Chiến sự Ukraine ngày 738: Nga gọi Đức là 'kẻ thù' sau vụ rò rỉ ghi âm

03/03/2024 05:00 GMT+7

Berlin cho rằng đoạn ghi âm là kết quả của việc các sĩ quan Đức bị nghe lén, giữa lúc một quan chức cấp cao của Moscow tuyên bố Đức một lần nữa trở thành 'kẻ thù không đội trời chung' của Nga.

Bộ Quốc phòng Đức đã mở cuộc điều tra sau khi một đoạn ghi âm bị rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy các sĩ quan Đức dường như đã thảo luận về việc giúp Ukraine tấn công cầu Crimea bằng tên lửa Taurus. Một phát ngôn viên của cơ quan này hôm 2.3 cho biết họ tin rằng cuộc trò chuyện bí mật đã bị nghe lén, theo AFP.

Hôm 1.3, Tổng biên tập RT Margarita Simonyan đã công bố đoạn ghi âm dài 38 phút ghi lại những gì bà nói là cuộc thảo luận giữa các sĩ quan cấp cao trong Không quân Đức về kế hoạch tấn công nói trên. Cuộc trao đổi được cho là có sự tham gia của tướng Ingo Gerhartz, người đứng đầu Không quân Đức.

Nga - Đức leo thang khẩu chiến sau vụ rò rỉ 'nghe lén'

Những người xuất hiện trong đoạn ghi âm nói rằng Đức sẽ chuyển 50 tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine và những cách mà Không quân Đức có thể cung cấp cho Ukraine thông tin về mục tiêu, miễn sao Berlin trông có vẻ không trực tiếp can dự vào xung đột.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 2.3 cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện. "Những gì được báo cáo là vấn đề rất nghiêm trọng và đó là lý do tại sao việc này hiện đang được điều tra rất cẩn thận, rất chuyên sâu và rất nhanh chóng", ông Scholz cho biết khi đang ở thăm Rome (Ý).

Chiến sự Ukraine ngày 738: Nga gọi Đức là 'kẻ thù' sau vụ rò rỉ ghi âm- Ảnh 1.

Tên lửa Taurus của Đức

CHỤP MÀN HÌNH NEWS.COM.AU

Phát biểu tại một diễn đàn ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng đoạn ghi âm cho thấy Ukraine và những nước ủng hộ Kyiv "không hề muốn thay đổi đường lối của mình và muốn Nga chịu thất bại chiến lược trên chiến trường".

Trong khi đó, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trong một bài đăng trên Telegram: "Đối thủ lâu đời của chúng ta - người Đức - một lần nữa trở thành kẻ thù không đội trời chung của chúng ta".

Ukraine từ lâu đã yêu cầu Đức cung cấp tên lửa Taurus, loại vũ khí có thể tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách lên tới 500 km. Song ông Scholz cho đến nay vẫn từ chối chuyển cho Kyiv các tên lửa uy lực này vì sợ rằng việc đó sẽ khiến xung đột leo thang.

Tiết lộ mới về hòa đàm và điều kiện của Nga

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) trích dẫn một tài liệu nêu chi tiết về các điều kiện mà Moscow đưa ra trong cuộc đàm phán hòa bình diễn ra năm 2022 giữa Nga và Ukraine.

Theo WSJ, tài liệu dài 17 trang được đề ngày 15.4.2022 ghi rằng Ukraine được phép trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng không được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc bất kỳ khối quân sự nào khác.

Ông Putin cảnh báo phương Tây về nguy cơ chiến tranh hạt nhân thảm khốc nếu đưa quân đến Ukraine

Các điều khoản khác được cho là bao gồm việc lực lượng vũ trang Ukraine phải giảm xuống một quy mô nhất định, đảm bảo không có vũ khí nước ngoài nào được đặt trên lãnh thổ, và Nga có quyền kiểm soát bán đảo Crimea.

UAV rơi xuống chung cư ở St Petersburg, 5 người chết ở Odessa

Lực lượng vệ binh quốc gia Rosgvardiya của Nga cho hay một máy bay không người lái đã đâm vào một tòa chung cư 5 tầng ở thành phố St Petersburg hôm 2.3. Khoảng 100 người đã được sơ tán và không có thương vong, Reuters đưa tin.

Theo truyền thông Nga, sự vụ có thể là hậu quả của việc một máy bay không người lái Ukraine bị bắn rơi khi đang hướng tới một kho nhiên liệu gần đó. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết họ "không có thông tin về tình hình".

Cùng ngày, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) đã ngăn chặn một chiếc xe chứa đầy chất nổ đang từ vùng Kherson miền nam Ukraine đi vào bán đảo Crimea. Nga đã tuyên bố sáp nhập cả hai vùng nói trên và đang kiểm soát Crimea cùng một phần Kherson.

Đô đốc Anh giúp Ukraine chống Nga ở biển Đen, Điện Kremlin nói gì?

Trong khi đó, ít nhất 5 người, bao gồm một trẻ 3 tuổi, đã thiệt mạng khi máy bay không người lái của Nga tấn công một khu chung cư ở thành phố cảng Odessa phía nam Ukraine hôm 2.3, theo giới chức địa phương. Một số người khác có thể vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tìm giải pháp ngoại giao

Ông Lý Huy, đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu, hôm 2.3 bắt đầu chuyến đi "ngoại giao con thoi" tại châu Âu nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine.

Theo kế hoạch, ông sẽ tới Nga, Ukraine và trụ sở Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Brussels (Bỉ). Ông cũng sẽ thăm Ba Lan, Đức và Pháp, tờ South China Morning Post đưa tin. Đây là sứ mệnh hòa bình thứ hai của ông Lý sau chuyến thăm khu vực vào tháng 5.2023 mà không đạt được những bước tiến rõ rệt.

Trong khi đó, AFP đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 1.3 đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn hàng hải ở biển Đen.

Ông Lavrov đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan. Một nguồn tin ngoại giao ở Ankara tiết lộ ông Fidan nói với ngoại trưởng Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cố gắng hết sức để nối lại đối thoại giữa Moscow và Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.