Chống bạo lực học đường: Nếu ngay bây giờ không quyết liệt thì đến bao giờ?

27/10/2023 08:47 GMT+7

Diễn đàn 'Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?' trên Báo Thanh Niên nhận được rất nhiều ý kiến, bài viết từ độc giả gửi về trong những ngày qua.

Khép lại diễn đàn 'Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?' - Ảnh 2.

Tiểu phẩm phòng chống bạo lực học đường tại Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM

ẢNH TƯ LIỆU

Nhiều ý kiến bạn đọc đóng góp cho diễn đàn "Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?" đã nêu ra những nguyên nhân và giải pháp cụ thể với mong muốn đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường. 

Báo Thanh Niên xin khép lại diễn đàn bằng chuỗi những ý kiến sau và kỳ vọng những ý kiến, giải pháp của độc giả sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường. 

Nỗ lực xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực"

Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự phối hợp từ cái kiềng 3 chân: gia đình, nhà trường và xã hội mà trong đó khi một chân lung lay là đã có vấn đề. Trước hết, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được học sinh. Nhà trường cần phải nắm được danh sách học sinh cá biệt có nguy cơ gây bạo lực để thường xuyên chia sẻ, giáo dục các em.

Song song đó, nhà trường cụ thể hóa nội dung xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực", thực hiện những giải pháp, hành động cụ thể, tạo sự gần gũi giữa thầy cô giáo với học sinh, từ đó giúp các em xóa đi những khoảng cách về tư tưởng, tình cảm, hình thành suy nghĩ về cách ứng xử phù hợp.

Nhà trường nên củng cố lại hộp thư tư vấn, tố giác vi phạm và thành lập tổ tư vấn để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tâm sinh lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Nếu giáo viên nắm được thông tin về khả năng xảy ra xung đột giữa hai hay nhiều học sinh, hãy chia sẻ điều này với giáo viên chủ nhiệm, giám thị hay các đoàn thể để có thể có biện pháp ngăn chặn.

Lê Quang Huy (giáo viên Trường Trừ Văn Thố, Tiền Giang)

Quyết liệt ở "3 môi trường"

Theo tôi, có 3 môi trường chính cần kết hợp với nhau để giải quyết triệt để việc bạo lực.

Môi trường gia đình: trẻ sẽ quan sát và học hỏi theo hành động, thói quen xấu của cha mẹ. Cần hiểu rằng cha mẹ bạo lực thì trẻ sẽ trút bạo lực lên các bạn cùng lớp. Những tiêu cực trẻ bắt chước theo bắt nguồn từ môi trường sống xung quanh: hàng xóm, họ hàng (thường xuyên chửi thề, đánh nhau, cãi nhau...). Gia đình cần kiểm soát nội dung trên mạng xã hội cũng như không cho trẻ tiếp xúc với phim ảnh không phù hợp lứa tuổi, game bạo lực.

Môi trường thứ hai là nhà trường. Lấy giáo dục đạo đức làm trọng tâm. Nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng, cần có những buổi sinh hoạt toàn trường về "tẩy chay bạo lực dưới mọi hình thức", cũng như đề ra nội quy cụ thể đến học sinh vi phạm.

Môi trường thứ ba là xã hội. Các cấp chính quyền cần thường xuyên tăng cường tuyên truyền về "chống bạo lực học đường" đến từng trường học thông qua cuộc thi, chuyên gia tư vấn, góc giải đáp...

Bạo lực học đường đã không còn giới hạn về độ tuổi và cách thức. Nếu ngay bây giờ không quyết liệt, không kịp thời, thì đến bao giờ?

Nguyên Ngọc

Khép lại diễn đàn 'Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?' - Ảnh 4.

Nhà trường cụ thể hóa nội dung xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực"

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Một cách để con tự bảo vệ mình trước nạn bạo lực học đường

Tập thể thao có nhiều lợi ích. Trước hết giúp các em học sinh cải thiện sức khỏe thể chất. Các nghiên cứu cho thấy nạn nhân bị bạo hành thường có sức khỏe kém, không thể tự vệ chống trả được các hành vi bạo lực. Tập thể thao cũng làm giảm căng thẳng sau giờ học tập, hạn chế sự bộc phát bạo lực học đường. Ngoài ra, trẻ em cần tập luyện một số kỹ năng sinh tồn, tự vệ trong trường hợp bị kẻ xấu tấn công.

Tôi cố gắng hướng dẫn con luyện tập võ thuật để cải thiện thể chất, để con tự tin hơn, vui vẻ hơn với cuộc sống, biết hòa đồng và yêu thương bạn bè. Khi thể chất khỏe mạnh, con không còn là nạn nhân của bạo lực học đường, cũng không phải là kẻ bắt nạt. Con có quyền tự vệ chính đáng của mình, nhưng chỉ sử dụng khi thật cần thiết, không còn con đường nào khác.

