Đạo lý nào cho phép phụ huynh đánh cô giáo vì con bị hạnh kiểm trung bình?

27/05/2023 11:40 GMT+7

Vụ việc người cha đánh cô giáo ở tỉnh Đắk Nông hôm 25.5 vì con mình bị hạnh kiểm trung bình khiến dư luận bức xúc bởi cách hành xử của phụ huynh. Từ đây ngành giáo dục cũng cần xem lại quy trình xếp loại hạnh kiểm.

Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đang vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc phụ huynh đánh cô giáo V.T.K.Q (giáo viên Trường THPT Lê Duẩn, xã Quảng Sơn, H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) ngay tại nhà của cô vào tối 25.5.

Nguyên nhân xuất phát từ việc L.M.Q, học sinh Trường THPT Lê Duẩn, bị xếp hạnh kiểm loại trung bình; có khả năng không đủ điều kiện để thi tuyển vào một số trường ĐH. Ông D., là phụ huynh của L.M.Q, đã đến nhà chửi bới, sau đó hành hung cô V.T.K.Q. Vụ việc này cho thấy công tác xếp hạnh kiểm học sinh vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

Hình ảnh cô giáo Q. bị đánh

Hình ảnh cô giáo Q. bị đánh

NVCC

Bất đồng quan điểm trong đánh giá hạnh kiểm

Vào thời điểm này, thầy cô rất bận rộn với công việc cuối năm học như chấm bài kiểm tra, nhập điểm, tổng kết điểm, xếp học lực và hạnh kiểm học sinh để tổng kết năm học theo kế hoạch (trước 31.5).

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi cùng đồng nghiệp tham gia xét hạnh kiểm-rèn luyện của học sinh. Việc xét hạnh kiểm nhiều lúc gây ra sự bất đồng ý kiến, quan điểm giữa thầy cô với thầy cô, giữa giáo viên với phụ huynh. Hiện ngành giáo dục có 2 cách đánh giá hạnh kiểm.

Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Thông tư số 22 của Bộ GD-ĐT năm 2021 quy định về đánh giá kết quả rèn luyện học sinh đối với lớp 6, 7 trong từng học kỳ và cả năm học, theo 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.

Đáng chú ý là theo Điều 21, Thông tư số 22, trong năm học 2022-2023, chỉ học sinh lớp 10 được bỏ đánh giá xếp loại hạnh kiểm, và các cấp 11, 12 vẫn áp dụng theo Thông tư số 58 của Bộ GD-ĐT năm 2011.

Do đó, việc xếp loại hạnh kiểm học sinh 8, 9, 11, 12 (chương trình giáo dục 2006) vẫn được thực hiện theo Thông tư số 58. Trong Thông tư số 58, Bộ GD-ĐT quy định: "Xếp loại hạnh kiểm thành 4 loại: tốt, khá, trung bình, yếu sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ 2 và sự tiến bộ của học sinh".

Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi, vi phạm của học sinh về nội quy diễn ra muôn màu muôn vẻ về hình thức, tính chất, động cơ, mức độ vi phạm mỗi trường hợp đều khác nhau.

Giáo viên không thể lấy học sinh A làm chuẩn để xét học sinh B, và cũng không thể so sánh hạnh kiểm em này với em khác. Do đó, thầy cô "rất đau đầu" vì việc xét hạnh kiểm học sinh cuối năm, thậm chí phải chịu tai tiếng với phụ huynh, học sinh.

Bên cạnh đó, việc xếp hạnh kiểm gây bất đồng giữa các giáo viên. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm luôn muốn lớp có nhiều học sinh hạnh kiểm tốt, "cạnh tranh" với lớp của đồng nghiệp nên tìm mọi lý lẽ để bảo vệ việc xếp hạnh kiểm như luật sư bào chữa cho thân chủ. 

Trong trường hợp xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu; đạt, chưa đạt, giáo viên cần phải có hồ sơ đầy đủ: bản tường trình vi phạm, bản kiểm điểm, biên bản vi phạm do lớp lập, tang chứng, vật chứng… Sau đó, giáo viên phải mời phụ huynh học sinh vi phạm đến để phối hợp giải quyết. Nếu phụ huynh không đồng ý thì lập hội đồng kỷ luật để xem xét. Với thủ tục hành chính như vậy, không có giáo viên nào đủ quyết liệt theo đuổi cái gọi là "tranh tụng" nên nỗ lực giải quyết theo kiểu "dĩ hòa vi quý".

Đạo lý nào cho phép phụ huynh đánh cô giáo vì con bị hạnh kiểm trung bình? - Ảnh 2.

Việc xét hạnh kiểm nhiều lúc gây ra sự bất đồng ý kiến, quan điểm giữa thầy cô với thầy cô, giữa giáo viên với phụ huynh

ẢNH MINH HỌA ĐÀO NGỌC THẠCH


"Thầy ác quá!"

Cuối năm học 2021-2022, phụ huynh của học sinh N.H.D (trong lớp 8 do tôi làm chủ nhiệm) đã lên tiếng phản đối việc hội đồng xét hạnh kiểm xếp loại trung bình đối với D. Phụ huynh đưa ra lý do là con còn nhỏ dại nên mong thầy bỏ qua.

Trước khi bị xếp loại hạnh kiểm trung bình, D. thường xuyên vi phạm nội quy trường: không đeo khăn quàng, bỏ áo ra ngoài, để tóc kiểu nhuộm màu râu bắp, vô lớp thì ngủ không học bài, chép bài, vô lễ với thầy cô…

Tuy nhiên, phụ huynh nói, nếu bị xếp hạnh kiểm trung bình thì sau này con mặc cảm với bạn bè, hàng xóm, ảnh hưởng đến tương lai và tìm đến nhà tôi để thuyết phục, với hy vọng "nâng hạnh kiểm" cho con. 

Lúc đó, tôi trả lời phụ huynh rằng, việc xét hạnh kiểm học sinh là do hội đồng nhà trường căn cứ vào mức độ vi phạm, điều lệ của trường, không phải do cá nhân tôi. Phụ huynh rời khỏi nhà tôi với thái độ bực tức và lẩm bẩm "thầy ác quá!".

Không bằng lòng, hôm sau phụ huynh còn đến trường gặp thầy hiệu trưởng để chất vấn. Thầy hiệu trưởng giải thích tường tận và khuyên D. sang năm cố gắng rèn luyện, không còn vi phạm nội quy thì nhà trường sẽ đánh giá tốt. 

Nhưng tiếc rằng sau học kỳ 1 năm lớp 9 (năm học 2021-2022), D. đã nghỉ học. Cô giáo chủ nhiệm nhiều lần đến nhà vận động D. đi học lại nhưng không có kết quả.

Việc xếp loại rèn luyện, hạnh kiểm góp phần giáo dục học sinh thực hiện tốt nội quy của nhà trường. Vì vậy, thầy cô cần xử lý vi phạm kỷ luật, xếp loại hạnh kiểm đúng quy định. 

Là một giáo viên, tôi cũng mong phụ huynh, học sinh thông cảm cho thầy cô khi phải làm "quan tòa" xét rèn luyện, hạnh kiểm. Nhưng tôi khẳng định rằng không có bất kỳ đạo lý nào cho phép phụ huynh đánh cô giáo vì con bị xếp hạnh kiểm trung bình.

Xem nhanh 12h ngày 27.5: Hé lộ bí ẩn thi thể bị đốt ở Bình Dương | Phụ huynh đến nhà đánh cô giáo


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.