Đến TP.HCM nghe dòng sông kể chuyện

05/08/2023 06:52 GMT+7

Lễ hội sông nước với quy mô lớn chưa từng có, lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, không chỉ được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc mà còn đặt nền móng quan trọng cho hành trình hồi sinh bản sắc đô thị sông nước Sài Gòn.

Mở đầu sự kiện du lịch lớn nhất từ trước đến nay

Sáng 4.8, tại Cột cờ Thủ Ngữ, công viên Bến Bạch Đằng (Q.1), "Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023" chính thức khai mạc. Dưới lá cờ đỏ sao vàng cùng giai điệu hào hùng của bài Quốc ca, lãnh đạo UBND TP.HCM cùng rất nhiều lãnh đạo, cán bộ các sở Du lịch, Văn hóa… xúc động làm lễ khai mạc sự kiện du lịch lớn nhất từ trước đến nay của TP", theo lời Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Công viên Bạch Đằng trong buổi sáng đầu tháng 8 với sân khấu hoành tráng trở thành không gian văn hóa vô cùng đặc sắc, thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến tham quan, tham gia nhiều hoạt động vui chơi như: nhảy sạp, nhảy bao bố, đi cà kheo, gánh nước qua cầu, cờ tướng, trưng bày và hướng dẫn làm diều nghệ thuật…

Điểm lại sự phát triển của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM qua hơn 300 năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM. Lịch sử đã tạo nên một đô thị ven sông dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập. "Trên bến dưới thuyền" không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế TP.HCM mà còn là nếp sống, là văn hóa, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.

Đến TP.HCM nghe dòng sông kể chuyện - Ảnh 1.

TP.HCM có nhiều cơ hội phát triển du lịch sông nước

NHẬT THỊNH

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn TP; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa, UBND TP tổ chức "Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023".

"Với ý nghĩa đó, hôm nay, tại Cột cờ Thủ Ngữ - một trong những biểu tượng của đô thị sông nước và cũng là một trong những nhân chứng của quá trình hình thành và phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM trong hàng trăm năm qua, "Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023" chính thức diễn ra, mở đầu cho sự kiện du lịch lớn nhất từ trước đến nay của TP. Chúng tôi hy vọng người dân và du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị trong những ngày tham dự lễ hội để cảm nhận sâu sắc hơn về sự thân thiện, cởi mở, hào sảng và phóng khoáng của người dân TP.HCM; về văn hóa "trên bến dưới thuyền" của vùng đất hơn 300 năm tuổi. Để từ đó, thêm yêu và tự hào về TP.HCM, một TP anh hùng, giàu sức sống, tràn đầy năng lượng, luôn trân trọng quá khứ và không ngừng hướng đến tương lai", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Nâng tầm cảm xúc thành nghệ thuật

Diễn ra trong 3 ngày từ 4 - 6.8, lần đầu tiên hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, hoạt động du lịch và ẩm thực đặc trưng của TP.HCM được tập trung thể hiện sắc nét đến như vậy.

Đến với lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy; trải nghiệm không gian "trên bến dưới thuyền" tại kênh Nhiêu Lộc (Q.1), bến Bình Đông (Q.8) với các hoạt động hấp dẫn tái hiện nếp sống của cộng đồng cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM qua các thời kỳ và mua sắm nông sản, đặc sản của các địa phương. Người dân và du khách cũng có thể hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước và không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở bến Bạch Đằng, công viên Lam Sơn.

Đến TP.HCM nghe dòng sông kể chuyện - Ảnh 2.

Khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM 2023

NHẬT THỊNH

Điểm nhấn đặc sắc của lễ hội là chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM diễn ra tối 6.8 với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng các công nghệ trình diễn hiện đại và sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian. Đây cũng là chương trình thực cảnh đầu tiên của TP.HCM và lần đầu tiên câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM được kể trong 5 chương nghệ thuật Khẩn hoang - Mở cõi - Trên bến dưới thuyền - Hòn ngọc Viễn Đông - Rực rỡ TP bên sông.