Nguy hiểm có thể đến từ bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ với ai. Không một người thân nào có thể ở bên cạnh con 24/24 giờ để ngăn chặn các nguy cơ, đảm bảo an toàn cho con. Vậy ai là người bảo vệ con tốt nhất? Chính là con.

Phạm Công Thành (kiểm soát viên thị trường Phòng Thanh tra-Pháp chế thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Xin hãy bắt đầu từ người lớn

Để bạo lực học đường chấm dứt, xin hãy bắt đầu từ người lớn. Một học trò của tôi từng nói rằng: "Người lớn thật mâu thuẫn, cấm tụi em hút thuốc nhưng chính họ lại hút, cấm tụi em uống rượu nhưng họ uống như hũ chìm, bảo tụi em ngủ sớm vì thức khuya có hại nhưng họ thức đến sáng để lướt mạng". 

Như vậy, điều duy nhất để giáo dục trẻ cư xử tốt chính là tấm gương của người lớn, cả cha mẹ và thầy cô, bởi lẽ đó là những người các em ngưỡng mộ, là hệ quy chiếu để nhìn và học theo.

Nguyễn Quân

Hướng dẫn học sinh tương tác tích cực trên không gian mạng

Nhà trường và gia đình cần giúp học sinh đang ở độ tuổi trưởng thành thích nghi dần với văn minh kỹ thuật số và để nâng cao nhận thức, tương tác tích cực trên không gian mạng. Khi học sinh dần hiểu được cách sử dụng internet và mạng xã hội theo hướng tích cực thì bạo lực học đường sẽ giảm dần.

Lê Tấn Thời (giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, An Giang)

Chống bạo lực học đường: Nếu ngay bây giờ không quyết liệt thì đến bao giờ? - Ảnh 8.

Chơi thể thao, luyện tập võ thuật cũng là một cách giúp trẻ khỏe mạnh, tự tin, mạnh dạn hơn góp phần đẩy lùi bạo lực học đường

PHẠM CÔNG THÀNH

Đẩy lùi bạo lực học đường từ giáo viên

Giảm bạo lực học đường bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Giáo viên là một trong những "yếu tố" rất quan trọng. Giáo viên dạy bất kỳ môn gì, cấp học nào cũng nên là một người thầy dạy "môn" đạo đức. 

Trước hết, hãy dạy học sinh bằng sự thấu hiểu và thấu cảm. Điều này không đơn giản và cần nhiều thời gian khi tương tác với những học sinh chưa ngoan hay những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Chính sự chân thành, gần gũi và đồng cảm, giáo viên sẽ cảm hóa được học sinh. Và khi cảm hóa được học trò thì chính mình là người thầy hạnh phúc. Và từ đó, bạo lực học đường sẽ giảm.

Tiếp đến, giảm tải kiến thức sách vở, nói không với 3 chữ "học thuộc lòng", không quá đề cao điểm số để trải nghiệm những giá trị thực tế cuộc sống ở trường. 

Đặc biệt trong mỗi tiết học, giáo viên hãy dành ít phút và bằng nhiều hình thức khác nhau gieo vào tâm hồn học sinh sống tử tế, sống đẹp; chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách bằng những việc làm thiết thực, ắt hẳn sẽ gặt hái được thành quả không chỉ trong tương lai mà ngay từ trực tiếp của mỗi tiết học. Mưa dầm thấm lâu, từ bậc mầm non đến các cấp học khác, học sinh thấm nhuần mỗi ngày và ắt hẳn nhân cách con người được nuôi dưỡng mỗi ngày. Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu sẽ "đánh thức" lòng tốt sẽ giảm bạo lực học đường.

Thái Hoàng

Sống tích cực và chân thành khi đối xử với mọi người

Để giảm bạo lực học đường, các bậc cha mẹ và thầy cô cần phải khảo sát tâm lý con em và học trò mình. Cha mẹ nên đứng ở góc độ là những người bạn để dễ dàng hiểu những tâm tư của tuổi mới lớn, đặc biệt là vấn đề thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi. Xu hướng muốn khám phá bản thân và người khác giới, cùng với việc tiếp cận những hình ảnh, MV có tính " người lớn '' khiến các bạn trở nên tò mò và muốn trở thành " người lớn '' thật sự. 

Cha mẹ cần chủ động giao tiếp với con mình để giáo dục và định hướng cho con. Hướng dẫn con đọc sách về tâm sinh lý lứa tuổi, tâm sự cùng con khi con có chuyện buồn, tìm hướng giải quyết tích cực khi con bị bắt nạt.

Hướng đến lối sống tích cực và chân thành khi đối xử với mọi người đó chính là phương châm nên thực hiện để góp phần vào việc giảm đi nạn bạo lực học đường.

Lê Huỳnh Minh Tú (học sinh lớp 10T5 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, Chợ Mới, An Giang)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.