Trần Quốc Quân: 'Thời của chúng tôi, có thể dùng xẻng để xúc vàng, xúc đô la'

14/05/2014 17:21 GMT+7

(TNO) Tác giả Trần Quốc Quân chuẩn bị ra mắt Tuyết hoang - một quyển tiểu thuyết nói về những năm tháng nhuốm đầy màu tiền, vàng, đô la của những nghiên cứu sinh Việt Nam đổ qua Đông Âu thời cuối thập niên 1980, những năm tháng đã sinh ra những triệu phú Việt Nam ở nước ngoài với đầy đủ máu và nước mắt.

(TNO) Tác giả Trần Quốc Quân chuẩn bị ra mắt Tuyết hoang - một quyển tiểu thuyết nói về những năm tháng nhuốm đầy màu tiền, vàng, đô la của những nghiên cứu sinh Việt Nam đổ qua Đông Âu thời cuối thập niên 1980, những năm tháng đã sinh ra những triệu phú Việt Nam ở nước ngoài với đầy đủ máu và nước mắt. Ông đã dành cho Thanh Niên Online một cuộc trò chuyện ngắn khi vừa đến TP.HCM.


Ông Trần Quốc Quân với tác phẩm sắp xuất bản tại Việt Nam - Ảnh: Tác giả cung cấp

Với nhân vật chính - Nguyên - trong tiểu thuyết Tuyết hoang, anh ta buôn bán từ áo kimono lẻ tẻ đến đi buôn thuốc kháng sinh, buôn đồng hồ, buôn vàng như một cuộc phiêu lưu đầy tham vọng. Ông đã xây dựng nhân vật Nguyên từ nhiều người hay là chính cuộc sống của ông?

Nguyên là những trải nghiệm của bản thân tôi nhưng cũng là những gì tôi chứng kiến ngoài đời. Nguyên là tổng hợp của nhiều nhân vật tôi thấy là điển hình, có thể xây dựng thành một nhân vật xuyên suốt tác phẩm và mang rất nhiều đặc tính cơ bản của một doanh nhân Việt Kiều tại Ba Lan. Nguyên là một nhân vật tổng hợp, vừa có tôi vừa không có tôi, vừa là tôi vừa là những người xung quanh tôi.

Nguyên là một trí thức đi học, vì cuộc sống quá chật vật nên lao vào con đường đi buôn, nhanh nhạy và gặp rất nhiều bất trắc, và còn gì nữa? 

Tôi đi nghĩa vụ quân sự 3 năm, khi trở về, tôi đăng ký đi nghiên cứu sinh ngay. Tôi đã rất quyết liệt học để đạt được mục đích của mình. Trong Tuyết hoang có ghi Nguyên đỗ hạng thứ 5 toàn quốc, đấy chính là kết quả tôi đạt được. Việc đi học của tôi, nói không lên gân chút nào, chính là vừa tìm cách trau dồi kiến thức vừa “tìm đường cứu... nhà”.

Khi tôi sang Ba Lan, mục đích là đi học thì phải học cho tốt, còn việc cải thiện kinh tế gia đình thì cũng chỉ là từ tiền lương vài chục đô mình được nhận từ nước bạn, chỉ muốn mua được một cái xe máy, vài cái xe đạp, vài chục mét vải, một ít thuốc để cải thiện gia đình. Lúc đi, tôi chỉ nghĩ mình cố gắng kiếm được 20 cây vàng cùng với một cái bằng tiến sĩ về để lại tiến thân bằng con đường sự nghiệp của mình. Nhưng lịch sử lúc ấy cuốn tôi vào như một dòng lũ, nó chuyển từ kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Đó là một cái bản lề, một thời cơ vàng. Nói thật, chúng tôi có thể dùng xẻng để xúc vàng, xúc tiền.

 
“Trí tuệ Việt Nam tốt lắm, nhưng cả một thế hệ sinh ra chỉ đau đáu cải thiện kinh tế gia đình, giúp vợ giúp con, làm chảy máu chất xám của đất nước”.

Ngay cả lúc tôi sang Ba Lan và học tiếng năm đầu tiên, tôi đã kiếm được rất nhiều tiền rồi. Lớp nghiên cứu sinh Đông Âu và Liên Xô rất có điều kiện cuối những năm 1980 đầu 1990 đã bốc lên rất ghê, giàu lên rất nhanh, có người giờ là chủ nhà hàng, chủ trung tâm thương mại.

