Điều trị bệnh tay chân miệng: Tập huấn liên tục cho tuyến dưới

05/04/2012 18:20 GMT+7

(TNO) Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng (TCM) rất có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng trong năm 2012. Trong khi đó, nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển biến nặng, dẫn đến nguy cơ tử vong do các bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán sai.

(TNO) Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng (TCM) rất có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng trong năm 2012. Trong khi đó, nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển biến nặng, dẫn đến nguy cơ tử vong do các bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán sai.
 
Hôm 5.4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp “nóng” với các bệnh viện phía Nam để có đối sách giảm đến mức thấp nhất số ca tử vong do bệnh TCM trong năm nay.

Bệnh “nóng” từ đầu năm

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 21.295 trường hợp mắc TCM, tại 63/63 tỉnh, thành. Trong đó, có 16 trường hợp tử vong tại 10 tỉnh, thành.

Bộ Y tế đã liệt kê “sổ đỏ” các địa phương có tỷ lệ mắc bệnh/100.000 dân cao nhất cả nước là Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc. Trong đó, Hải Phòng đứng đầu cả nước về số ca mắc TCM, cũng như tỷ lệ mắc bệnh/100.000 dân, với trung bình mỗi tuần có 177 trường hợp mắc bệnh TCM mới.

 
Bệnh nhi TCM được theo dõi tại Khoa Cấp cứu tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi

Trong khi đó, các địa phương cần được hỗ trợ khẩn cấp vì có số trường hợp tử vong cao nhất nước là An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai và Cần Thơ.

Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh TCM đang là vấn đề “nóng” và cực kỳ quan trọng.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - đánh giá: Năm 2012, bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng, với số ca mắc cao vì có nhiều tuýp vi rút gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp vi rút khác nhau. Đặc biệt, sự lưu hành của tuýp vi rút EV71 gây nguy cơ bệnh nặng, tử vong cao.

“Ngoài ra, tỷ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài đến 6 tuần. Trong khi đó, tỷ lệ người chăm sóc trẻ thực hiện rửa tay phòng bệnh còn thấp. Đây cũng là nguyên nhân làm bệnh lây lan”, ông Khuê cho biết.

Chuẩn bệnh sai làm bệnh nặng

Ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhiều trường hợp bệnh nhân được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng do tuyến dưới chẩn đoán sai, không đúng mức độ của bệnh.

“Thường là bệnh nhân được chẩn đoán nhẹ hơn mức độ của bệnh nên không được can thiệp đúng mức, điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 - nhận định.

Có hơn 46% bệnh nhi được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng nặng ở cấp độ 4 (cấp độ cao nhất của bệnh TCM). Lúc này, bệnh nhi đã suy hô hấp, tím tái, phù phổi, sốc, biến chứng thần kinh…

 
Nhiều ca bệnh TCM chuyển biến nặng được chuyển lên tuyến trên do tuyến dưới chẩn đoán sai mức độ bệnh - Ảnh: Nguyên Mi

Trong khi đó, theo bác sĩ Tiến: “Để giảm tử vong, các bác sĩ cần giám sát, điều trị tích cực cho bệnh nhân TCM từ độ 2b thì khả năng hồi phục, cứu sống bệnh nhân rất cao. Để bệnh nặng hơn, tỷ lệ cứu sống vô cùng khó”.

Giám sát của Bệnh viện Nhi đồng 1 về công tác điều trị bệnh TCM của một số bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực phía Nam cho thấy: có đến gần 20% ca nặng được giúp thở trễ, 17% ca bệnh có chỉ định theo dõi không phù hợp. Đáng nói hơn, có đến 18% trường hợp bệnh không tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh TCM tử vong tại bệnh viện tuyến tỉnh cao nhất, chiếm đến hơn 81%.

Trước thực trạng trên, bà Tiến cho biết, Bộ Y tế đã thành lập 12 đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình bệnh ở các địa phương. Đồng thời, tập huấn liên tục cho không chỉ bác sĩ mà cả điều dưỡng ở các bệnh viện tuyến dưới trong việc theo dõi, điều trị TCM. Các bệnh viện tuyến trung ương đều được giao hỗ trợ chuyên môn, điều trị, tập huấn cho tuyến dưới.

Bộ Y tế đã công bố phác đồ điều trị mới của bệnh TCM vào ngày 30.3 vừa qua.

“Chúng ta phải làm dồn dập để đến tháng 9, số lượng tử vong sẽ giảm”, Bộ trưởng cho biết.

Nguyên Mi

>> Ca tử vong thứ 2 do bệnh tay chân miệng tại TP.HCM
>> Bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát dịch rất cao
>> Bệnh tay chân miệng vẫn hoành hành
>> Cảnh báo bệnh tay chân miệng lây lan trong trường học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.