Vui buồn nhà văn ký sách

26/03/2012 09:29 GMT+7

Anh ngồi đó, bút trên tay, mồ hôi lấm tấm trên trán, giữa vòng tròn người đang xếp hàng hoặc vây quanh, đầu cúi xuống trang sách hí hoáy hết chữ ký này đến chữ ký khác.

Anh ngồi đó, bút trên tay, mồ hôi lấm tấm trên trán, giữa vòng tròn người đang xếp hàng hoặc vây quanh, đầu cúi xuống trang sách hí hoáy hết chữ ký này đến chữ ký khác.

Có những buổi ký tặng kéo dài ba giờ giữa nắng nóng làm anh mệt mỏi, nhưng anh vẫn tự động viên mình cố gắng. Nhìn những gương mặt trẻ thơ thấp thỏm chờ đợi, những đôi mắt sáng ngời hi vọng khi nhích tới thêm một chút gần chỗ anh ngồi, anh đã định đứng lên vì hết giờ, lại kiên nhẫn ngồi yên.

Lại ký lên trang sách bằng bàn tay đã mỏi, nét chữ đã bắt đầu không còn đều đặn. Làm sao anh có thể để bạn đọc thất vọng vì mình. Họ đã yêu quý anh, đã đến với anh khi đọc thông báo trên truyền thông với bao khấp khởi. Mệt nhọc trước tình cảm nồng nhiệt của bạn đọc, đó là hạnh phúc của nhà văn, là phần thưởng tinh thần cho những trang sách anh đã viết ra.

Đã có lần thời gian quy định sắp hết mà đoàn người xếp hàng vẫn còn dài, ban tổ chức quyết định mỗi độc giả chỉ được xin ký vào một cuốn sách thôi, để những người xếp sau không bị thiệt thòi, tránh tình trạng có người có được mười chữ ký trong khi những người khác không có được chữ ký nào. Tất cả, kể cả anh, đều thấy đó là một đề nghị hợp lý và vui vẻ làm theo. Một bạn đọc hoặc do đến trễ hoặc lơ đãng không nghe thông báo trên loa phóng thanh, khi không xin được chữ ký thứ hai, hôm sau viết trên mạng đả kích anh tơi bời, rằng không ngờ nhà văn mà... không nhân văn, tiếc bạn đọc đến một chữ ký cỏn con. Đọc lời phê phán kia, anh dở cười dở khóc.

Lần khác, có bạn đọc nhỏ đề nghị anh ghi lên sách câu “Thân tặng Long khùng”. Anh giải thích đến khô cả miệng người bạn nhỏ ấy mới hiểu rằng cậu đề tặng người bạn thân câu đùa nghịch đó thì được, nếu anh ghi như thế thì đó là sự bất nhã, vì anh không chơi thân với “Long khùng”, thậm chí không biết “Long khùng” là ai. Tương tự, một bé gái 7 tuổi tha thiết muốn anh ghi câu “Thương tặng chị Hai” và anh lại phải mất rất nhiều thì giờ để nói cho cháu bé hiểu đó là chị Hai của cháu chứ không phải chị Hai của người ký tên bên dưới.

Nói chung, càng ngày anh càng ngại viết thêm những lời đề tặng bên cạnh chữ ký của mình. Ngoài những tình huống oái oăm như kể trên, có một sự thật là anh không hề tặng cuốn sách đó cho bạn đọc, bạn của bạn đọc hay “chị Hai” của bạn đọc. Đó là sách của bạn đọc đem tới; là một nhà văn, anh chỉ có quyền ký tên lên trang đầu cuốn sách như một kỷ niệm. Ghi lời đề tặng lên một món quà mà mình không bỏ tiền ra mua tặng, đó là điều khiến anh vô cùng áy náy.

Tất nhiên cũng có những ngoại lệ: anh đã gặp những độc giả xin chữ ký vào sách để tặng bạn bè hoặc người thân đang bị những chứng bệnh nan y. Những bệnh nhân ấy cũng là độc giả của anh, những lời đề tặng và chúc sức khỏe của anh trong hoàn cảnh đó có thể là liều thuốc tinh thần giúp các bạn có thêm niềm vui và nghị lực để vượt qua cơn hiểm nghèo.

Trong trường hợp này, sứ mệnh của nhà văn không chỉ nằm trong những thông điệp trên trang sách mà đôi khi trong những lời giản dị như “Chú chúc cháu mau chóng bình phục” với chữ ký và tên tác giả phía dưới. Chính độc giả đã dạy cho anh hiểu được ý nghĩa sâu xa đó trong những buổi ký tặng mướt mồ hôi.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.