Cùng con đi tiếp cuộc đời: Cuộc gặp gỡ thân tình và ấm áp

28/08/2023 07:53 GMT+7

Sáng 25.8, tại trụ sở Công ty cổ phần kỹ thuật & xây dựng Handong (Công ty Handong E&C) ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, diễn ra buổi gặp mặt ấm áp giữa các lãnh đạo công ty, đại diện Báo Thanh Niên và gia đình 3 em H.N.T.V (lớp 12 Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh), N.N.H (lớp 12 Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp) và L.H.K.N (lớp 12 Trung tâm GDTX Chu Văn An, Q.5).

Đây là 3 trường hợp có cha hoặc mẹ mất do dịch Covid-19, được Handong ký thỏa thuận ngày 27.1.2022, bảo trợ học phí từ lớp 10 đến lớp 12, với mức 75 triệu đồng/em trong 3 năm học, trong chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Cuộc gặp gỡ thân tình và ấm áp   - Ảnh 1.

Ông Park Jinho (bìa phải) trao quà cho các em và gia đình

KIM PHƯỢNG

CHIA SẺ TÂM SỰ

Mở đầu buổi gặp mặt, ông Park Jinho, Tổng giám đốc Công ty Handong E&C, cho biết: "Đây là cuộc gặp mặt thân mật đầu tiên, mọi người có thể thoải mái trò chuyện khi được nhìn thấy mặt nhau, bởi gần 2 năm chia sẻ và gắn kết với các em cùng gia đình, chúng ta luôn phải mang khẩu trang do dịch Covid-19". Cuộc trò chuyện trở nên thân tình hơn khi từng em chia sẻ tâm tư, tình cảm khi mất đi người thân yêu đã ảnh hưởng việc học hành, tâm sinh lý và cách vượt qua bản thân để bước tiếp. Em L.H.K.N thổ lộ: "Lúc trước chuyện gì em cũng tâm sự với mẹ. Nhưng từ khi vắng mẹ, em bắt đầu nói chuyện với ba nhiều hơn, từ đó em hiểu rằng ba cũng rất quan tâm đến em". Còn với N.N.H thì khác, em là một người cá tính, thẳng thắn và mạnh mẽ nhưng "đôi lúc cũng cảm thấy xuống tinh thần và buồn bã mà không biết chia sẻ cùng ai". Những lúc như thế, H. cho biết "sẽ tìm một không gian thật yên tĩnh để suy nghĩ hoặc tìm một không gian thoáng đãng để hét thật to cho cân bằng cảm xúc".

Sau khi nghe các em tâm sự, ông Lê Hùng Kiệt (51 tuổi), cha của L.H.K.N, xúc động: "Trước đây tôi phụ vợ bán cháo lòng ở vỉa hè, nhưng từ khi vợ mất, tôi thật sự hụt hẫng, thiếu thốn đủ thứ. Tôi chuyển qua làm lao động tự do, thu nhập rất bấp bênh. May mắn cháu N. được nhận bảo trợ của Công ty Handong E&C, đối với gia đình tôi số tiền này rất lớn và cần thiết, giúp con yên tâm học tập. Tôi vô cùng biết ơn chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên và quý công ty đã giúp đỡ gia đình tôi". Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Khánh Linh (51 tuổi), mẹ của H.N.T.V, cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện bà làm lao công tại chợ Bình Điền với thu nhập chỉ hơn 200.000 đồng/ngày, nhưng phải gắng nuôi hai con đang đi học là H.N.T.V và H.T.T.L (lớp 6). "Trước đây, công việc của hai vợ chồng tuy vất vả nhưng thu nhập cũng đủ trang trải lo cho hai con ăn học. Nhưng từ khi chồng mất, tháng nào tôi cũng ứng tiền trước để lo tiền ăn, tiền học, cứ "ăn trước trả sau" liên tục như vậy. Đến lúc cháu V. được Báo Thanh Niên giới thiệu và nhận được bảo trợ của Công ty Handong E&C, cuộc sống của gia đình dễ thở hơn rất nhiều. Nhờ số tiền bảo trợ, tôi sắp xếp ổn định được chi phí học hành, sách vở cho con và bản thân tập trung lao động lo tiền ăn hằng ngày", bà Linh trải lòng.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Cuộc gặp gỡ thân tình và ấm áp   - Ảnh 2.

Ông Park Jinho và các gia đình chụp hình lưu niệm

MỞ CÁNH CỬA ƯỚC MƠ

Cũng trong buổi gặp mặt, lãnh đạo Công ty Handong E&C giới thiệu đến các em chương trình học bổng SAL của Công ty Tổ chức Nhà ở quốc gia (N.H.O), nhằm giúp các em tiếp cận sớm với học bổng này để chủ động học tập, rèn luyện, đạt các tiêu chí đạt học bổng khi thi đậu đại học hoặc cao đẳng tại TP.HCM, như một trong những cơ hội mở cánh cửa ước mơ tương lai. Theo đó, để nhận được học bổng SAL năm đầu tiên, tất cả các em có thành tích học tập từ 7 điểm trở lên, có tinh thần nhân ái, tích cực hoạt động tình nguyện và đóng góp cho cộng đồng, ưu tiên các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt (gia đình đơn thân, mồ côi, người khuyết tật, dân tộc thiểu số…). Quỹ học bổng SAL sẽ hỗ trợ học phí cho mỗi sinh viên tối đa 5 năm. Tuy nhiên, để được tiếp tục nhận học bổng, bắt buộc phải vượt qua kỳ đánh giá hằng năm để xét học bổng kế tiếp...

Em L.H.K.N bày tỏ: "Vì hoàn cảnh gia đình nên em không dám mơ ước vào đại học. Em đang có dự định học hết lớp 12 sẽ kiếm việc làm, nhưng nếu có quỹ học bổng SAL thì em sẽ cố gắng để thi vào Trường ĐH Kinh tế, vì ước mơ thật sự của em là được học ngành quản trị kinh doanh". Trong khi đó, N.N.H tự tin xác định mục tiêu của mình: "Từ trước tới giờ em rất yêu thích ngành marketing vì nhận thấy mình có khả năng giao tiếp tốt, ghi nhớ nhanh. Hiện tại em đang học khối tự nhiên nên em sẽ quyết tâm theo ngành này".

Kết thúc buổi trò chuyện, ông Park Jinho trân trọng gửi lời cảm ơn Báo Thanh Niên đã làm cầu nối ý nghĩa cho Handong E&C đến được với gia đình cùng các bạn nhỏ. "Chúng tôi rất vui khi có thể hỗ trợ các gia đình, cụ thể hơn là giúp các em có thể hoàn thành việc học và theo đuổi ước mơ của mình. Tôi tin rằng "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", không chỉ Handong E&C mà tất cả chúng ta có thể cùng chung tay sẻ chia giúp cộng đồng ngày càng phát triển hơn", ông Park Jinho nói. Nhân dịp này, ông cũng tặng mỗi em một phần quà trung thu và chiếc cặp cho năm học mới, đặc biệt mời gia đình các em dùng bữa cơm thân mật tại một nhà hàng với các món ăn truyền thống của xứ kim chi.

Cuộc gặp gỡ ý nghĩa này không những giúp nhà bảo trợ và các gia đình thêm gắn kết, gần gũi mà còn thực sự yêu thương, hiểu nhau nhiều hơn. Các em đã mạnh dạn tâm sự, chia sẻ ước mơ, sở thích của mình với những người lớn như trong một gia đình về hành trình còn nhiều khó khăn ở phía trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.