Đang dùng thẻ CCCD gắn chip, có phải đi bổ sung mống mắt?

01/12/2023 11:54 GMT+7

Luật Căn cước quy định khi làm thẻ căn cước thì người dân phải thu thập cả mống mắt. Vậy, những người đang dùng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip có phải đi bổ sung thông tin này?

Luật Căn cước có hiệu lực kể từ 1.7.2024, thay thế cho luật CCCD năm 2014 đang có hiệu lực. Từ thời điểm này, thẻ CCCD sẽ được đổi tên thành thẻ căn cước.

Đang dùng thẻ CCCD gắn chip, có cần phải đi bổ sung mống mắt? - Ảnh 1.

Thẻ CCCD gắn chip vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ

TUYẾN PHAN

Khi nào sẽ thu thập mống mắt?

Một trong những điểm mới của luật Căn cước so với luật CCCD, đó là khi đi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân sẽ phải bổ sung thêm thông tin về mống mắt vào trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Quy định trên khiến nhiều người dân thắc mắc: nếu đang dùng thẻ CCCD gắn chip thì có phải đi bổ sung mống mắt hay không? Bởi lẽ, hơn 83 triệu thẻ CCCD gắn chip đã cấp thời gian qua chưa cập nhật thông tin này.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết việc thu thập mống mắt thuộc nhóm sinh trắc học là điểm mới được quy định trong luật Căn cước.

Đang dùng thẻ CCCD gắn chip, có phải đi bổ sung mống mắt?

Kể từ 1.7.2024, khi người dân đến làm thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, cơ quan quản lý căn cước sẽ thu thập về mống mắt để làm giàu dữ liệu thông tin cho Cơ sở dữ liệu căn cước.

Ông Đức cho hay, việc thu thập mống mắt sẽ được cơ quan quản lý căn cước thực hiện bằng các thiết bị chuyên dụng.

Đối với thẻ CCCD gắn chip đã cấp thời gian qua, trung tướng Nguyễn Minh Đức khẳng định, luật Căn cước đã có quy định chuyển tiếp. Theo đó, công dân đang có thẻ CCCD thì tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Giá trị sử dụng của thẻ CCCD và thẻ căn cước là như nhau.

Do đó, sau khi luật Căn cước có hiệu lực, người dân không cần đến cơ quan quản lý căn cước để khai báo thêm hoặc tích hợp thông tin; trừ trường hợp công dân có yêu cầu cấp đổi thẻ căn cước hoặc có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân.

Đang dùng thẻ CCCD gắn chip, có cần phải đi bổ sung mống mắt? - Ảnh 2.

Cơ quan công an làm thủ tục cấp thẻ CCCD cho người dân

PHÚC BÌNH

Trên 60 tuổi có phải đổi thẻ căn cước?

Luật Căn cước mở rộng phạm vi đối tượng được cấp thẻ căn cước với cả nhóm trẻ em dưới 14 tuổi (cấp theo nhu cầu chứ không bắt buộc).

Với điều này, công dân Việt Nam sẽ phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 45 tuổi và 60 tuổi.

Hiện nay, Bộ Công an đã cấp được 83 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân trên toàn quốc. Theo quy định của luật Căn cước, khi đến độ tuổi cấp đổi thẻ (25 tuổi, 45 tuổi và 60 tuổi), những ai đang sử dụng CCCD gắn chip sẽ phải cấp đổi sang thẻ căn cước.

Quốc hội chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Một trường hợp được khá nhiều người thắc mắc, đó là với công dân trên 60 tuổi và đang sử dụng CCCD gắn chip, những người này có phải đổi sang thẻ căn cước hay không?

Đối chiếu với luật Căn cước, công dân từ đủ 60 tuổi trở lên sẽ không phải thực hiện cấp đổi thẻ căn cước nữa, tức là sử dụng đến suốt đời. Vì thế, họ sẽ không bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước, mà vẫn có thể tiếp tục sử dụng thẻ CCCD gắn chip đang có.

Quá trình xây dựng luật Căn cước, một số ý kiến cho rằng việc không quy định đổi thẻ căn cước đối với người trên 60 tuổi thì việc đổi tên thẻ căn cước không có ý nghĩa với nhóm đối tượng này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, sau khi luật Căn cước có hiệu lực, cả thẻ CCCD gắn chip và thẻ căn cước đều được chấp nhận sử dụng song song, không có sự khác biệt về giá trị.

Riêng với người trên 60 tuổi, đặc điểm nhân dạng của họ cơ bản đã ổn định, ít thay đổi nên không cần thiết phải quy định việc cấp đổi thẻ đối với những người ở độ tuổi này.

Tuy vậy, luật cũng quy định công dân được cấp đổi sang thẻ căn cước khi có yêu cầu. Vì thế, những người trên 60 tuổi đã được cấp thẻ CCCD gắn chip nếu có nhu đổi sang thẻ căn cước thì vẫn được thực hiện theo quy định.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 1.12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.