Cá sò bơi ở nơi sâu nhất dưới đại dương

Khánh Như
Khánh Như
03/04/2023 14:08 GMT+7

Các nhà khoa học đã ghi lại được một đoạn video về một con cá sò sống ở độ sâu hơn 8.300 m dưới mực nước biển.

Đài BBC ngày 3.4 đưa tin các nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu biển sâu Minderoo-UWA (Úc) đã ghi lại được cảnh một con cá sò bơi ở độ sâu nhất từng được ghi nhận trong đại dương.

Con cá được camera quay lại là một loại cá sò chưa trưởng thành thuộc chi Pseudoliparis, khi nó đang bơi ở độ sâu 8.336 mét ở rãnh Izu-Ogasawara, phía nam Nhật Bản. Thời điểm đó, các nhà khoa học đã gắn hệ thống camera vào một bộ khung có trọng lượng và thả xuống từ mạn tàu. Mồi cũng được đặt vào khung để thu hút các sinh vật biển.

Kỷ lục cá sò được phát hiện ở độ sâu nhất dưới đại dương - Ảnh 1.

Loài cá sò thuộc chi Pseudoliparis có thể sống ở độ sâu hơn 8.300 m dưới biển

MINDEROO-UWA DEEP SEA RESEARCH CENTRE

Khám phá lần này đã đánh bại kỷ lục được xác lập trước đó ở độ sâu 8.178 m, ở phía nam Thái Bình Dương trong Rãnh Mariana - nơi có điểm sâu nhất dưới đại dương, dưới mực nước biển 10.935 mét.

Theo các nhà khoa học, loài cá ốc nói trên có thể đã ở hoặc đang rất gần với độ sâu tối đa mà bất kỳ loài cá nào có thể sống sót, đài Sky News đưa tin.

Phát hiện cá ở độ sâu kỉ lục ngoài khơi Nhật Bản

"Nếu kỷ lục này bị phá vỡ, nó sẽ chỉ tăng thêm vài phút, có khả năng chỉ vài mét", Giáo sư Alan Jamieson, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, nói với BBC.

10 năm trước, các chuyên gia nghiên cứu biển sâu của Đại học Western Australia (Úc) đã dự đoán rằng độ sâu nhất mà các loài cá có thể sống sót là từ 8.200 m đến 8.400 m so với mực nước biển. Các nghiên cứu trong suốt một thập niên qua trên toàn cầu đã xác nhận điều này.

Mặc dù các nhà nghiên cứu không bắt con cá được quay phim, họ đã bẫy được một con khác di chuyển ở nơi cao hơn một chút, ước tính 8.022 m dưới mực nước biển. Đây cũng là kỷ lục về độ sâu mà một loài cá từng bị bắt.

Cá sò sinh sống ở các đại dương trên khắp thế giới, với hơn 300 loài khác nhau hiện được biết đến, nhiều loài trong số đó sống ở vùng nước nông. Chúng được mô tả là có hình dạng giống con nòng nọc, đầu to hơn và thân hình thon thả.

Các loài thích nghi với việc sống ở vùng nước sâu có thể chịu được áp suất khổng lồ dưới biển nhờ vào cấu tạo cơ thể mềm của chúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.