Đề án "3 không" của TP Đà Lạt: Tạm dừng hay tiếp tục?

27/08/2006 22:58 GMT+7

Chỉ sau vài tuần triển khai thực hiện đề án "3 không" (không người ăn xin, không có vé số dạo, không đánh giày dạo và hàng rong), UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ bởi không hợp lòng dân. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - Phó bí thư Thành ủy, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng văn minh đô thị TP Đà Lạt cho biết:

- Từ năm 2003, Thành ủy Đà Lạt đã có chủ trương thực hiện văn minh đô thị trên nhiều lĩnh vực như bảo đảm vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp, ứng xử có văn hóa trong kinh doanh du lịch - thương mại, đảm bảo trật tự an toàn giao thông... Nhưng thời gian gần đây, ngay trung tâm thành phố phát sinh dịch vụ bán hàng rong, vé số dạo, đánh giày dạo và người lang thang xin ăn, đồng thời có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh đặc sản, nhà nghỉ, hàng ăn... khiến không ít du khách than phiền, làm ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Từ đó, Ban chỉ đạo thấy cần thiết phải tiếp tục mở cuộc vận động để xây dựng TP Đà Lạt văn minh-sạch-đẹp hơn nữa.

* Tại sao đề án "3 không" mới triển khai đã bị dư luận phản ứng gay gắt?

- Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông: Chúng tôi thừa nhận khi triển khai đề án, Ban chỉ đạo đã hơi vội vàng, thiếu sự chuẩn bị, phối hợp đồng bộ với một số ban ngành liên quan, nhất là với các cơ quan báo đài để tuyên truyền vận động. Có một số từ ngữ, câu chữ trên pa-nô, tờ rơi gây phản cảm. Sau khi dư luận phản ánh, Ban chỉ đạo và UBND TP Đà Lạt tổ chức họp báo ngay, đã lắng nghe và ghi nhận nhiều ý kiến góp ý chân tình và sau đó chúng tôi cho tháo bỏ các băng-rôn, pa-nô và ngưng phát hành các tờ rơi để chỉnh sửa.

* Như vậy đề án "3 không" tạm dừng hay sẽ được tiếp tục thực hiện?

- Ban chỉ đạo đang thực hiện việc điều chỉnh những nội dung không phù hợp trên pa-nô, tờ rơi, khi điều chỉnh xong sẽ phân phát tuyên truyền đến từng khu phố, tổ dân phố và các doanh nghiệp, cửa hàng buôn bán trên địa bàn để nhận được sự đồng tình. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Công ty xổ số kiến thiết Lâm Đồng, các đại lý vé số, Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em... để hướng dẫn phong cách giao tiếp, mua bán văn minh lịch sự cho những người bán vé số, đánh giày. Theo đó, thành phố sẽ xác định một số khu vực, địa điểm bán vé số cố định; bố trí một số điểm đánh giày phục vụ nhu cầu của du khách. Riêng với các hình thức tiếp thị không lành mạnh, chúng tôi phối hợp với các ban, ngành liên quan giải quyết triệt để...  

L.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.