Cầu truyền hình TP.HCM - Lens (Pháp): Sóng yên gió lặng trước trận cầu Anh - Xứ Wales

16/06/2016 18:14 GMT+7

Nhà báo Đỗ Hùng đang có mặt tại Lens - Pháp đã hội bàn với đầu cầu Báo Thanh Niên tại TP.HCM về vấn đề an ninh tại Euro 2016 và không khí trước trận Anh - Xứ Wales.


[VIDEO]
Cổ động viên xếp hàng ở ga Lille Flanders để lên tàu sang Lens Đỗ Hùng
Từ Toulouse, tôi đi tàu TGV lên Paris vào ngày thứ ba. Bước xuống sân ga Montparnasse, đang loay hoay tìm tàu điện ngầm về Gare du Nord thì tôi được một anh cảnh sát bảo: “Hôm nay không có tàu điện, anh thử ra ngoài tìm xe buýt”. Khi xuống phố, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi không phải là xe buýt mà là đám đông biểu tình rầm rộ, đốt lửa khói mù mịt. Tôi mới nhớ ra hôm ấy là ngày đại đình công, đại biểu tình ở Paris, đã có lịch hẳn hoi chứ không phải thình lình bất chợt.
Khói lửa giữa Paris
Paris ngày thứ ba âm u, se lạnh, nhưng khói lửa, gạch đá và chai lọ đã làm không khí đường phố nóng hơn bao giờ hết. Thoạt tiên, Công đoàn CGT thông báo tổ chức đình công và biểu tình lớn vào ngày 14.6 để phản đối dự luật lao động mà theo họ là bất lợi cho người lao động, chẳng hạn như tăng giờ làm, giảm tiền ngoài giờ, chủ dễ sa thải. Họ cho 600 xe buýt chở người biểu tình vào trung tâm Paris. Biểu tình khởi phát tương đối ôn hòa với khoảng 50.000 người tham gia, nhưng sau đó đã lan thành bạo động tại một số nơi.
Mục tiêu của cuộc biểu tình sau đó cũng trở nên đa dạng hơn, chứ không chỉ nhằm vào dự luật lao động. Có người giương khẩu hiệu chia sẻ với nạn nhân vụ khủng bố ở Orlando (Mỹ), có người lên án chủ nghĩa tư bản… Đến buổi trưa và chiều thì cảnh hỗn chiến xảy ra trên đường phố. Người biểu tình dùng gạch đá, vật cứng ném về phía cảnh sát. Một số người đốt lửa, đập phá xe cộ và thiết bị công cộng trên đường phố. Cảnh sát đã huy động xe vòi rồng, súng hơi cay để dẹp bạo động.
Cuộc xung đột đầy khói lửa trên đường phố đã khiến ít nhất 50 người bị thương, trong đó có 29 cảnh sát. Bạo loạn còn kéo tới đêm, khi có thêm nhiều xe cộ bị đốt phá.
 
Hoạt động đình công và biểu tình hôm 14.6 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Euro 2016 Reuters
Hoạt động đình công và biểu tình hôm 14.6 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Euro 2016. Phương tiện giao thông công cộng tê liệt khiến số cổ động viên đổ về Paris trước các trận đấu phải chôn chân tại chỗ. Ban tổ chức Euro 2016 liên tục cập nhật tình hình đình công, biểu tình trên kênh báo chí của mình để các nhà báo tiện sắp xếp lịch trình tác nghiệp. CGT tuyên bố sẽ tổ chức 2 đợt biểu tình và đình công lớn nữa trong tháng này, nên chắc chắn thách thức cho Ban tổ chức Euro 2016 vẫn còn rất lớn.
Khủng bố ra tay
Trong khi lực lượng an ninh Pháp đang dốc toàn lực bảo vệ các địa điểm thi đấu và những nơi tập trung đông cổ động viên bóng đá thì một kẻ khủng bố đã ra tay ở nơi và theo cách mà ít người ngờ nhất. Đêm 13.6, Larossi Abballa, 25 tuổi, đã dùng dao đâm chết một sĩ quan cảnh sát và người bạn đời của ông này, cũng là nhân viên cảnh sát, tại Magnanville, cách Paris 60 km về phía tây.
Phương thức thủ ác của Abballa mang đậm nét của các vụ hành quyết do IS thực hiện: ra tay trước mặt đứa con 3 tuổi của nạn nhân, đâm nhiều nhát cho tới chết, quay video và phát lên Facebook.
Abballa sinh ở Ma Rốc, lớn lên ở Pháp và cách đây 3 năm từng bị bắt vì liên quan đến hoạt động tuyển mộ tay súng thánh chiến đưa tới Pakistan. Khi thực hiện vụ giết 2 viên cảnh sát nói trên, Abballa đã nói: “Giải Euro sẽ trở thành nghĩa địa”. Tổ chức IS đã lên tiếng khen ngợi hành động của kẻ thủ ác, một cách thừa nhận mình đứng đằng sau vụ khủng bố. Abballa sau đó đã bị lính đặc nhiệm tiêu diệt.
Vụ khủng bố mới nhất tại Pháp, xảy ra trong bối cảnh Euro 2016 đang đến hồi cao trào, gieo nên những lo ngại mới cho an ninh của nước Pháp nói chung và cho giải bóng đá này nói riêng. Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm thứ tư đã lên án vụ giết người mà ông cho rằng “là hành động khủng bố không thể chối cãi” cũng như bày tỏ quyết tâm sẽ tăng cường an ninh tới mức cao nhất. Ông cũng thừa nhận nguy cơ khủng bố xảy ra là rất lớn.
Giải bóng đá châu Âu đang trở nên hấp dẫn hơn, nhưng những mối lo liên quan đến hooligan, khủng bố cũng như bạo động đường phố đang tăng cao hơn bao giờ hết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.