Chi phí logistics níu chân hàng hóa

08/08/2023 04:12 GMT+7

Chi phí logistics của VN quá cao so với các nước là vấn đề được nói đến từ nhiều năm trước vì ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trong nước.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, với tỷ lệ chiếm gần 17% GDP,  chi phí logistics của VN đang cao gần gấp đôi một số nước trong khu vực.

Cao vì sao đã có nhiều phân tích, nhưng nguyên nhân gây chậm giảm thì lại chưa được mổ xẻ thấu đáo. Bởi những yếu tố khiến chi phí logistics của VN cao mà chúng ta thường nói đến như hạ tầng, cước vận tải, phụ thuộc vào doanh nghiệp (DN) nước ngoài, trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực... thì không phải một sớm một chiều có thể xây dựng hay cải thiện được ngay.

Thế nhưng, chuỗi logistics còn bao gồm nhiều "gạch đầu dòng" khác như lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan, công nghệ, phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển... Rồi liên kết các yếu tố trong chuỗi cung ứng đó để giảm thời gian giao nhận hàng. Hay đơn giản là việc kiểm soát không để giá xăng giảm nhưng giá cước chậm giảm ở nhiều thời điểm cũng là một trong các yếu tố góp phần giảm chi phí logistics của chúng ta.

Trong khi đó, nhìn lại bao cuộc họp liên quan vấn đề này, thì các kiến nghị, đề xuất liên quan hầu như vẫn thế. Bởi chúng ta cứ xới ra rồi lại xếp vào, không giải quyết được bao nhiêu. Trả lời Thanh Niên mới đây, lãnh đạo DN sở hữu đội tàu hàng đầu VN cũng nói thẳng chúng ta luôn nói logistics VN cao nhưng thực tế không có cơ quan nào phân tích và chỉ rõ cao ở khâu nào? Cũng chưa có đơn vị nào tính toán cụ thể cùng một khối lượng hàng hóa khi vận chuyển từ điểm A đến điểm B bằng đường biển chi phí bao nhiêu và đường bộ là bao nhiêu... Nếu có thì chắc chắn việc cắt giảm sẽ dễ hơn. Còn nếu cứ nói chung chung thì rất khó.

Chi phí logistics cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu thì đã quá rõ. Ở thời điểm kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay, giá càng trở thành vũ khí cạnh tranh tối quan trọng với bất kỳ hàng hóa nào, ở bất cứ quốc gia nào.

Hãy nhìn người tiêu dùng ở các nước và khu vực giàu có như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, EU cắt giảm chi tiêu với sản phẩm tôm, mặt hàng đắt đỏ nhất trong "rổ" thủy sản xuất khẩu của VN những tháng đầu năm, để thấy điều này. Tình trạng mất đơn hàng không chỉ ở đồ gỗ, dệt may mà diễn ra ngay cả với thực phẩm thiết yếu. Đó chính là cơ hội cho những nước xuất khẩu có hàng rẻ hơn. Tương tự, nhiều nhà nhập khẩu "than trời" vì trái cây VN ngon và được ưa chuộng, nhưng lại quá đắt đỏ so với các loại trái đồng dạng của Thái Lan khi nhập khẩu vào nước sở tại. Vì vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là khai thác thị trường mới, không có cách nào khác ngoài việc phải giảm chi phí, giảm giá thành. Trong khi chi phí vốn, chi phí logistics của chúng ta thì...

Hôm qua (7.8), Thủ tướng đã yêu cầu TP.HCM đẩy nhanh 2 dự án tỉ USD để biến Cần Giờ trở thành siêu cảng, trung tâm trung chuyển của khu vực. Các dự án này tính từ khi được thai nghén năm 2000 đến nay đã 23 năm. Cũng hôm qua, tại Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề, do Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, nhiều DN xin cơ chế đặc thù để đầu tư vào cảng đặc biệt, cửa ngõ của vựa lúa cả nước... Nếu các dự án này, cũng như nhiều dự án hạ tầng cầu, đường, cảng... khác được làm nhanh hơn thì đâu đến nỗi chi phí logistics cứ níu chân hàng hóa VN như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.