Ông tả rực rỡ thế, vậy tại sao nhân vật Nguyên trong Tuyết hoang dù được xây dựng rất chăm chỉ, tham vọng, nhưng lại có một cái kết rất bẽ bàng?

Ở ngoài đời, tôi gặp rất nhiều nhân vật khi rời Đông Âu về nước mang được rất nhiều tiền, có thời kỳ khi đất nước còn rất khó khăn, họ đã rất nhiều tiền. Nhưng có những người phải trả giá rất đắt, rất đau đớn. Nhân vật Nguyên của tôi là một nhân vật rất thật, có khi phải trả giá bằng cả sự nghiệp, cả cuộc đời, có khi không phải cuộc đời của mình thì bằng cuộc đời của vợ con mình.

Có một doanh nhân tôi biết trước đó rất thành công, trải qua cuộc khủng hoảng năm 1997, anh ta hai bàn tay trắng, rồi khủng hoảng vợ chồng, khủng hoảng bố con, rồi đứa con gái 17 tuổi đã phải nhảy lầu. Ba Lan đấy, thật sự đấy, đau đớn lắm! Sau đó còn một con trai họ đưa về ông bà, hai vợ chồng quay lại Ba Lan làm lại từ đầu, nhưng ngoi ngóp mãi đến giờ vẫn chưa thành đạt. Tôi viết những dòng cuối cùng của Tuyết hoang mà thấy cay mắt, khi gấp sách lại thấy đau lòng. 

Vậy còn sự trả giá của chính ông khi đến Ba Lan?  

Tôi đã 3 lần trắng tay, 3 lần làm lại từ đầu. Có lúc tôi đã âm đến 2 triệu USD. Tôi đã nghĩ tại sao cuộc đời mình đen tối như thế, không biết mình có trải qua được cơn khốn khó đấy hay không. Tôi là người rất tự tin, mà đến lúc đấy là mất tự tin hoàn toàn. Bạn có hình dung được là vào năm 1998, mà tôi nợ đến 2 triệu USD. Làm sao vượt qua được? Không biết phép thần nào đã giúp tôi mà lúc nhảy qua vực sâu đó ngoái lại, tôi còn thấy rùng mình. Có một phần của quãng đời đó tôi đã viết trong Tuyết hoang.

Một nhà nghiên cứu Việt Nam ở Nhật từng nói với tôi, hồi Nhật cấp học bổng du học cho Việt Nam và Thái Lan, du học sinh Thái thì phải học cật lực vì nhà nước quản lý rất kỹ và khắt khe về kết quả học tập, còn Việt Nam mình, du học sinh qua đó chỉ có chăm chăm... đi buôn lậu. Kết quả là sau này Thái thì có ngành sản xuất ô tô, còn VN mình thì chẳng có gì cả. Ông có nghĩ câu chuyện ông kể về du học sinh Ba Lan cũng giống như vậy không?

Tôi nhìn thấy rõ đó là sự thiệt thòi rất lớn với đất nước Việt Nam này. Trí tuệ Việt Nam tốt lắm, nhưng cả một thế hệ sinh ra chỉ đau đáu cải thiện kinh tế gia đình, giúp vợ giúp con, làm chảy máu chất xám của đất nước, đặc biệt trong cuối thập niên 1980, đầu 1990.

 
“Tôi trăn trở với gia đình, với ba má mình, đặt kỳ vọng lên mình. Ba má nghĩ mình đi học để cống hiến, để mang vinh quang về cho dòng tộc, gia đình, tôi suy nghĩ hàng đêm, rồi cơn lốc đó quá lớn nó cuốn tôi đi”.

Cả một nước Việt Nam cứ đi qua đó học là đau đáu đi kiếm tiền. Trước đó ở Đông Âu, du học sinh Việt Nam luôn được điểm A, học giỏi nhất. Khi đến cuối 1980, lúc Việt Nam bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường thì tư tưởng đó bắt đầu thấm vào người trí thức Việt Nam, làm mất đi cả một thế hệ trí thức. Tôi cũng là một người bị cuốn vào, không cưỡng lại được. Dù ý chí của mình như thế cơ mà, mình phải cầm cái bằng tiến sĩ về, thế mà mình bị chi phối bởi chuyện kiếm tiền kia, xao nhãng chuyện học tập. Không chỉ có trí thức đi Nhật mà trí thức đi Đông Âu và Liên Xô đều thế cả. Cả một thế hệ xao nhãng chuyện học hành chỉ để phục vụ cho cái tôi của mình, cái gia đình bé nhỏ của mình. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho cả đất nước Việt.

