Đề xuất luật sư trả phí 1.500 đồng/trang A4 khi sao chụp tài liệu

25/09/2023 16:17 GMT+7

TAND tối cao đề xuất trường hợp bị can, người bào chữa (trong đó có luật sư) yêu cầu sao chụp tài liệu thì phải chịu chi phí sao chụp là 1.500 đồng/trang A4.

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu cho ý kiến đối với dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Pháp lệnh này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo. Một trong những nội dung đang được nhiều người quan tâm, đó là quy định về chi phí sao chụp tài liệu liên quan đến luật sư.

Đề xuất luật sư phải trả phí 1.500 đồng/trang A4 khi sao chụp tài liệu - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất: trong vụ án hình sự, bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4

PHÚC BÌNH

Thu phí 1.500 đồng/trang A4

Theo TAND tối cao, bị can, người bào chữa có quyền sao chụp tài liệu, nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức và chi phí thực hiện việc này.

Tại Nghị quyết số 326/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, người yêu cầu tòa án cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu phải nộp 1.500 đồng/trang A4. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với việc sao chụp tài liệu tại tòa, còn các giai đoạn khác như điều tra (cơ quan điều tra), truy tố (viện kiểm sát) thì chưa có hướng dẫn rõ ràng, khiến các cơ quan tiến hành tố tụng rất lúng túng.

TAND tối cao lưu ý với trường hợp bị can đang bị tạm giam. Khi đó quyền thực hiện việc sao chụp tài liệu được thực hiện như thế nào và khoản chi phí sao chụp tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng hay người nhà bị can phải chi trả?

Từ thực tiễn đã nêu, TAND đề xuất theo hướng: trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.

Mức giá 1.500 đồng/trang A4 mà TAND tối cao đưa ra bằng với mức giá sao chụp tài liệu mà Nghị quyết số 326/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đang quy định. 

Điểm mới so với hiện hành, đó là đối tượng áp dụng rộng hơn, không chỉ sao chụp tài liệu tại tòa án mà gồm cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát…

Đề xuất trên đang nhận được nhiều tranh luận, một số ý kiến cho rằng mức thu phí như vậy là quá cao. 

Cần phân biệt giữa sao và chụp?

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng dự thảo của TAND tối cao nên bổ sung định nghĩa về việc sao chụp tài liệu. Ví dụ, sao tài liệu bằng máy photo khác, mà chụp tài liệu bằng điện thoại hoặc máy ảnh sẽ khác.

Đối với việc chụp tài liệu bằng điện thoại, máy ảnh hoặc lấy bản scan, thực tế bấy lâu nay nhiều người bào chữa, trong đó có luật sư Quynh vẫn làm; và hoàn toàn không mất phí.

Đối với việc sao tài liệu bằng máy photo, thu phí là điều hợp lý, cần thiết. Bởi lẽ, khi photo tài liệu cho người có yêu cầu, cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần kinh phí để trả tiền điện, giấy, mực…

Như vậy, dự thảo nên có sự phân biệt rõ ràng giữa 2 hình thức vừa nêu, chỉ nên thu phí đối với yêu cầu sao tài liệu bằng bản photo; còn chụp ảnh bằng điện thoại, máy ảnh hoặc luật sư mang máy scan đến thì không thể thu phí được, vì không phát sinh chi phí gì.

"Một số vụ án tôi tham gia có đến vài chục ngàn bút lục, nếu chụp ảnh mà cũng thu phí thì lấy đâu ra tiền, có khi vượt quá thù lao của luật sư, mâu thuẫn với chính quy định về mức trần thù lao của luật sư trong vụ án hình sự", luật sư Quynh nói. 

Vị luật sư cũng góp ý, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc số hóa tài liệu để bị can hoặc người bào chữa dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu, tránh việc phải sao bản photo.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 25.9

Đề nghị cân nhắc về mức thu

Trao đổi thêm với Thanh Niên, một số luật sư đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại mức thu phí 1.500 đồng/trang.

Thứ nhất, với những vụ án có lượng hồ sơ lớn, nếu luật sư tự bỏ tiền thì có khi chi phí sao chụp vượt cả thù lao khách hàng trả, nếu khách hàng bỏ tiền thì lại thêm một khoản tốn kém.

Thứ hai, nếu photo tài liệu với số lượng càng lớn thì chi phí in ấn sẽ càng rẻ; việc quy định cứng 1.500 đồng/trang A4 là chưa hợp lý so với thực tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.