Đề xuất nuôi chó mèo phải đăng ký với chính quyền ở TP.HCM: Người nuôi nói gì?

22/03/2024 16:01 GMT+7

Trước đề xuất người chủ phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã và khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip, nhiều người nuôi chó mèo đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Các đề xuất nổi bật trong Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM do Sở NN-PTNT gửi UBND TP.HCM xin ý kiến xây dựng quy định, dự kiến trình trong quý 4/2024 có thể kể đến như: phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã và khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip, kê khai định kỳ 2 lần/năm, kê khai trong vòng 3 ngày sau khi nuôi, không để chó tấn công người, không được để chó gây ồn ào…

Những đề xuất trên ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là những người yêu thích chó, mèo. 

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với những người nuôi chó, mèo lâu năm để lắng nghe ý kiến của họ trước những đề xuất kể trên.

Đề xuất nuôi chó, mèo ở TP.HCM phải đăng ký, kê khai trong 3 ngày

Khuyến khích kê khai nếu…

Anh Nguyễn Quốc Bảo (36 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) trước đây là người nhận nuôi chó, mèo về nuôi và huấn luyện bằng tiếng Anh. Hiện công việc bận rộn nên anh không nuôi nhiều như trước mà chỉ nuôi 2 con chó và 1 con mèo. Anh thân thương gọi chúng bằng bé và chích hai mũi vắc xin, xổ giun sán, ve, chích ngừa dại và tắm rửa thường xuyên.

Đề xuất nuôi chó mèo phải đăng ký với chính quyền ở TP.HCM: Người nuôi nói gì?- Ảnh 1.

Anh Bảo là người yêu thích chó, mèo từ nhỏ

DƯƠNG LAN

Theo anh Bảo, ở khu vực trung tâm TP.HCM, những người nuôi thú cưng đều chăm sóc kỹ càng, chích ngừa dại đầy đủ. Với vùng ven, vùng ngoại thành, tỷ lệ tiêm chích phòng ngừa dại cho chó mèo còn thấp. Người dân ở vùng này thường nuôi chó để giữ nhà, không phải nuôi thú cưng, chưa coi chúng như người bạn nên việc chăm sóc còn nhiều thiếu sót.

Hơn 9.500 người tiêm ngừa bệnh dại mỗi tháng ở TP.HCM

"Vì vậy đề xuất là tốt nhưng thực tế chắc chỉ áp dụng được với những khu vực ở trung tâm thành phố. Việc nuôi chó, mèo ở vùng quê thường ít người quan tâm đến những quy định, chỉ nghĩ đơn giản là nuôi chó để giữ nhà. Hơn nữa, việc người dân ở vùng quê bế chó, mèo lên UBND, trung tâm thú y là điều khó thực hiện vì thời gian đó họ còn phải lo ruộng đồng, lo miếng cơm, manh áo", anh Bảo bày tỏ.

Đề xuất nuôi chó mèo phải đăng ký với chính quyền ở TP.HCM: Người nuôi nói gì?- Ảnh 2.

Tấm hình anh Bảo chụp với chó và người nước ngoài được anh treo ở nơi anh làm việc

DƯƠNG LAN

Với riêng đề xuất phải đăng ký chó, mèo với UBND cấp xã, anh cho rằng, nếu được thông qua bản thân sẽ chấp hành tốt. Anh muốn chó, mèo luôn được khỏe mạnh, an toàn nên nghiêm chỉnh thực hiện theo quy định. Những người yêu động vật cũng ý thức được việc thuận lợi khi khai báo với chính quyền.

Đề xuất nuôi chó mèo phải đăng ký với chính quyền ở TP.HCM: Người nuôi nói gì?- Ảnh 3.

Thống kê toàn TP.HCM có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi

NHẬT THỊNH

"Ở trung tâm thành phố có nhiều cơ sở y tế cho chó, mèo nên mình có thể di chuyển đến đó dễ dàng. Mình khuyến khích việc đội ngũ thú y của chính quyền nên đi tuyên truyền đến người dân về việc kê khai. Hơn nữa, thời gian đầu có thể hỗ trợ một phần chi phí cho người dân trong việc kê khai vào hệ thống, chích ngừa cho chó, mèo", anh Bảo nói.

