Cần có chính sách dài hạn cho trẻ em mồ côi do Covid-19

Thu Hằng
Thu Hằng
20/09/2021 00:00 GMT+7

Do dịch bệnh Covid-19 , số lượng trẻ em mồ côi gia tăng đặc biệt lớn, ngoài việc hỗ trợ trước mắt, về lâu dài, Chính phủ cần xem xét có cơ chế, chính sách cho đối tượng này đến khi các em trưởng thành, đủ cứng cáp tự lập.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Đắc Vinh (ảnh), Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) Quốc hội, khi chia sẻ với Thanh Niên về những tác động của dịch Covid-19 đối với trẻ em (TE).

ẢNH: NGỌC THẮNG

Thưa ông, những ngày qua, thông tin hơn 1.500 trẻ em mồ côi do mất cha, mẹ bởi đại dịch Covid-19 khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Ủy ban VHGD đã nhận được báo cáo về vấn đề này hay chưa?
Hiện nay, Ủy ban VHGD mới có thông tin từ TP.HCM, với số liệu báo cáo là hơn 1.500 TE mồ côi. Còn tại các tỉnh, thành khác có số lượng người tử vong lớn như Bình Dương, Đồng Nai… chúng tôi chưa có số liệu thông tin. Là cơ quan giám sát về thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, ủy ban cũng đã yêu cầu các bộ, ngành báo cáo về tác động của Covid-19 đối với TE, đặc biệt là đối tượng TE mồ côi.
Chúng ta nhìn thấy sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu và nhân dân rất lớn, cố gắng hạn chế tối đa những tổn thất. Tuy nhiên, dịch bệnh đã gây tổn thất lớn cho đất nước về mặt con người. Chúng tôi chia sẻ những mất mát với các gia đình, trong đó đặc biệt là có đối tượng TE dễ bị tổn thương rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Tổn thất lớn nhất với một bộ phận TE là mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ. Tổn thất ấy không có gì bù đắp được. Chúng tôi rất trăn trở, đau xót về điều đó.
Cả xã hội đã dành sự quan tâm đối với TE mồ côi rất lớn, nhiều tổ chức, cá nhân vào cuộc, thậm chí sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất nuôi dạy TE mồ côi do đại dịch, ông nghĩ sao về điều này?
Ngoài thông tin báo cáo từ các bộ, ngành, Ủy ban VHGD cũng rất quan tâm đến thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi hoan nghênh, ủng hộ Báo Thanh Niên đã có ngay hành động thiết thực, đi đầu phát động chương trình Bảo trợ TE mồ côi do Covid-19. Không chỉ với hoạt động này, Báo Thanh Niên là một tờ báo có uy tín, lâu nay có nhiều sáng kiến về các hoạt động xã hội sau mặt báo làm rất thành công và có trách nhiệm.
Là cơ quan báo chí lớn, chúng tôi mong rằng Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục phát huy, lan tỏa tình yêu thương trong xã hội, làm sao để có nhiều nhất các tổ chức, cá nhân chung tay góp sức hỗ trợ TE mồ côi và những mảnh đời khó khăn. Một cá nhân, một tổ chức xã hội rất khó có thể lo cho các em đến lúc trưởng thành, với truyền thống tương thân tương ái của người Việt, nếu chúng ta cùng chung tay với nhà nước thì nguồn lực chăm lo cho các TE mồ côi sẽ lớn hơn rất nhiều.
Như tôi đã nói, TE là đối tượng rất dễ bị tổn thương, cần phải chăm sóc đặc biệt. Về nguyên tắc, TE được chăm lo tại gia đình là tốt nhất, làm sao hỗ trợ người thân trong gia đình có điều kiện chăm sóc các em. TE mồ côi được phát triển trong môi trường gia đình, bên cạnh sự chăm lo của người thân vẫn tốt hơn là vào các môi trường khác, bởi khi đến môi trường mới, các em rất dễ bị tổn thương tâm lý, ảnh hưởng tâm tư tình cảm và sự phát triển.
Nhà nước sẽ hỗ trợ và vận động các nguồn xã hội hóa để đảm bảo cho các em được chăm sóc tại gia đình. Trong trường hợp bất khả kháng, không còn người thân, họ hàng, chúng ta cần tính đến phương án đưa các em vào trung tâm bảo trợ, trung tâm do các nhà hảo tâm xây dựng.
Việc khẩn thiết trước mắt chúng ta nên làm là gì, thưa ông?
