Chiến sự tối 23.6: Ukraine nói 'thắng lợi cục bộ' ở miền nam, Nga chưa bình luận

23/06/2023 19:35 GMT+7

Hôm nay 23.6, quân đội Ukraine tuyên bố đã giành được "thắng lợi một phần" ở miền nam, trong khi thành công chặn đà tiến của quân Nga ở miền đông. Nga chưa bình luận về thông tin này.

Chiến sự đến tối 23.6: Ukraine tuyên bố 'chiến thắng cục bộ' ở miền nam - Ảnh 1.

Lính Ukraine bắn pháo cối về hướng Donetsk đang do Nga kiểm soát

AFP

Hai mặt trận ở miền nam

Quân đội Ukraine tuyên bố đã giành được chiến thắng tại hai khu vực ở miền nam. "Theo hướng Novodanylivka - Robotyne và Mala Tokmachka - Novofedorivka, quân Ukraine đã đạt được thắng lợi một phần và đang cố thủ tại những mặt trận vừa đoạt được", Đài CNN dẫn thông báo của ông Andriy Kovalov, người phát ngôn Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông Kovalov cho biết các đơn vị Ukraine tiếp tục các đợt phản công về hướng thành phố hiện do Nga kiểm soát là Melitopol và cảng Berdiansk.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 484 có diễn biến gì nóng?

Ở phía đông, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cập nhật trên tài khoản Telegram rằng quân đội Ukraine đã chặn đứng đà tiến của quân Nga về hướng các thành phố Kupyansk và Lyman.

Tuy nhiên, bà thừa nhận Nga vẫn kiểm soát được những lãnh thổ rộng lớn ở miền đông và miền nam Ukraine. Lực lượng Ukraine vẫn chưa thể tiến quân đến khu vực đặt các tuyến phòng thủ chính của Nga.

Dù vậy, bà cảnh báo cuộc phản công lớn của Ukraine vẫn còn ở phía trước, trong khi Nga tiếp tục gia cố dọc theo các tuyến phòng thủ ở miền đông và miền nam.

Cùng ngày, Không quân Ukraine thông báo bắn hạ 13 tên lửa Nga đang lao về hướng một sân bay quân sự ở miền tây Ukraine. "Toàn bộ 13 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555 đều bị các hệ thống phòng không phá hủy, đa số ở vùng Khmelnytskyi", theo Không quân Ukraine.

Nga chưa bình luận về những thông tin trên, nhưng trước đó không thừa nhận những bước tiến của phía Ukraine.

Theo Hãng thông tấn TASS, lực lượng Ukraine đã dội 33 đợt pháo về vùng ly khai "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng (DPR) và dẫn đến thương vong cho dân thường. Còn Ukraine nói có thương vong ở tỉnh Kherson do trúng đòn tấn công từ Nga.

Chiến sự đến tối 23.6: Ukraine tuyên bố 'chiến thắng cục bộ' ở miền nam - Ảnh 2.

Nga đang kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

REUTERS

Điện Kremlin bác bỏ cảnh báo về nhà máy điện hạt nhân

Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo lực lượng Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang có ý định lên kế hoạch "tấn công khủng bố" bằng cách dàn dựng một vụ rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Nga bác bỏ cáo buộc đang cân nhắc tấn công nhà máy điện hạt nhân Ukraine

Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc trên. Tuy nhiên, trước lời cảnh báo của ông Zelensky, nhiều người dân Ukraine tìm cách mua trữ thuốc iốt, đẩy nhu cầu về loại thuốc này tăng vọt.

Trong một diễn biến khác, Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh Moscow sẽ không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về các loại vũ khí hạt nhân đang được triển khai đến Belarus.

Ông Ryabkov cũng cho hay Nga không có kế hoạch chia sẻ thông tin cho Mỹ về các vụ thử thiết bị lặn hạt nhân Poseidon vì dòng thiết bị này không nằm trong bất kỳ danh sách nào theo như thỏa thuận hiện có giữa Mỹ-Nga, TASS đưa tin.

Chiến sự đến tối 23.6: Ukraine tuyên bố 'chiến thắng cục bộ' ở miền nam - Ảnh 3.

Một tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tập trận không quân của NATO

REUTERS


Diễn tập không quân lớn nhất châu Âu

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay 23.6 kết thúc cuộc diễn tập không quân lớn nhất ở châu Âu trong một động thái phô diễn lực lượng nhằm đối phó những mối đe dọa tiềm tàng, theo AFP.

Nga nói không nên mời tổng thống Pháp tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS

Cuộc diễn tập mang tên "Bảo vệ trên không 23" do Đức dẫn đầu đã quy tụ khoảng 250 máy bay quân sự của 25 thành viên NATO và các nước đối tác, bao gồm Nhật Bản và Thụy Điển.

Cuộc diễn tập được thai nghén từ năm 2018 theo một phần của nỗ lực ứng phó sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Dù Tham mưu trưởng lực lượng không quân Đức Ingo Gerhartz khẳng định hoạt động phô diễn lực lượng này không nhằm vào bất kỳ nước nào, Đại sứ Mỹ tại Đức Amy Gutmann gọi đây là thông điệp cho những nước như Nga.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp dụng đợt cấm vận thứ 11 chống Nga, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu các bên thứ ba mà theo EU tiếp tay cho Điện Kremlin lách được những vòng cấm vận trước đó.

Với lệnh cấm vận mới nhất, EU tiến hành xử lý những trường hợp tàu chở dầu mang cờ các nước nhưng giúp vận chuyển dầu thô Nga đến các cảng EU.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu các sản phẩm sắt và thép vào thị trường EU cũng đối mặt các quy định khó khăn hơn liên quan đến nguồn gốc vật liệu thô được sử dụng trước khi thành phẩm.

Hệ thống phòng thủ của Nga là thách thức đối với Ukraine

Danh sách các công ty và tổ chức bị EU cấm vận giờ đây tăng thêm 87 cái tên, mà theo EU trực tiếp hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, bao gồm thuộc Trung Quốc, Uzbekistan, UAE, Syria và Armenia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.