Cử tạ Việt Nam nguy cơ bị cấm thi đấu toàn cầu trong nhiều năm vì bê bối doping

13/04/2023 18:40 GMT+7

Theo quy định của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), sau khi nhận được kết quả dương tính với doping mẫu A, các VĐV có quyền yêu cầu xét nghiệm thêm mẫu B.

14 VĐV bị nghi dính doping có quyền yêu cầu mở mẫu B tại Thái Lan hoặc nước khác

Với các VĐV môn cử tạ và thể hình vừa bị phát hiện có dấu hiệu dùng chất cấm khi tham dự Đại hội thể thao toàn quốc 2022, trong 21 ngày kể từ nhận được thông báo về việc có kết quả dương tính mẫu A (là vào ngày 12.4), họ có quyền yêu cầu xét nghiệm thêm mẫu B để chứng minh sự trong sạch của mình (nếu như mẫu B lại cho kết quả âm tính với doping).

Từ nay đến trước ngày 3.5, nếu không VĐV nào yêu cầu xét nghiệm mẫu B thì coi như họ tự thừa nhận mình đã dùng doping và ngành thể thao sẽ tổ chức các phiên giải trình để các VĐV này trình bày lại toàn bộ diễn tiến sự việc (dùng thuốc gì, sử dụng thực phẩm chức năng có chứa chất cấm hay không, cố tình hay vô tình sử dụng…).

Cử tạ Việt Nam nguy cơ bị cấm thi đấu toàn cầu trong nhiều năm vì bê bối doping - Ảnh 1.

Một khóa học về phòng chống doping tại Việt Nam

TRUNG TÂM Y HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG DOPING VIỆT NAM

Trong trường hợp mẫu B vẫn cho kết quả dương tính với doping, VĐV cũng vẫn phải làm giải trình tương tự nhưng muộn hơn. Tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022, BTC đã lấy mẫu thử của hơn 200 VĐV. Các mẫu A và B đều được BTC gửi sang phòng xét nghiệm của Thái Lan. 

3 VĐV cử tạ bị nghi ngờ dùng doping theo kết quả xét nghiệm mẫu A, 11 VĐV thể hình có kết quả tương tự. Trong đó có cả VĐV nam và nữ. 

Sau khi yêu cầu được xét nghiệm mẫu B, các VĐV có thể ủy quyền cho người khác hoặc đích thân sang Thái Lan để chứng kiến phòng xét nghiệm mở mẫu B. Các VĐV cũng có quyền yêu cầu mở mẫu B ở phòng xét nghiệm ở một nước khác nếu muốn và phòng xét nghiệm Thái Lan sẽ chuyển mẫu thử sang nước mà VĐV đó yêu cầu. Chi phí sẽ do chính VĐV đó tự chi trả. 

Cử tạ Việt Nam lo nơm nớp

Một đơn vị có thành tích tốt tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022 có tới 3 VĐV bị nghi ngờ dùng doping, trong đó có 1 VĐV cử tạ, 2 VĐV thể hình. Cơ quan chủ quản của các VĐV này đã nhận được thông báo từ BTC đại hội và đã yêu cầu các HLV, VĐV có liên quan làm giải trình bằng văn bản, để có cơ sở báo cáo Tổng cục TDTT.

Một đơn vị ngoài Bắc có 1 VĐV nữ môn cử tạ bị nhận kết quả dương tính với doping mẫu A.

Theo quy định mới của Liên đoàn Cử tạ thế giới, liên đoàn cử tạ của quốc gia nào có 3 VĐV trở lên dính chất cấm ở cùng một sự kiện hoặc trong một thời gian ngắn, liên đoàn sẽ bị phạt rất nặng. Đó là tất cả các VĐV cử tạ của liên đoàn đó (kể cả là VĐV không dùng doping) cũng bị cấm thi đấu toàn cầu trong thời gian ít nhất 2 đến 3 năm. 

Do đó, nếu trong trường hợp 3 VĐV cử tạ bị kết luận chính thức là dùng doping tại Đại hội thể thao toàn quốc thì thể thao Việt Nam phải chịu hậu quả rất nặng nề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.