'Công thức' thông thầu thiết bị giáo dục ở Điện Biên và Thanh Hóa

13/04/2023 15:03 GMT+7

Thủ đoạn phạm tội trong 2 vụ án thông thầu thiết bị giáo dục ở Điện Biên và Thanh Hóa có nhiều điểm giống nhau đến giật mình, từ việc "đi đêm" với Sở GD-ĐT cho đến câu kết thẩm định giá, cài cắm "quân xanh"…

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố vụ thông thầu thiết bị giáo dục xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, một vụ án tương tự cũng được đưa ra xét xử, xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên.

Hai vụ án ở 2 địa phương khác nhau, nhưng thủ đoạn của các bị can, bị cáo trong việc "thổi giá" các gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học có nhiều điểm giống nhau đến giật mình.

'Công thức' thông thầu thiết bị giáo dục ở Điện Biên và Thanh Hóa - Ảnh 1.

Bị can Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa

CÔNG AN CUNG CẤP

Thông thầu từ "trong trứng nước"

Điểm giống nhau đầu tiên, các doanh nghiệp tìm cách "đi đêm" với chủ đầu tư là các sở GD-ĐT ngay từ khi gói thầu còn chưa được mở. Thông qua sự kết nối với lãnh đạo sở, những doanh nghiệp này nghiễm nhiên độc chiếm toàn bộ các gói thầu liên quan đến dự án.

Ở Điện Biên, khi biết Sở GD-ĐT tỉnh là chủ đầu tư 2 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học, đầu năm 2019, ông Đinh Văn Hữu, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên (gọi tắt là Công ty Sách Điện Biên), đã tới gặp Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Kiên, để đặt vấn đề được tham gia dự án.

Ở Thanh Hóa, Sở GD-ĐT tỉnh này cũng là chủ đầu tư 2 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học. Tháng 9.2019, ông Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa (viết tắt là Công ty Sách Thanh Hóa), đến gặp Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hằng, nhờ tạo điều kiện cho tham gia thầu.

Hai cuộc gặp diễn ra ở 2 địa phương nhưng đều có chung một kết quả, đó là "cái gật đầu" của 2 giám đốc sở. Sau các cuộc gặp này, cán bộ của 2 sở GD-ĐT được chỉ đạo tạo điều kiện, ưu ái cho 2 doanh nghiệp nêu trên trúng thầu.

Một công thức chung được sử dụng: nhân viên Công ty Sách Điện Biên và Công ty Sách Thanh Hóa sẽ thống nhất với cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên và Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa về danh mục, giá thiết bị, thông số kỹ thuật… để đưa vào hồ sơ mời thầu.

Riêng ở Thanh Hóa, các bị can còn cài cắm một số thông số kỹ thuật mang tính đặc trưng, tạo lợi thế ngay từ đầu cho liên danh của Công ty Sách Thanh Hóa, hạn chế doanh nghiệp khác tham gia đấu thầu.

'Công thức' thông thầu thiết bị giáo dục ở Điện Biên và Thanh Hóa - Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Văn Kiên (trái), cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên và Đinh Văn Hữu, Giám đốc Công ty Sách Điện Biên

CÔNG AN CUNG CẤP

Cài cắm "quân xanh"

Để chắc chắn trúng thầu, cũng giống nhiều vụ án vi phạm đấu thầu khác, Công ty Sách Điện Biên và Công ty Sách Thanh Hóa đều sử dụng chiêu bài cài cắm "quân xanh". Thậm chí, 2 công ty này còn phối hợp làm "quân xanh" chéo cho nhau.

Tại Điên Biên, khi tham gia các gói thầu do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư, ông Đinh Văn Hữu, Giám đốc Công ty Sách Điện Biên liên hệ với 2 doanh nghiệp quen biết, trong đó có Công ty Sách Thanh Hóa, để nhờ nộp hồ sơ dự thầu với vai trò "quân xanh". Do đã thỏa thuận từ trước, Công ty Sách Điện Biên sẽ là đơn vị đủ điều kiện trúng thầu.

