'Chiếc hộp lo lắng' giúp học sinh gửi những tâm sự thầm kín

20/04/2023 12:00 GMT+7

Nếu học sinh có những tâm sự không biết kể cùng ai thì có thể viết những chia sẻ nỗi lòng để gửi vào "chiếc hộp lo lắng".

Theo tờ SCMP ngày 19.4, một giáo viên ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) đã nghĩ ra một chiếc hộp bí mật, cho phép các em học sinh lớp 5 trong lớp giấu tên và viết ra những lo lắng như một cách để chia sẻ những nỗi niềm, tâm tư nhằm ngăn ngừa những hậu quả đau lòng. Chiếc hộp bí mật này được gọi là "chiếc hộp lo lắng".

Và sau một thời gian triển khai, "chiếc hộp lo lắng" đã nhận được nhiều sẻ chia của học sinh.

Nhiều người đã hoan nghênh sáng kiến này, nhất là trong bối cảnh nhiều học sinh cảm thấy cô đơn không biết chia sẻ, giãi bày tâm sự cùng ai.

Cũng từ những chia sẻ trong "chiếc hộp lo lắng", nhiều người cảm thấy cần phải nhìn nhận lại bản thân của những bậc làm cha làm mẹ. Bởi đằng sau những dòng tâm sự của các em nhỏ là những vấn đề phổ biến trong các gia đình như cha mẹ đánh nhau, cha mẹ ly thân. Tất cả đó là vấn đề của người lớn nhưng lại để vết thương lòng nơi con trẻ.

'Chiếc hộp lo lắng' giúp học sinh gởi những tâm sự thầm kín - Ảnh 1.

"Chiếc hộp lo lắng" giúp học sinh gửi những tâm sự thầm kín

CHỤP MÀN HÌNH TRANG SCMP

Theo nội dung của những câu chuyện mà các học sinh kể ra đều hiện hữu trong các gia đình. Một học sinh đã viết: "Bố mẹ con luôn cãi nhau vì tiền". Một học sinh khác thì chia sẻ: "Bố mẹ con cãi nhau. Bố mẹ quyết định ly hôn và giành quyền nuôi em trai 3 tuổi. Bố giành được quyền nuôi em nên mẹ con khóc suốt ngày".

"Bố mẹ con đi làm ở thành phố và không thường xuyên về nhà. Gia đình con rất nghèo và con luôn sợ mình làm việc gì sai trái", học sinh thứ 3 tâm sự.

Trong khi có nhiều học sinh lại phàn nàn rằng bố mẹ gây áp lực trong việc học tập và không có quyền riêng tư.

Phần lớn những mối lo của các em bày tỏ trong "chiếc hộp lo lắng" đều là về bố mẹ hoặc thành tích học tập.

Người có sáng kiến này là giáo viên tên Bai. Cô Bai cho biết những ghi chú bí mật mà cô đăng lên mạng đã được sự đồng ý của học sinh. Điều này khiến cô nhận ra việc nuôi dạy con cái và giáo dục khó khăn như thế nào. Những dòng ghi chú cũng đã được đưa cho phụ huynh học sinh để họ có thể từ đó điều chỉnh lại cách nuôi dạy con cái của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.