Chuyển đổi số bắt đầu từ học trò

10/05/2023 04:16 GMT+7

Thí sinh lớp 12 đang trong giai đoạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, một kỳ thi quan trọng nhất, mà gần như không phải sử dụng bất kỳ một thủ tục giấy tờ nào là một minh chứng cho thấy số hóa đã đi vào đời sống giáo dục rất cụ thể và thiết thực.

Việc đăng ký dự thi trực tuyến xuất phát từ các ĐH tổ chức kỳ thi riêng như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM… với quy mô vừa phải, trong một số đối tượng thí sinh. Đến nay, khi công nghệ phát triển hơn, internet rộng khắp, kỹ năng số của người trẻ, đặc biệt là học sinh, nâng cao… thì việc đăng ký dự thi, xét tuyển trực tuyến trở nên hết sức thuận lợi, tiết kiệm.

Với hệ thống internet hiện nay cùng độ nhạy bén của học sinh về công nghệ, sự hướng dẫn của giáo viên, có thể thấy hầu như các học sinh không gặp khó khăn khi thực hiện thao tác đăng ký dự thi và xét tuyển.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, sau những bước thử nghiệm diện hẹp ở các năm trước thì năm nay đã cho học sinh, phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp, thi lớp 10 hoàn toàn trực tuyến. Không còn bộ hồ sơ nào, phụ huynh có con thi lớp 10 tại TP.HCM năm nay chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại là có thể đăng ký nguyện vọng cho con. Còn phụ huynh có con vào đầu cấp: mầm non, lớp 1, lớp 6 cũng hoàn toàn không cần đến trường mua rồi nộp hồ sơ nữa mà chỉ cần ngồi nhà đăng ký, chờ kết quả. Năm nay, TP.HCM ứng dụng thí điểm thêm một bước mới là sử dụng hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) trong tuyển sinh đầu cấp nhằm phân bổ học sinh học trường gần nhà nhất, thuận lợi cho việc đi lại…

Trước dịch Covid-19 học trực tuyến còn là khái niệm khá xa lạ với học sinh VN nhưng đến nay đã trở thành một hình thức học tập phổ biến và hiệu quả trong trường hợp cần thiết. Thậm chí, kiểm tra, thi, bảo vệ luận văn tốt nghiệp… đều có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Như vậy đã hình thành một vòng tròn khép kín số hóa trong giáo dục từ đăng ký tuyển sinh đầu vào đến thi đầu ra. Đâu đó trong quá trình thực hiện xảy ra những vướng mắc, trở ngại nhưng vẫn có thể giải quyết được. Khi áp dụng công nghệ, số hóa các hoạt động giáo dục, chúng ta thường lo lắng học sinh không đáp ứng kịp, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Nhưng thực tế cho thấy học sinh chính là đối tượng tiên phong, "dẫn dắt" người lớn vượt qua những trở ngại kỹ năng công nghệ.

Chẳng hạn như khi đăng ký tuyển sinh lớp 10 trực tuyến, nhiều phụ huynh lo lắng không biết cách thao tác, có giáo viên chủ nhiệm "khuyên" phụ huynh về hỏi con mình sẽ làm được. Và quả thật, hết sức nhanh chóng, học sinh đã giúp cha mẹ mình hoàn thành "nhiệm vụ". Tương tự, một giáo viên THPT cho biết giờ đây khi có trở ngại gì về máy tính, điện thoại hay khúc mắc gì về công nghệ, có thể hỏi ngay học sinh của mình.

Học sinh ngày nay thuộc thế hệ gen Z, gen Alpha khi ra đời đã tiếp cận với điện thoại thông minh, máy tính bảng, mạng xã hội… Các học sinh đã "tắm" mình trong công nghệ với các kỹ năng của công dân thời đại kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo... Vì thế, không lý do gì không mạnh dạn trao cơ hội để thế hệ trẻ tiên phong trong thời đại số, bắt đầu từ giáo dục, giúp người lớn cùng đi theo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.