Cẩn trọng trong lĩnh vực sáng tạo: Ranh giới 'tham khảo' và 'sao chép' rất mong manh

29/07/2023 16:26 GMT+7

Người trẻ đang học tập và làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nên lưu ý điều gì để việc tham khảo, tiếp thu những giá trị đã có không trở thành sao chép chất xám của người khác?

Những công việc liên quan đến sáng tạo luôn có một sức hút với người trẻ vì ở đó họ được thể hiện tính độc bản, màu sắc cá nhân. Tuy nhiên, làm việc trong lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sản phẩm tạo ra vướng "nghi án" đạo nhái, sao chép chất xám của người khác. Dù vô tình hay cố ý thì việc này cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến những người làm trong lĩnh vực sáng tạo.

Học hỏi nhưng phải sáng tạo theo cách của mình

Cộng đồng mạng từng lan truyền câu chuyện một nhà thiết kế nổi tiếng bị sinh viên tố sao chép ý tưởng từ đồ án. “Cảm giác khi nhìn thấy mẫu, em bị đơ cứng cả người. Vì đây là mẫu thiết kế của em và em nghĩ rằng không thể nào anh (nhà thiết kế nổi tiếng - PV) chưa từng xem qua sketch (bản vẽ thiết kế thời trang) hay hệ thống nghiên cứu này của em. Vì anh là người đã từng đến trường em chấm đồ án đấy”, nam sinh viết trên trang cá nhân.

Cẩn trọng trong lĩnh vực sáng tạo: Ranh giới 'tham khảo' với 'sao chép' rất mong manh - Ảnh 1.

Bản vẽ thời trang của nam sinh viên (bên trái) và trang phục đã trình diễn của một nhà thiết kế được cho là có rất nhiều điểm tương đồng

CHỤP MÀN HÌNH

Một nhà thiết kế thời trang trẻ từng làm việc với nhiều nghệ sĩ Việt cho biết để có được một sản phẩm thời trang hoàn chỉnh thì việc đầu tiên là lên ý tưởng, tìm nguồn cảm hứng. Sau đó sẽ phát triển bằng sự chiêm nghiệm, cảm xúc kết hợp những yếu tố học thuật về chất liệu, màu sắc… Kế đến là phát triển thành một idea concept (ý tưởng thô) rồi vẽ phác thảo. Đó là những hình dung, mường tượng đầu tiên về bộ trang phục.

Nhà thiết kế này cũng cho biết khi đã có bản vẽ, sẽ chọn những chất liệu, kỹ thuật phù hợp để hoàn thiện bộ trang phục, sau đó đến bước chụp hình, trình diễn, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Quá trình làm việc nghiêm túc, tuân thủ các bước này có thể là bằng chứng cho sự sáng tạo của một người làm nghề.

“Thời trang hay nghệ thuật nói chung đều có tính kế thừa, phải học hỏi từ những người đi trước và sáng tạo nó thành cái của mình. Việc tìm hiểu thị trường, kiến thức không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới là điều rất quan trọng. Một nền tảng vững chắc về tri thức cũng giúp cho người làm nghề tránh được những câu chuyện không hay. Bên cạnh đó, việc làm ra những mẫu thử hay sáng tạo từ những chi tiết nhỏ nhất, sau đó sẽ sáng tạo trên tổng thể cũng sẽ tránh được việc trùng lặp ý tưởng”, nhà thiết kế này nhắn nhủ.

Có hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực thời trang, N.T.A (30 tuổi), ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Theo bản thân mình nhìn nhận thì câu chuyện nói trên là chiêu trò để tạo sự chú ý và có sự dàn xếp giữa hai bên với nhau. Với những bài đăng đấu tố nhau đạo nhái, xong lại giải quyết êm xuôi và đính chính bằng lý do là hiểu lầm thì việc dàn dựng cũng hoàn toàn có khả năng”.

Chấp nhận đạo nhái vì khách hàng yêu cầu?

N.H.T (28 tuổi), ngụ tại Q.7, TP.HCM, đang làm trong phòng thiết kế của một thương hiệu thời trang, cho biết: “Khi học thời trang, sinh viên sẽ được cho quan sát cách làm từ một chủ đề, sau đó học hỏi những cái hay trong cách xử lý các chi tiết thì gọi là tham khảo, còn sao chép là cố gắng làm giống 100%".

T. nói thêm: “Việc đạo nhái hay không phụ thuộc vào sự kiểm soát của nhà thiết kế đó với ekip của mình, nếu quá dễ dãi thì việc này hoàn toàn có thể xảy ra. Trong thời trang, việc tham khảo những sáng tạo trước đó là điều không thể thiếu, bởi phải có những cái đi trước thì người ta mới học hỏi và đưa vào cá tính riêng của mình”.

Từng làm việc trong đội ngũ thiết kế của một thương hiệu thời trang, H.T.T (27 tuổi), ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng với sự phát triển của ngành thời trang nước ta ở thời điểm hiện tại thì khả năng tạo ra chất liệu rất thấp. Đa số các nhà thiết kế phải phụ thuộc vào những thứ sẵn có trên thị trường, vì vậy sẽ đi tìm chất liệu trước khi lên một bản vẽ. Ngoài đam mê thì các nhà thiết kế rất chú trọng yếu tố kinh doanh để duy trì một thương hiệu. Vì vậy, sẽ không ít người chấp nhận việc đạo nhái theo một mẫu thiết kế sẵn có vì khách hàng yêu cầu.

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết để việc tham khảo được thực hiện đúng như nội hàm và ngoại diên bản chất ý nghĩa của khái niệm này thì phải tìm hiểu thật kỹ, thật sâu về sản phẩm gốc. Theo thạc sĩ Tiến, tuyệt đối không sao chép với bất kỳ lý do gì, phải thể hiện được sự khác biệt, độc đáo trong sản phẩm của bản thân. Và luôn thẳng thắn ghi chú, trích dẫn nếu sử dụng thông tin, ý tưởng từ sản phẩm gốc.

“Trong các lĩnh vực liên quan đến sáng tạo nói chung, truyền thông nói riêng, nghi vấn sao chép, đạo nhái có thể nảy sinh bất cứ lúc nào. Khi rơi vào trường hợp bị tố đạo nhái thì đầu tiên chúng ta cần giữ sự bình tĩnh, tránh phản ứng quá khích không đáng có. Hãy rà soát thật kỹ lưỡng, tự kiểm duyệt, đánh giá lại sản phẩm và quá trình tạo nên sản phẩm một cách khách quan nhất có thể, đảm bảo chúng ta không vi phạm về sở hữu trí tuệ. Kế đến, hãy chuẩn bị chu đáo những bằng chứng khẳng định công sức sáng tạo, độc lập của bản thân. Hãy sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, minh bạch và hợp tác thiện chí giữa các bên để giải quyết vấn đề”, thạc sĩ Tiến nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.