Cổ đông CTG đón tín hiệu tích cực về chia cổ tức

29/04/2021 11:47 GMT+7

Niềm tin của các cổ đông vào cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) không chỉ bởi kết quả kinh doanh tích cực của năm 2020 mà còn bởi những tín hiệu tích cực về việc chia cổ tức cho cổ đông.

Những con số ấn tượng

Bên cạnh những kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng, tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo mà Ban Lãnh đạo VietinBank đã chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra vào ngày 16.4.2021, một trong các thông tin cổ đông quan tâm là việc chia cổ tức của ngân hàng. Năm 2020 và năm 2021, VietinBank đã liên tục khẳng định những tín hiệu tích cực về việc chia cổ tức cho cổ đông; qua đó thêm một lần nữa khẳng định niềm tin vững chắc của cổ đông vào sự phát triển của ngân hàng.
Cụ thể, VietinBank đã thực hiện thanh toán cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% vốn điều lệ, tương ứng 1.861 tỉ đồng, cho cổ đông hiện hữu vào ngày 30.12.2020. Ngân hàng cũng đã hoàn thành việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ dự kiến là 28,8% từ nguồn lợi nhuận năm 2017, 2018 sau thuế sau trích lập các quỹ theo quy định và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019.
Năm 2020, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế của VietinBank là 13.255 tỉ đồng (tăng 43,5% so với năm 2019), sau khi trích các quỹ và chi trả thù lao thành viên độc lập HĐQT, lợi nhuận còn lại là 8.480 tỉ đồng. VietinBank đang trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt 2 phương án chi trả cổ tức năm 2020. Ở cả hai phương án, tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt đều là 5%, tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu tùy thuộc tiến độ hoàn thành việc tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019 tại thời điểm chia cổ tức.

Phương án chi trả cổ tức

Ở phương án 1, tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank chưa hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt của năm 2019. Vốn điều lệ khi thực hiện chia cổ tức là 37.234 tỉ đồng. Khi đó, VietinBank sẽ chia cổ tức tiền mặt 5% vốn điều lệ (1.861,7 tỉ đồng) và chia cổ tức 17,7% bằng cổ phiếu (6.618 tỉ đồng).
Ở phương án 2, tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank đã hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ năm 2017-2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019. Vốn điều lệ khi đó là hơn 48.057 tỉ đồng. VietinBank trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt 5% (2.402 tỉ đồng) và cổ tức bằng cổ phiếu là 12,6% (6.077 tỉ đồng). Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ năm 2017-2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019 và chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại sau trích các quỹ năm 2020, vốn điều lệ của VietinBank sẽ là 54.134 tỉ đồng.
Dù thực hiện theo phương án nào, có thể nhận thấy ngân hàng đang tiếp tục truyền đi tín hiệu tích cực về việc sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020.
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2021, VietinBank định hướng chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ và cơ cấu chi trả cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tuân thủ theo quy định của NHNN bao gồm chính sách cổ tức chia trả cho cổ đông. Là ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, VietinBank luôn tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền về phê duyệt tỷ lệ và cơ cấu chi trả cổ tức. Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí và đối mới, thúc đẩy kinh doanh, việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức sẽ giúp các TCTD, trong đó có VietinBank tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh, thực hiện tốt vai trò ngân hàng chủ lực, trụ cột và chủ đạo của nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.