img

Với chúng tôi, những người may mắn chứng kiến một phần cuộc chiến này thì đó là một hành trình khốc liệt nhưng đầy kinh ngạc của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam một thời.

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 1.

Một tuần sau khi rủ chúng tôi lên Gia Lai thời điểm giữa tháng 8, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) mở một bữa tiệc sầu riêng có thể nói là hoành tráng nhất Việt Nam. Toàn bộ loại trái cây tỉ đô được chở từ Gia Lai, tập kết ở khách sạn 5 sao giữa trung tâm TP.HCM mà nhiều người sau khi xem hình ảnh đăng tải trên mạng vẫn kinh ngạc. "Tôi muốn mời các bạn thưởng thức món sầu riêng của chúng ta trước khi bán ra thị trường", bầu Đức giải thích với các nhà đầu tư tham dự. Tất nhiên, bữa tiệc không thể thiếu thịt heo và chuối - những sản phẩm chủ lực của tập đoàn này. Hai ngày sau đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tiếp tục gửi tặng sầu riêng, chuối cho tất cả những cổ đông sở hữu từ 200.000 cổ phiếu HAG trở lên để họ dùng thử sản phẩm mùa đầu tiên như một lời tri ân.

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 2.

Bầu Đức hào hứng thu hoạch vườn sầu riêng đầu tiên với lợi nhuận cao

Ảnh: N.H

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 3.

Chuối đóng thùng xuất qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc

Ảnh: N.H

Gắn bó với bầu Đức trong suốt hơn 1 thập niên thăng trầm khi chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp, tôi hiểu hơn ai hết cảm xúc của ông trong từng câu chữ dù tôi biết chắc ông không cố tình lựa chọn. Nhưng "sầu riêng của chúng ta" gửi gắm rất nhiều tâm tư của "ông bầu quốc dân" Đoàn Nguyên Đức. Từ người giàu nhất trên sàn chứng khoán trở thành "con nợ", phải cắt bán nhiều dự án tâm huyết để tồn tại, bầu Đức đã đối mặt với không ít tình huống đắng cay nhân tình thế thái. Vì thế, ông trân trọng những người đã tin tưởng và ở lại bên mình đến ngày hôm nay. Đó cũng chính là động lực để ông "chiến đấu" đưa HAGL trở lại, chiến đấu vì danh dự của bản thân và "vì các bạn", như ông tuyên bố tại bữa tiệc sầu riêng hôm đó. Quan trọng hơn, ông muốn truyền đi một thông điệp: HAGL đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm" và ông mong họ hãy giữ cổ phiếu ít nhất là cho đến khi vườn sầu riêng 1.200 ha thu hoạch rồi "quý vị muốn rút đi đâu thì rút".

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 4.

Bầu Đức đang sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất thế giới, 1.200 hecta

Ảnh: N.H

Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao bầu Đức lại muốn họ chờ đến lúc vườn sầu riêng 1.200 ha thu hoạch (khoảng 1 năm nữa). Với nhà đầu tư chứng khoán, cổ phiếu tăng giá thì chốt lời, nhất là sau thời gian dài chịu lỗ. Còn với những cổ đông đã đồng hành với HAGL nhiều năm, ngay cả dù ông không nói, họ chắc chắn vẫn giữ. Bầu Đức biết điều đó nhưng ông có tâm ý của mình. Khi chuyển sang trồng sầu riêng cách đây gần 5 năm, ông đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu thị trường, giá cả, khả năng sinh lời, thậm chí tính toán luôn cả nguy cơ nếu giá xuống đáy sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn như thế nào. Sau khi dự liệu tất cả, ông có niềm tin chắc chắn sầu riêng sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho HAGL. Niềm tin này càng được củng cố khi vườn đầu tiên đạt doanh thu 18 tỉ đồng trong khi toàn bộ chi phí chỉ 3,6 tỉ đồng. Nếu cả 1.200 ha cùng thu hoạch, chỉ sầu riêng cũng mang lại hàng ngàn tỉ cho HAGL, bên cạnh heo, chuối vẫn đang ngày càng hiệu quả hơn. Và ông muốn chia sẻ với họ, những người đã đồng cam cộng khổ với ông thành quả đó. Hơn một lời tri ân, bầu Đức muốn tất cả những người đã đi với ông đến lúc này, có lộc cùng hưởng.

