Chủ nhà bất bại ở kỷ nguyên World Cup hiện đại

20/11/2022 08:34 GMT+7

'World Cup xưa' thì luôn đầy ắp những chuyện khôi hài. Còn trong kỷ nguyên hiện đại, những trận khai mạc World Cup đọng lại điều gì đáng kể?

Trận đấu tạm ngưng 5 phút để giới truyền thông vào sân phỏng vấn Ademir, sau khi cầu thủ này mở tỷ số cho chủ nhà Brazil (thắng Mexico 4-0). Đấy là trận khai mạc World Cup 1950.

Từ năm 2006, FIFA có lệ xếp đội chủ nhà đá trận khai mạc. Mà đã là đội nhà World Cup thì vấn đề chất lượng thuần túy là… hên xui. Một mặt, không ai nói Nam Phi (chủ nhà World Cup 2010) là đội mạnh. Mặt khác, còn có hệ quả là trận khai mạc Nam Phi - Mexico của World Cup 2010 kết quả thế nào cũng được đối với khán giả trung lập trên khắp thế giới. Đấy chỉ là một ví dụ về thay đổi đáng tiếc của FIFA liên quan đến trận khai mạc World Cup. Thay đổi này chủ yếu xuất phát từ một thay đổi khác, quan trọng hơn về mặt chuyên môn: đội ĐKVĐ World Cup phải đá vòng loại, tức không được bảo đảm có mặt ở kỳ World Cup tiếp theo.

CĐV Qatar kỳ vọng đội nhà giành chiến thắng ở trận khai mạc

Reuters

Trước đó, đội ĐKVĐ World Cup được miễn vòng loại và sẽ đá trận khai mạc ở kỳ World Cup tiếp theo. Với người hâm mộ trung lập, đội ĐKVĐ dĩ nhiên là đáng xem hơn đội chủ nhà. Trận khai mạc cũng có chất lượng hơn bởi ít nhất có mặt một đội siêu mạnh. Giới chuyên môn luôn sốt ruột chờ xem diện mạo của nhà ĐKVĐ để còn mổ xẻ, phân tích, nhất là xét thêm hoàn cảnh nhà vô địch ấy đã được miễn vòng loại, chỉ đá giao hữu quanh năm. Và nếu như nhà ĐKVĐ sẩy chân ngay trận ra quân, thì đấy hẳn nhiên là bất ngờ lớn, sẽ làm bùng nổ sự chờ đợi ở các trận đấu tiếp theo.

Hãy xem lại lần cuối cùng FIFA xếp đội ĐKVĐ đá trận khai mạc. Đó là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại châu Á, Hàn Quốc - Nhật Bản 2002. Bất ngờ động trời đã xảy ra, khi Senegal thắng Pháp 1-0 nhờ bàn duy nhất của Pape Bouba Diop. Lần đầu tiên xuất hiện ở World Cup, lực lượng Senegal gồm toàn cầu thủ “hạng nhì” trên sân cỏ Pháp đã quật đổ nhà ĐKVĐ, với lực lượng gồm các ngôi sao thượng thặng. Cuối cùng, những Zinedine Zidane, Thierry Henry, Patrick Vieira, Marcel Desailly… đã phải về nước ngay khi vòng bảng World Cup 2002 khép lại.

Tỷ số 1-0 thường xuất hiện ở trận khai mạc World Cup trong thời kỳ mà đội ĐKVĐ đá trận mở màn. Và tất nhiên, khi xảy ra kịch bản nhà ĐKVĐ sụp đổ ngay trận ra quân thì cũng khó có tỷ số khác. Một bàn là đã quá nhiều, và vấn đề là đội mạnh hơn choáng váng đến nỗi không gượng dậy nổi. Xưa nay, Argentina vô địch World Cup 2 lần thì trong cả 2 lần đá trận khai mạc của kỳ World Cup tiếp theo, họ đều thua 0-1.

Tại World Cup 1982, Erwin Vandenbergh ghi bàn duy nhất giúp Bỉ thắng Argentina ngay trận ra quân. Khi ấy, đội hình vừa vô địch World Cup 1978 của Argentina còn có thêm một ngôi sao mới thật sự đình đám, mang tên Diego Maradona! Trớ trêu thay, cũng với Maradona đá đủ 90 phút, với băng thủ quân trên tay, Argentina lại thua Cameroon 0-1 trong trận khai mạc World Cup 1990 (Francois Omam-Biyik ghi bàn, chỉ vài phút sau khi người anh ruột là Andre Kana-Biyik bị đuổi khỏi sân). Maradona khi ấy, với toàn bộ hào quang vô địch World Cup 1986, đã được đánh giá ngang hàng hoặc hơn cả vua bóng đá Pele (tùy quan điểm) rồi!

Thời kỳ mà đội ĐKVĐ đá trận khai mạc World Cup kéo dài 28 năm, gồm 8 giải đấu (từ World Cup 1974 đến 2002). Suốt 8 kỳ World Cup ấy, chỉ có 2 lần đội ĐKVĐ (trên danh nghĩa là đội mạnh nhất trước giải, là đội hạt giống đầu tiên khi bốc thăm chia bảng) thắng trận khai mạc. Đó là Brazil, thắng Scotland 2-1 tại World Cup 1998; và Đức thắng Bolivia 1-0 tại World Cup 1994. Còn lại là 3 trận thua và 3 trận hòa, trước các đối thủ “đàn em”.

Còn khi World Cup trở lại với truyền thống đội chủ nhà đá trận khai mạc (truyền thống này đã có từ xa xưa), thì có đến 3/4 trường hợp đội chủ nhà thắng trận ra quân: Đức thắng Costa Rica 4-2 năm 2006; Brazil thắng Croatia 3-1 năm 2014; Nga thắng Ả Rập Xê Út 5-0 năm 2018. Còn lại là trận Nam Phi hòa Mexico 1-1 năm 2010.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.