'Cỗ xe tăng' Đức năm xưa, nay đâu?

25/11/2023 08:19 GMT+7

Chủ nhà EURO 2024 là một đội tuyển Đức… yếu nhất trong lịch sử. Đáng ngại hơn cho giới hâm mộ Đức: đấy không phải là hiện tượng nhất thời, mà là cả một quá trình. "Cỗ xe tăng" đã suy yếu đến mức độ nào? Vì sao như thế?

Mới đây nhất là trận đấu cuối cùng trong năm 2023, tuyển Đức thua Áo 0-2. Nhìn lại 10 trận gần đây nhất, Đức thua đến 6 và chỉ thắng 2. Các đội thắng Đức đều không phải là tên tuổi lớn: Áo (thắng Đức 2-0), Thổ Nhĩ Kỳ (3-2), Nhật Bản (4-1), Colombia (2-0), Ba Lan (1-0), Bỉ (3-2). Các đội thủ hòa với họ cũng vậy: Mexico (2-2), Ukraine (3-3).

'Cỗ xe tăng' Đức năm xưa, nay đâu? - Ảnh 1.

Tiền đạo 30 tuổi Niclas Fullkrug (phải) lần đầu khoác áo đội tuyển Đức

AFP

Bóng đá giao hữu trước sau vẫn chỉ là… giao hữu? Vâng, trong đa số trường hợp quả là như vậy. Nhưng Đức là đội chủ nhà EURO 2024, tức họ không hề thi đấu chính thức trong năm 2023. Các trận giao hữu của Đức do vậy có tầm quan trọng hơn hẳn so với các đội chỉ đá giao hữu "chiếu lệ". Cần nhớ: Đức đã phải sa thải HLV Hansi Flick sau trận giao hữu thua Nhật Bản 1-4 hồi tháng 9. Thật ra, khi khẳng định đây là đội tuyển Đức yếu nhất trong lịch sử, người ta không chỉ căn cứ vào kết quả thi đấu giao hữu trong năm 2023. Ở cả 2 kỳ World Cup gần đây nhất, tuyển Đức đều không qua khỏi vòng bảng. Họ bị loại vì thua các đội như Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ở kỳ EURO gần đây nhất, Đức cũng bị loại ở vòng 16 đội. Tính đến năm 2014, chưa bao giờ đội Đức vắng mặt ở trận chung kết EURO hoặc World Cup trong vòng 6 năm liên tiếp (trừ 2 kỳ EURO đầu tiên Đức không tham gia). Đấy là một sức mạnh ổn định đến mức kinh ngạc. Nhưng "Cỗ xe tăng" Đức đã trở nên tầm thường hẳn trong suốt các giải đấu lớn gần đây, như đã nêu.

Trước đây, ai cũng khâm phục hai đặc điểm lớn khi nói về bóng đá Đức: "tinh thần thép" và sự chắc chắn trong lối chơi nặng tính kỷ luật, được ví như những cỗ xe tăng. "Tinh thần thép" đại khái là bất chấp hoàn cảnh, Đức luôn cố gắng đến tận phút chót và thường xuyên đảo ngược tình thế. Cựu danh thủ Anh Gary Lineker, từng là "nạn nhân", có câu bất hủ: "Bóng đá là trò chơi đơn giản gồm 22 cầu thủ mà cuối cùng thì người Đức luôn thắng". Giờ thì ngược lại: Đức từng dẫn trước 4-0 nhưng vẫn để cho đối phương gỡ hòa, trong một trận đấu chính thức. Hoặc Đức ghi bàn ở phút 19 nhưng vẫn thua Nhật Bản đến 1-4, ngay tại sân nhà!

Câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi bàn về sự chắc chắn và tính kỷ luật trong lối chơi của đội tuyển Đức. Chắc quá, kỷ luật quá, đâm ra… khó có khả năng thay đổi, không linh hoạt. Người Đức bám chặt vào cách chơi theo sơ đồ 4-2-3-1 mà họ từng vô địch World Cup 2014 - cũng như người Anh chỉ chơi 4-4-2 suốt vài chục năm sau khi vô địch World Cup 1966 vậy. Từng vai trò cụ thể trong đội tuyển Đức xưa nay thường rất rõ ràng. Và thế là, "Cỗ xe tăng" như bị "nhổ răng" khi Miroslav Klose giải nghệ mà không có trung phong xứng tầm để thay thế. Kai Havertz hoặc Timo Werner đều không đáp ứng được yêu cầu. Để rồi Đức phải dùng đến Niclas Fullkrug, một tiền đạo đã 30 tuổi nhưng đến cách đây 2 năm còn đang chơi bóng ở giải hạng nhì.

Ngoài vị trí tiền đạo, bóng đá Đức còn thiếu hậu vệ cánh. Trong 21 trận gần đây, "Cỗ xe tăng" đưa… 17 cặp hậu vệ cánh khác nhau. Thilo Kehrer, Matthias Ginter, Jonathan Tah, Niklas Sule, Nico Schlotterbeck… đều đã chơi hậu vệ cánh trong đội tuyển quốc gia, dù họ vốn là trung vệ ở CLB của mình. Còn khi "Cỗ xe tăng" dùng những hậu vệ cánh đích thực như David Raum, Benjamin Henrichs, Robin Gosens, thì ở cánh ngược lại thường là một trung vệ. Chỉ có 3/21 trận gần đây, Đức có đủ cặp hậu vệ cánh đúng nghĩa. Trong trận đấu gần đây nhất (thua Áo 0-2), HLV Julian Nagelsmann xếp… tiền vệ/tiền đạo Kai Havertz vào vị trí hậu vệ cánh và… "ăn gạch"!

Thiếu hẳn hậu vệ cánh và trung phong giỏi, "Cỗ xe tăng" cứ phải thử nghiệm, thay đổi xoành xoạch, trong khi sự linh hoạt lại không bao giờ là sở trường của người Đức. Thế là cứ thất bại mãi, theo kiểu có hệ thống. EURO 2024 thì chỉ còn 7 tháng nữa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.