Bầu Đức càng không quên những người đã chọn ở lại với tập đoàn, chấp nhận cả những tháng ngày làm việc không lương kéo dài không một lời than vãn. Ông từng nói với tôi, đó là điều ông tự hào nhất trong cuộc đời doanh nhân của mình. Ông vẫn đã và đang tri ân họ theo cách riêng của mình. Đặc biệt, bầu Đức vẫn luôn khát khao chứng minh làm nông nghiệp có thể mang lại doanh thu tỉ đô và thu nhập bạc tỉ. Sa lầy ở đâu, vươn lên từ đấy, không oán trách, không đổ lỗi. Đó là phong cách của bầu Đức.

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 5.

Bầu Đức tuyên bố đưa HAGL trở lại cuối năm 2022

Ảnh: N.H

Thế nên năm 2023, khi kinh doanh có tín hiệu khả quan trở lại, bầu Đức chính thức áp dụng khoán năng suất với chuối, sầu riêng và heo để tạo ra những nông dân tỉ phú. Kết thúc đợi khoán đầu tiên, có người đã nhận hàng tỉ đồng, có người vài trăm triệu. "Tôi muốn xe hơi phải đậu dài trước dãy chuồng heo; giám đốc có thể ngủ trong trại heo nhưng đi máy bay hạng nhất, xuống có xe sang đưa đón... Người trồng chuối, sầu riêng, nuôi heo có thể thu nhập bạc tỉ", bầu Đức tuyên bố không ngần ngại.

Từ 2 năm trước, HAGL đã trả lương cho "trại trưởng" (kỹ sư nông nghiệp) có thâm niên khoảng 5 năm trung bình 40 triệu đồng/tháng (chưa kể thưởng), người mới ra trường cũng nhận 15 - 25 triệu đồng/tháng. "Hồi giờ ngành chăn nuôi và thú y ai cũng chê hết, tôi sẽ thay đổi cái nhìn về 2 ngành này. Tôi bảo bọn bây (trưởng trại - NV) mua xe ô tô rồi đậu trước chuồng heo đi, thiếu anh ứng cho vì đó là niềm tự hào của tôi. Còn đứa nào có vợ có con, muốn ở nhà chung cư tôi cho lên phố ở. Ai muốn mua nhà, tôi ứng tiền mua nhà. Cỡ đó mới giữ người giỏi được", ông nói và cười như chính mình được hưởng những đãi ngộ đó. 

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 6.

Bầu Đức không quá lời khi gọi quãng đường đã qua là "cuộc chiến". Với bản thân tôi, đó là cuộc rượt đuổi vô tiền khoáng hậu của một doanh nghiệp với món nợ khổng lồ trên lưng và lãi vay cứ rầm rập tới. Nó còn kinh khủng gấp nhiều lần một cuộc chiến.

Những ai theo dõi quá trình hình thành, phát triển cho tới giai đoạn khủng hoảng, thậm chí đối diện nguy cơ phá sản của Tập đoàn HAGL suốt hơn 2 thập niên qua có lẽ sẽ hiểu sâu sắc điều này. Với tổng tài sản lên đến 53.000 tỉ đồng, HAGL đã từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam. Thế nhưng việc chuyển toàn bộ sang cao su, cọ dừa cộng thêm đến thời điểm thu hoạch, giá cao su giảm mạnh đã đẩy tập đoàn vào khó khăn. Đỉnh điểm năm 2008, HAGL nợ tới 29.000 tỉ đồng và rơi vào tình trạng mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Bầu Đức xoay đủ cách. Một mặt, ông bán tất cả những gì có thể bán được để trả nợ ngân hàng, một mặt ông lao vào chuyển đổi diện tích cao su sang những cây, con ngắn ngày. Ông từng nhập bò Úc 12 - 18 tháng tuổi về Việt Nam nuôi vỗ béo rồi xuất chuồng. Đến tận sau này, bầu Đức vẫn khẳng định nuôi bò Úc cho lợi nhuận tốt, chỉ tiếc là món nợ quá lớn nhưng doanh thu từ mảng này không đủ trang trải nên ông đành chuyển qua thứ khác.