Với đề xuất khuyến khích gắn microchip cho chó, mèo, anh cho rằng nên chỉ dừng lại ở việc ủng hộ, không bắt buộc. Thực tế, ở TP.HCM nhiều người nuôi thú cưng có giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu nhưng cũng không quan tâm đến việc gắn microchip. Đây là một phần mềm công nghệ để quản lý nên có giá không hề thấp.

Đề xuất nuôi chó mèo phải đăng ký với chính quyền ở TP.HCM: Người nuôi nói gì?- Ảnh 4.

Đội bắt chó thả rông tại UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) thực hiện nhiệm vụ

NHẬT THỊNH

"Hồi trước mình nuôi một con mèo và có lên mạng tìm hiểu về việc gắn chip và được biết giá chip trên thị trường cũng dao động từ 500.000 đồng – 1,5 triệu đồng tùy thuộc vào chất lượng. Hơn nữa, không phải loài chó, mèo nào cũng phù hợp với việc gắn đồ công nghệ, điện tử trên cơ thể", người đàn ông chia sẻ.

Còn những quy định về không thả rông nơi công cộng, không để chó tấn công người khác, ý thức trong việc giảm thiểu tiếng ồn, đối xử nhân đạo… anh Bảo hoàn toàn nhất trí.

"Quy định với trạm cứu trợ thế nào?"

Anh Hoài Nam (39 tuổi), chủ các quán cà phê mèo trên địa bàn TP.HCM cho hay, mỗi cơ sở anh nuôi khoảng 10 con, quán ở Q.1 có số lượng mèo nhiều hơn. Theo anh Nam, anh quan tâm việc chủ nuôi đăng ký với UBND cấp xã với mục đích kê khai quản lý hay tận thu.

Đề xuất nuôi chó mèo phải đăng ký với chính quyền ở TP.HCM: Người nuôi nói gì?- Ảnh 5.

Đội bắt chó thả rông vất vả bắt những con hung dữ, kích thước lớn

NHẬT THỊNH

"Nếu việc kê khai nuôi chó mèo phục vụ cho việc quản lý, phòng dịch bệnh, kiểm soát số lượng thì mình hoàn toàn ủng hộ. Mình cũng băn khoăn đến việc người dân cần phải làm gì để tránh việc đóng những chi phí phát sinh không đáng có", anh Nam chia sẻ.

Ngoài ra, anh cũng băn khoăn việc nếu khi khai báo với UBND cấp xã và trong trường hợp chính quyền tổ chức tiêm vắc xin phòng ngừa sẽ đảm bảo an toàn như thế nào vì thực tế đã xảy ra tình trạng chó, mèo bị sốc, chết khi tiêm.

Anh cũng cho rằng, việc mỗi năm phải kê khai 2 lần là hơi nhiều vì chỉ cần một lần là đủ nếu chủ nuôi không có sự thay đổi. Việc gắn micro chip chỉ nên khuyến khích, không bắt buộc. Vì chi phí gắn microchip khá cao và chưa có quy định cụ thể về độ an toàn mỗi loại chip.

Đề xuất nuôi chó mèo phải đăng ký với chính quyền ở TP.HCM: Người nuôi nói gì?- Ảnh 6.

Một con chó thả rông không rõ mõm bị bắt

NHẬT THỊNH

"Mình ủng hộ việc chủ nuôi tăng cường tiêm phòng, rọ mõm chó, mèo khi ra ngoài. Mình nghĩ siết chặt việc chó cắn người, thả rông, chính quyền, chủ nuôi cần phải thực hiện tốt điều này. Các nước phát triển họ đã có những quy định rõ ràng về kê khai, chích ngừa và chế tài xử phạt nếu thả rông, cắn người nên mình hy vọng đề xuất này sớm được áp dụng", chủ quán cà phê cho biết.

Anh hy vọng chính quyền sẽ có bước đệm tuyên truyền người dân chăm sóc, bảo vệ chó, mèo, không lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, anh cũng băn khoăn việc người cứu trợ hoặc trạm cứu trợ sẽ thực hiện những quy định đó như thế nào. Anh hy vọng chính quyền sẽ có đề xuất với người nuôi và người cứu trợ, trạm cứu trợ riêng biệt.

"Mình thấy với những người cứu trợ hoặc trạm cứu trợ sau khi chó, mèo khỏe mạnh có thể bàn giao cho chủ mới, thay đổi nơi chăm sóc. Mình nghĩ rằng cũng cần có những quy định riêng vì việc nuôi, chăm sóc ở trạm cứu trợ khác với chủ nuôi bình thường", anh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.