS đang “hưởng lương” của những biên chế thiếu ở bậc mầm non. Khi nào biên chế dư ...về hưu thì biên chế thiếu mới chen được vào hoặc là phải tinh giảm biên chế thẳng tay”, ông An lý giải. Chưa hết, ông An còn ví dụ tiếp, cụ thể hơn: “Trong một trường đã đủ biên chế (quy ra từ số lớp) nhưng dư 1 biên chế dạy Toán và thiếu 1 biên chế dạy Văn thì không còn cách nào khác là phải hợp đồng 1 giáo viên dạy Văn rồi đợi đến khi biên chế dạy Toán nghỉ mới vào biên chế được”. Chính vì thế, ông An thừa nhận tình trạng “thiếu thừa, thừa thiếu” này của ngành giáo dục là hết sức nan giải, không biết đến lúc nào mới giải quyết dứt điểm được.

Ô nhiễm: 11 năm vẫn “bó tay”

Tại Đà Nẵng, trả lời về chất vấn về việc giải quyết ô nhiễm Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang và nước thải chảy ra biển, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Điểu cho rằng những năm qua thành phố xây dựng thành phố môi trường nhưng chỉ phụ thuộc vốn Ngân hàng Thế giới nên chậm tiến độ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng đó là những vấn đề mà suốt 2 nhiệm kỳ HĐND của mình kéo dài 11 năm qua, mỗi năm 2 lần ông đều chất vấn nhưng chỉ nhận được lời hứa với dân mà vẫn chưa giải quyết triệt để, trong khi lẽ ra nếu có quy hoạch cụ thể, phân kỳ đầu tư, thì nay đã giải quyết dứt điểm chứ trước nay làm kiểu chắp vá, và đổ cho kinh phí thì dân còn bức xúc. 6/12 ý kiến chất vất ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng xoay quanh các điểm ngập úng cũ, và các điểm đã đầu tư hệ thống thoát nước nhưng không phát huy hiệu quả. 3 năm qua ngân sách đã chi 291 tỉ đồng chống ngập nhưng nay vẫn còn 58 điểm ngập trong khi đó ông Hùng vẫn không khẳng định được năm 2015 sẽ giải quyết được những điểm ngập nào. Đại biểu Thái Thanh Hùng đặt vấn đề, dư hơn 10.000 lô đất tái định cư không bố trí khiến ngân sách thiệt hại hàng chục tỉ đồng trả tiền thuê nhà cho dân thì trách nhiệm thuộc về ai trong khi chỉ có Ban quản lý dự án biết?

Xử lý nợ thuế dây dưa

Tại Quảng Nam, theo đại biểu Lê Thị Nga đến nay 2 công ty khai thác vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (thuộc Tập đoàn Besra) vẫn đang nợ hàng trăm tỉ đồng nhưng phương án xử lý của UBND tỉnh vẫn chưa cụ thể. Theo báo cáo, năm 2014, ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không hoàn thành dự toán được giao. Nguyên nhân chính là do 2 đơn vị khai thác vàng nợ thuế kéo dài. Cụ thể, Công ty Vàng Phước Sơn, dự toán giao năm 2014 đạt 233,2 tỉ đồng nhưng trong 10 tháng đầu năm, đơn vị này chỉ nộp 18,57 tỉ đồng. Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu dự toán giao năm 2014 đạt 17,6 tỉ đồng thế nhưng 10 tháng đầu năm công ty này không nộp ngân sách. Cũng theo đại biểu Nga, người dân Quảng Nam vẫn đang trông mong cách xử lý nợ thuế đối với 2 công ty vàng như thế nào. “Phải đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp, chứ nợ thuế vài trăm tỉ đồng tiền thuế lại không thu được, trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ nợ thuế thì bị truy thu, “gõ cửa” gắt gao. Đề nghị cơ quan chức năng giải trình cụ thể. Trong phiên chất vấn, đề nghị Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nói rõ sự việc bức xức này trước cử tri”, bà Nga nhấn mạnh. Tại phiên thảo luận tổ, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ có phần giải trình của ngành thuế về vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Quang, do có sự khúc mắc trong vấn đề áp thuế nên 2 công ty này vẫn dây dưa chưa trả đủ số nợ.

Tội phạm ở Quảng Bình gia tăng

Theo Viện KSND tỉnh Quảng Bình tình hình tội phạm năm 2014 trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và diễn biến tương đối phức tạp. Theo đó, Viện KSND 2 cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra và thụ lý giải quyết tổng 2.526 vụ; trong đó 1.105 vụ án hình sự và 1.421 vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và án hành chính. Đã khởi tố điều tra 265 vụ/471 bị can về tội xâm phạm quyền sở hữu, trật tự quản lý kinh tế (tăng so với năm 2013 là 46 vụ/101 bị can). Tội phạm cũng manh động tổ chức cướp tài sản ngay giữa ban ngày với giá trị tài sản chiếm đoạt lớn như vụ ở đường Thống Nhất, TP.Đồng Hới với số tiền 1,2 tỉ đồng. Tội phạm về trật tự an toàn xã hội tăng 36 vụ so với năm 2013. Tội phạm về ma túy nổi lên không chỉ ở thành phố, thị xã mà đã lan rộng về các vùng nông thôn, các đối tượng phạm tội hầu hết là con nghiện, đã tái phạm nhiều lần, việc đấu tranh xử lý có nhiều khó khăn phức tạp. Tội phạm về tham nhũng và chức vụ cũng gia tăng, cơ quan chức năng đã khởi tố 8 vụ/13 bị can (tăng 4 vụ/9 bị can). Tại kỳ họp HĐND tỉnh thứ 14 đang diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tội phạm, các cơ quan pháp luật cần tăng cường công tác tuần tra và xử lý nghiêm minh khi bắt được tội phạm.

Tăng trưởng chững lại

Sáng 10.12, HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã khai mạc kỳ họp thứ 9. Theo báo cáo năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn còn những khó khăn, hạn chế, kinh tế phục hồi chậm và chưa ổn định; vẫn còn 5/13 chỉ tiêu cơ bản chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong đó có 4 chỉ tiêu về kinh tế không đạt, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,23% (kế hoạch 9%), thu ngân sách 4.652,2 tỉ đồng (kế hoạch 4.755,6 tỉ đồng), tổng vốn đầu tư toàn xã hội 14.700 tỉ đồng (kế hoạch 15.200 tỉ đồng) GDP bình quân đầu người 1.750 USD (kế hoạch 2.000 USD). Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 11/15 người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Bùi Ngọc Long

Ng.Phúc - H.Sơn - Ng.Tú - T.Q.Nam

 >> Lâm Đồng: Nhiều cử tri đề nghị bảo tồn các biệt thự cổ xuống cấp
>> Cử tri TP.HCM kiến nghị Quốc hội điều gì tại kỳ họp thứ 8 ?
>> Cử tri TP.HCM: Học sinh học nhiều đến mức mụ mị, tự kỷ
>> Tiếp xúc cử tri: Đại biểu thì kiêm nhiệm, cử tri thì… 'chuyên trách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.