Suốt nhiều năm liên tục, trên những cánh đồng trải dài vô tận từ Gia Lai sang Lào, Campuchia, bầu Đức cứ hối hả trồng, hối hả chặt thanh long, chanh dây, ớt... cũng không đuổi kịp sự lao dốc của cổ phiếu, những cánh cửa ngân hàng đóng lại, tài sản bán được đồng nào bị siết đồng đó. Cuộc rượt đuổi không cân sức giữa món nợ khổng lồ và doanh thu ngày càng khiêm tốn đã đẩy ông Đoàn Nguyên Đức, doanh nhân từng giàu có nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam một thời, vào khủng hoảng trầm trọng. 

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 7.

Chuối chạy bằng ròng rọc về khu đóng gói, phân loại

Ảnh: N.H

Đất là vàng, nhưng có trong tay hàng trăm ngàn héc ta đất mà không có tiền để chuyển những cánh rừng cao su ngày càng xác xơ sang cây ăn trái vì không có vốn... trong cơn bĩ cực không lối thoát, bầu Đức đã viết một lá thư tay cho ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco), dù 2 doanh nhân lúc đó không hề thân thiết. Tết năm 2018, ông Dương và ông Đức từ Chu Lai đi xe lên Gia Lai rồi qua Campuchia, Lào... "Tôi đã nhìn thấy một bức tranh tương phản: Một bên là mênh mông cọ dầu nhưng cỏ mọc đầy, trông hoang tàn dù đường sá rất tốt. Còn một bên đã chuyển đổi sang ớt, chuối có công nhân làm việc, anh em trông rất phấn khởi. Cảm giác một vùng đất chết quá lớn khiến tôi không thể buông tay", ông Trần Bá Dương nói về cơ duyên đầu tư vào HAGL. Đến giờ, dù 2 bên đã tách ra nhưng trong tất cả câu chuyện về hành trình bão tố, bầu Đức vẫn luôn nhắc về ông Trần Bá Dương với lòng biết ơn.

Nợ đã giảm nhưng vực dậy HAGL lại là một cuộc chiến mới không kém phần cam go. Bầu Đức như một chiến binh mang đầy thương tích và chỉ có một cách duy nhất để tồn tại là chiến thắng. Bởi với ông "HNG có thể buông tay nhưng HAGL thì không thể, đó là tên con gái tôi".

Tôi vẫn nhớ buổi chiều muộn ngồi với ông ở khách sạn REX sau khi bàn giao xong HNG cho Thaco. Giọng đầy tâm trạng, ông bảo ông muốn đưa tôi qua Lào, Campuchia để biết ông vẫn còn "đủ đồ chơi" chứ không phải mất sạch như mọi người nghĩ. Nhưng dịch Covid-19 bất ngờ ập tới, mong muốn này hơn 2 năm sau mới thành hiện thực. Đó là lần đầu tiên bầu Đức hé lộ về vườn sầu riêng rộng hàng ngàn héc ta kéo dài từ Gia Lai sang cao nguyên Bolaven (Lào) mà ông giấu suốt hơn 3 năm. Đó là 7.000 ha chuối vẫn đều đều xuất bán sang Nhật, Hàn và Trung Quốc. Đó là 9 cụm chuồng trại với hàng trăm ngàn con heo thịt, heo giống mang về cả trăm tỉ đồng mỗi tháng. Một "cơ ngơi" bề thế ông tạo dựng trong một thời gian không dài khi nghiên cứu thành công thức ăn cho heo từ chuối thải loại. Cơ ngơi đó vẫn tiếp tục được mở rộng mỗi năm bởi bầu Đức vẫn còn trong tay quỹ đất lớn. 

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 8.

Giới thiệu thịt heo ăn chuối đến người tiêu dùng TP.HCM

Ảnh: N.H

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 9.