Bà Lê Hải Yến, Tổng đạo diễn chương trình, cho biết show diễn trên sông sẽ tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ phát triển Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM và dòng sông chính là "nhân chứng" hào hùng.

"Tôi đã dành gần 1 năm để đi du ngoạn trên các dòng sông, gặp gỡ các nhà "Sài Gòn học" lắng nghe câu chuyện lịch sử của vùng đất này, từ đó, tên gọi "Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện" ra đời. Đại thực cảnh được diễn ra trên một dòng sông thật, một thương cảng thật, những con thuyền thật, con người thật, bối cảnh thật và những câu chuyện thật cùng cảm xúc chân thật nhất được nâng tầm thành nghệ thuật", bà Lê Thị Hải Yến chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, lễ hội sông nước không chỉ quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa của TP mà còn khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển của TP, góp phần định vị thương hiệu của TP - Một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.

Mong ước bao năm của ngành du lịch

"Bạn phải tới kênh Nhiêu Lộc ngay đi. Đẹp lắm, hoành tráng, độc đáo lắm", lời mời gọi đầy hào hứng của ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt (Viet Excursions). Ngụp lặn gần 2 thập niên với những sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM, ông Phan Xuân Anh gọi Lễ hội sông nước TP.HCM 2023 là mong ước bao năm qua của những người làm du lịch sông nước tại TP. 

Bởi, sở hữu gần 1.000 km đường sông với hệ thống kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành cùng với nhiều hoạt động kinh tế địa phương, nhưng TP.HCM loay hoay hơn 1 thập niên vẫn chưa thể phát triển được hệ thống du lịch đường thủy hấp dẫn. Hầu hết các tour du lịch đường thủy trên địa bàn TP đều đang trong tình trạng "lay lắt qua ngày". Điển hình là tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (do Viet Excursions khai thác) - "phát pháo" đầu tiên trong chiến lược phát triển du lịch đường thủy nội đô, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, chưa giai đoạn nào thoát được cảnh chật vật cầm cự.

Trong bối cảnh đó, một sản phẩm xứng tầm nâng cao vị trí tài nguyên sông nước của TP, nâng cao vị thế của những người làm du lịch sông nước như lễ hội lần này mang ý nghĩa rất to lớn. Nó thể hiện quyết tâm của TP đầu tư những sản phẩm du lịch đường sông ra tấm ra món, biến sông nước thành tiền, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân.

"Các cuộc thử nghiệm như cuộc đua Ghe Ngo, đua thuyền rồng trên sông Sài Gòn… sẽ mang đến cho TP.HCM kinh nghiệm để tổ chức những giải đua lớn hơn trong tương lai. Những cuộc đua thuyền F1, F2 quốc tế hoàn toàn khả thi. Các sự kiện, chương trình khác cũng vậy. Từ "đà" này, nguồn tài nguyên sông nước chắc chắn sẽ được khai thác triệt để hơn, phát triển mạnh mẽ hơn trở thành sản phẩm du lịch vươn tầm thế giới", ông Phan Xuân Anh kỳ vọng.

Cũng theo ông, bài học từ con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chỉ ra rằng: Chỉ khi nào được tập trung đầu tư phát triển, có sản phẩm, tạo ra giao dịch kinh tế, có người thường xuyên qua lại thì những dòng sông kênh rạch ô nhiễm mới có thể hồi sinh. Khi các hoạt động du lịch, kinh tế ven sông, trên mặt nước, dần hình thành, các dự án cải thiện môi trường nước cũng bắt buộc phát triển được đẩy nhanh. Người dân cũng sẽ ý thức hơn, chung tay bảo vệ môi trường đô thị. 

Các ý tưởng, sản phẩm đã dần thành hiện thực. Quan trọng nhất bây giờ là TP hoàn thiện khung cơ chế, chính sách từ đất công ven bờ đến khai thác mặt nước; tính toán lộ trình bài bản để thật sự phát huy hết tiềm năng sông nước TP.HCM, đảm bảo hài hòa giữa du lịch, giao thông và lợi ích kinh tế.

 Ông Phan Xuân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.