"Có đi có lại", tại Thanh Hóa, khi tham gia các gói thầu do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư, ông Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa, cũng nhờ Công ty Sách Điện Biên phối hợp với một công ty khác để thành lập liên danh, nộp hồ sơ dự thầu với vai trò "quân xanh". Kết quả không nằm ngoài dự tính, liên danh của Công ty Sách Thanh Hóa là đơn vị trúng thầu.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định ông Hữu cho Công ty Sách Thanh Hóa mượn hồ sơ để dự thầu, vi phạm quy định luật Đấu thầu, nhưng đây không phải yếu tố quyết định giúp Công ty Sách Thanh Hóa trúng thầu, bản thân ông Hữu cũng không hưởng lợi gì, nên không bị xử lý hình sự.

Tương tự, ông Sơn cũng được xác định không hưởng lợi gì từ việc cho Công ty Sách Điện Biên mượn hồ sơ để đăng ký dự thầu với tư cách "quân xanh", nên không bị xử lý hình sự.

'Công thức' thông thầu thiết bị giáo dục ở Điện Biên và Thanh Hóa - Ảnh 3.

Nhóm bị can bị trong vụ vi phạm đấu thầu tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa

CÔNG AN CUNG CẤP

Chi "lại quả" tiền tỉ

Bằng những thủ đoạn như đã nêu, Công ty Sách Điện Biên và Công ty Sách Thanh Hóa trúng toàn bộ 4 gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học mà sở GD-ĐT 2 tỉnh làm chủ đầu tư.

Trong đó, với 2 gói thầu ở Điện Biên, cơ quan tố tụng xác định tổng giá trị theo thị trường chỉ hơn 12,3 tỉ đồng, nhưng bị "thổi giá" và gây thiệt hại hơn 7,5 tỉ đồng. Với 2 gói thầu ở Thanh Hóa, tổng giá trị theo thị trường là 98,7 tỉ đồng, nhưng bị "đội giá" lên gần 120 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 20,8 tỉ đồng.

Đáng chú ý, kết thúc mỗi gói thầu, ông Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa đã đến phòng làm việc chi "lại quả" cho Nguyễn Văn Phụng (cựu cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa) mỗi lần 3 tỉ đồng, tổng cộng 6 tỉ đồng.

Số tiền này, bị can Phụng giữ cho cá nhân mình 700 triệu đồng, đưa cho cựu Giám đốc sở Phạm Thị Hằng 3 tỉ đồng, 2 cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Trịnh Hữu Nghĩa 1,65 tỉ đồng, Lê Văn Cương 250 triệu đồng…

Còn tại Điện Biên, do được tạo điều kiện trúng 2 gói thầu, Giám đốc Công ty Sách Điện Biên Đinh Văn Hữu cũng 2 lần đến phòng làm việc của cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Kiên chúc tết. Mỗi lần, ông Hữu đưa cho ông Kiên 300 triệu đồng, tổng là 600 triệu đồng.

Đầu tháng 3.2023, ông Hữu và ông Kiên cùng bị TAND tỉnh Điện Biên tuyên phạt 5 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Thẩm định nhưng không khảo sát giá

Một điểm giống nhau nữa của 2 vụ án, đó là cái tên BTC Value. Đây là công ty được "chọn mặt gửi vàng", tham gia thẩm định giá tại cả 4 gói thầu do Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên và Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Tại Điện Biên, khi thẩm định giá, theo đúng quy định thì Công ty BTC Value phải khảo sát thực tế thị trường, thu thập thông tin (giao dịch thành công, hóa đơn GTGT của các thiết bị giống hệt hoặc tương tự). Thế nhưng, nhân viên công ty này chỉ thu thập báo giá các thiết bị trên mạng internet để so sánh, từ đó phát hành chứng thư thẩm định giá không chính xác.

Căn cứ vào các chứng thư nêu trên, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên ký quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, với mức giá bị chênh lệch so với giá thị trường, dẫn tới thiệt hại.

Còn tại Thanh Hóa, sai phạm diễn ra tương tự. Thay vì khảo sát thực tế thị trường, nhân viên Công ty BTC Value lại chỉ căn cứ vào báo giá mà Công ty Sách Thanh Hóa đã thống nhất với cán bộ sở GD-ĐT từ trước, rồi ban hành chứng thư thẩm định giá.

Ở cả 2 vụ án, hàng loạt lãnh đạo, nhân viên Công ty BTC Value bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì liên đới trách nhiệm khi để xảy ra thiệt hại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.