"Năm sau, anh sẽ đưa các em qua Lào ăn sầu riêng Musangking", bầu Đức nói khi chúng tôi đang xuýt xoa thưởng thức những trái sầu riêng Monthong đầu tiên mà tập đoàn này thu hoạch hồi tháng 7 vừa rồi. Hai năm trước, chúng tôi cũng là những người cuối cùng trong chương trình thử nghiệm "heo ăn chuối" trước khi HAGL chính thức đưa ra thị trường. Từ khi chuyển qua nông nghiệp hơn một thập niên trước, tôi đã rong ruổi không đếm hết những chuyến đi như vậy cùng bầu Đức, từ Việt Nam qua Lào, sang Campuchia, Myanmar... đưa cổ đông, nhà đầu tư đi thăm chuồng trại, nương rẫy của mình. Có lúc hứng chí, ông lôi cả sổ sách nội bộ ra thuyết minh về chi phí, giá vốn, giá thành... rồi cười sảng khoái. Chỉ riêng trong năm 2023, ông đã tổ chức 2 chuyến đưa nhà đầu tư qua Lào thăm vườn sầu riêng, chuối của HAGL. Để họ trực tiếp "đối chiếu" những gì tập đoàn công bố trong báo cáo tài chính với thực tế. Và tôi hiểu vì sao nhiều cổ đông lớn đã ở lại cùng ông đến hôm nay, bất chấp những cơn bão giá cứ thỉnh thoảng lại nổi lên nhấn chìm cổ phiếu HAG trên sàn chứng khoán; bất chấp khủng hoảng nợ nần đè nặng con đường trở lại của HAGL. Bởi họ hiểu, bầu Đức nói thật làm thật và có lẽ họ tin những nỗ lực của ông sẽ mang lại kết quả.

Bầu Đức đang khởi động một hành trình mới, đó là chuyển từ bán sỉ sang bán lẻ chuối và sắp tới là sầu riêng vào thẳng hệ thống siêu thị của Trung Quốc. Để chuẩn bị cho bước đi này, HAGL đã thành lập công ty liên doanh với đối tác Trung Quốc đặt tại nước này, đảm nhiệm toàn bộ đầu ra cho sản phẩm. Nhiệm vụ của bầu Đức là cung ứng đầy đủ sản lượng, chất lượng chuối, sầu riêng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu. Hiện chuối đã áp dụng mô hình này với thương hiệu Pleiku Sweet. "Bữa nào em theo anh qua Trung Quốc để thấy, chuối của HAGL ngập tràn trong các siêu thị" - bầu Đức bảo tôi, giọng không giấu giếm tự hào.

Khoán năng suất đưa các buồng chuối của HAGL vượt trội cả về chất lượng và trọng lượng

Ảnh: N.H

Với sầu riêng, ông còn tự tin hơn bởi bầu Đức đã nghiên cứu từ chính sách đến thị trường; từ nhu cầu tiêu dùng tới đối thủ cạnh tranh. "Với hơn 1,4 tỉ dân, Trung Quốc luôn phải bảo đảm an ninh lương thực. Đầu năm nay, chính phủ nước này cấm trồng cây ăn trái, khuyến khích trồng ngũ cốc, bắp, mì nên mình trồng trái cây bán cho họ là đúng bài", bầu Đức cho hay và khẳng định: Chuối không bao giờ đủ cho Trung Quốc ăn. Sầu riêng cũng vậy, mới chỉ có 10% dân số Trung Quốc ăn sầu riêng thôi. Còn 1,3 tỉ người chưa ăn và đang đợi giá xuống để ăn. Còn heo thì HAGL có lợi thế rất lớn nhờ chuối thải nên giá thành khó ai có thể cạnh tranh. 1 con 2 cây này tương hỗ cho nhau. Chỉ cần lý do đó là mình chiến đấu thôi.

Giáp Tết Nhâm Dần 2022, bầu Đức tuyên bố đưa HAGL trở lại khi chốt lại chiến lược phát triển "1 cây - 1 con", heo và chuối. Đầu tháng 8 vừa rồi, ông chốt lại lần cuối "2 cây - 1 con": sầu riêng, chuối và heo cùng tuyên bố HAGL "đã thấy ánh sáng cuối đường hầm".

Bầu Đức chưa bao giờ dừng lại. Cuộc chiến của ông lại bắt đầu... 

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 11.

“Cuộc chiến” của bầu Đức - Ảnh 12.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.