Theo tôi, việc bộ, ngành, địa phương cần làm ngay là thống kê, rà soát, phân loại đầy đủ các đối tượng TE bị tác động bởi đại dịch, làm sao rõ địa chỉ, để có đánh giá đầy đủ những trường hợp đó. Trong đại dịch cần có sự động viên kịp thời, chăm lo trực tiếp, hỗ trợ đầy đủ để các em vượt qua mất mát. Hiện mới chỉ có TP.HCM có chính sách đặc thù cho TE mồ côi, tôi đề nghị các tỉnh có số lượng TE mồ côi lớn kịp thời ban hành chính sách cho các em trong thời điểm đặc biệt này.
Tác động nghiêm trọng nhất đối với các TE mồ côi là chữa trị những vấn đề về tâm lý, đề nghị nhà trường, các cơ sở y tế, đặc biệt là cán bộ được giao chăm sóc TE cùng động viên, chữa trị, giúp các em vượt qua sang chấn tâm lý.
Khi được điều trị, quay trở lại nhà trường, cộng đồng cần ưu tiên đặc biệt hỗ trợ để các em có đủ điều kiện tham gia học tập, hòa nhập cộng đồng, chữa trị sang chấn tâm lý. Đối với học sinh, tổ chức cho các em học trực tuyến thuận lợi, không để các em phải dừng học.
Khi đại dịch gần kết thúc, chúng ta cần có một chính sách tổng thể hơn, hỗ trợ, chăm lo cho các em tại gia. Với trường hợp đặc biệt không còn người thân, cũng không thể để các em độc lập, cần có biện pháp, hình thức khác để chăm lo. Chúng ta cần phải rà soát năng lực, có sự đầu tư thỏa đáng cơ sở xã hội tiếp nhận các em. Huy động thêm nguồn lực xã hội, trên tinh thần cố gắng không bỏ sót em nào.
Bộ LĐ-TB-XH và TP.HCM bước đầu đã có một số hỗ trợ riêng đối với TE mồ côi do Covid-19. Theo ông, về lâu dài, chúng ta có cần thiết phải có cơ chế, chính sách dành cho đối tượng này hay không?
Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có giải pháp kịp thời vừa hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho người lao động, phụ nữ, TE, những người yếu thế… trong dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị, Chính phủ thường xuyên lắng nghe ý kiến từ cơ sở, từ cộng đồng xã hội để phát hiện kịp thời những vấn đề cần quan tâm, hoàn thiện, bổ sung liên tục về mặt chính sách trước thực tiễn cuộc sống, thực tiễn dịch bệnh đặt ra.
Ngày 15.9 vừa qua, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các lĩnh vực ủy ban phụ trách, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế, chính sách cho đối tượng TE mồ côi cha, mẹ bởi đại dịch Covid-19. Trong đợt dịch lần thứ 4, số lượng TE mồ côi tăng đặc biệt lớn nên Chính phủ phải có chính sách, thậm chí có gói hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ luôn, ngay và khẩn trương đến với các đối tượng này; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ và chăm sóc TE, hiện nay các đơn vị này đang quá tải.
Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh giải pháp vắc xin, nghiên cứu tiêm vắc xin cho các đối tượng dưới 18 tuổi. Vừa bảo vệ sức khỏe cho các em, vừa tạo điều kiện cho các em được đến trường. Nếu các em được tiêm vắc xin đầy đủ, việc đến trường sẽ khả thi hơn.
Câu chuyện TE mồ côi không phải là vấn đề trước mắt 1 năm, 2 năm, có những em mới chào đời còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ, chúng ta phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra, có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn. Mong muốn của chúng tôi là kiến nghị Chính phủ có chính sách dài hạn giúp các em vượt qua khó khăn, được chăm sóc đầy đủ nhất đến lúc trưởng thành, cứng cáp để các em có thể tự lập sau này.
Đối với các em còn người thân, cụ thể chính sách như thế nào, nên hỗ trợ bao nhiêu cần phải nghiên cứu. Đối với các em không có người thân, buộc phải vào trung tâm bảo trợ, sau đại dịch phát sinh nhiều đối tượng thì phải bổ sung thêm cơ sở vật vất, nguồn kinh phí cho các trung tâm… Bước đầu, ủy ban đưa ra các kiến nghị chung, Chính phủ sẽ phải nghiên cứu đánh giá vấn đề này đầy đủ hơn.
Xin cảm ơn ông ! 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.