Chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng và 3 dấu ấn quan trọng

Mai Hà
Mai Hà
22/05/2023 09:50 GMT+7

Lãnh đạo các nước đánh giá cao vị thế của Việt Nam khi là khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay tại Nhật Bản. Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi dấu ấn quan trọng trên cả bình diện hợp tác song phương và đa phương.

Đêm qua 21.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao đã về nước, khép lại thành công chuyến công tác kéo dài 3 ngày (từ 19 - 21.5) tại Hiroshima (Nhật Bản) với lịch trình dày đặc.

Chuyến công du Nhật của Thủ tướng và 3 dấu ấn quan trọng - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và phu nhân đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima

NHẬT BẮC

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chỉ trong chưa đầy 3 ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và các cuộc trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế.

Đề cao đoàn kết quốc tế

Trong cả 3 phiên họp gồm “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” và “Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, Thủ tướng đều có các bài phát biểu quan trọng; đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Nêu lên thông điệp trước lãnh đạo các nước G7 mở rộng, Thủ tướng đã nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn; đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là "chìa khóa" để giải quyết các thách thức chưa có tiền lệ như hiện nay.

Theo đó, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm cân bằng, hợp lý theo điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và thực hiện bằng cam kết cụ thể. Ông đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng với Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Canada, Thủ tướng Ấn Độ…

NHẬT BẮC - DƯƠNG GIANG

Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính được lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Sự tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển.

Nhật Bản – Việt Nam ký hợp tác ODA với tổng trị giá 500 triệu USD

Sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng với Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Canada, Thủ tướng Ấn Độ…

Hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành của Thủ tướng với tất cả các nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm.

Trong trao đổi, các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.

Tại hội nghị và các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công trên cả bình diện song phương và đa phương

 Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng và làn sóng ODA mới

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh Hiroshima và đông đảo các giới của Nhật Bản đã góp phần nâng cao hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thủ tướng cũng đã tới thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, đặt vòng hoa tưởng nhớ những người đã thiệt mạng vì quả bom nguyên tử tại Hiroshima tháng 8.1945. Thủ tướng cũng đã có chuyến tham quan tàu Suiso Frontier - con tàu hydro hóa lỏng đầu tiên trên thế giới được sản xuất tại Nhật.

Thủ tướng đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio; tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima, các nghị sĩ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima, các hội hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản; dự và phát biểu tại Tọa đàm kinh doanh Việt - Nhật; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã nhất trí nỗ lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên tầm cao mới, đặc biệt trong năm 2023, dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Thủ tướng đã dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản với gần 500.000 người. Thủ tướng cũng tới thăm tàu hydro hóa lỏng đầu tiên trên thế giới

NHẬT BẮC

Đặc biệt, hai bên đạt một số kết quả thực chất trong lĩnh vực hợp tác ODA và đầu tư với việc ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỉ yen (khoảng 500 triệu USD).

Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam.

Về hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện mong muốn tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, xử lý nước thải…

Hợp tác ODA thế hệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại sẽ là những định hướng trọng tâm của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi tại Nhật Bản, tiếp tục là "cầu nối" thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và tại các diễn đàn như Liên Hiệp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Mê Kông… và vấn đề Biển Đông.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đã thông qua Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu, đề ra các nhóm giải pháp ứng phó với khủng hoảng lương thực trước mắt, nâng cao tính tự cường nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai và bảo đảm dinh dưỡng cho mọi người dân. Đây là kết quả đáng chú ý, thể hiện nỗ lực dẫn dắt của Nhật Bản cũng như quyết tâm của các nước G7 và khách mời trong việc giải quyết vấn đề cấp bách, cơ bản tác động nhiều mặt đến cuộc sống của người dân.

Các nhà lãnh đạo nhất trí cần tạo các động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị hoan nghênh sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7 (PGII) và sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) của Nhật Bản; nhất trí đẩy mạnh các sáng kiến huy động nguồn tài chính cho phát triển, thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng.

Về các vấn đề hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới, các nhà lãnh đạo nhất trí, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân. Các nước nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc DOC và tiến tới đạt COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.