Đại bộ phận nghiên cứu sinh qua đó đều để kiếm tiền, bị cuốn trôi đi, không mang được kiến thức về. Khi về giúp nước bằng những đồng đô la, họ lại AQ nói mình không mang được cái này thì mang cái kia. Đấy là sự thật!

30 tuổi, mang theo lý tưởng, quan điểm chính trị qua đó, anh có thấy mình bị đổ vỡ không?

Trăn trở lắm! Vào lúc bản lề là giữa cánh này chuyển sang cánh kia, từ người đi học chuyển qua cánh kia, tôi trăn trở lắm, hàng nửa năm trời, suy nghĩ khủng khiếp. Đầu tiên là vật vã với chính mình, hoài bão, mong ước của mình là thế này, mà giờ đây mình phải từ bỏ nó hết. Mình trở thành một con người khác. Tôi trăn trở với gia đình, với ba má mình, đặt kỳ vọng lên mình. Ba má nghĩ mình đi học để cống hiến, để mang vinh quang về cho dòng tộc, gia đình, tôi suy nghĩ hàng đêm, rồi cơn lốc đó quá lớn nó cuốn tôi đi. Tôi đã phải lên đặt vấn đề thẳng với giáo sư, rất xin lỗi giáo sư. Biến cố lịch sử quá lớn, nó như một cơn lũ cuốn cả hoài bão của mình đi.

Trong Tuyết hoang, ông tả rất tường tận về những mánh lới buôn hàng, những chiêu trò để qua cửa khẩu và cả những chiêu người Việt hại nhau ở xứ người, không đoàn kết với nhau. Trong một số sách, người ta tả về cộng đồng doanh nghiệp người Hoa có tính gắn kết cao hơn, anh có thấy thế không?

Tôi cũng từng nghe thấy các doanh nghiệp Trung Quốc hỏi tôi về doanh nghiệp đồng hương của họ, hỏi tôi đến phát cáu lên. Trong chuyện làm ăn, người Trung Quốc cũng có sự đố kỵ và cạnh tranh nhau rất lớn, chứ không phải đoàn kết như trong sách nói.

Còn những gì tôi chuyển tải trong Tuyết hoang đúng là rất đau lòng. Người Việt mình đúng là như thế đấy. Doanh nghiệp Việt ở Ba Lan có cái bóng dáng của làng Vũ Đại mang từ Việt Nam sang, cũng bon chen, đố kỵ, giành giật, dẫm lên lưng nhau. Khả năng cộng tác, hợp tác của doanh nhân Việt rất yếu. Khó mà chọn được một grupa toàn tâm toàn ý để mà đưa nhau lên. Điều đó là một sự thật đau lòng.

Cảm ơn ông!

Trần Quốc Quân là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Ông viết tiểu thuyết Tuyết hoang trong 26 tháng. Quyển tiểu thuyết là bức tranh chân dung của một nghiên cứu sinh Việt Nam sang Ba Lan cuối những năm 80, dựa trên kinh nghiệm và những gì chính tác giả quan sát thấy gần 30 năm qua. Thời đó, anh nghiên cứu sinh mang theo ước vọng đổi đời, lao vào những cuộc đi buôn, kinh doanh đầy tham vọng. Cùng những biến đổi thời cuộc ở Ba Lan, người nắm được thời cơ đã trở thành triệu phú. Bên cạnh đó là những người khánh kiệt, bẽ bàng, đánh mất quê hương và cả chính mình ở xứ người.

Quyển tiểu thuyết còn là một câu chuyện có hệ thống về các giai đoạn làm ăn, mánh lới, sự phân khu của các “soái” làm ăn và cả các con đường đưa tiền, vàng về Việt Nam.

Tác phẩm Tuyết hoang sẽ được Nhà xuất bản Trẻ cùng tác giả giới thiệu với bạn đọc tại Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hà Nội) lúc 14 giờ ngày 17. 5.

Sáng 24.5, tác phẩm dự kiến ra mắt bạn đọc TP.HCM lúc 9 giờ 30 sáng tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.

Trích đoạn Tuyết hoang:

“Vàng lấp lánh, vàng chói chang, vàng nhức mắt, cơ man nào là vàng. Nhìn đống vàng đổ đầy có ngọn trên mặt bàn hình chữ nhật dành cho sáu người ăn kê trong bếp nhà chị Châu, Nguyên ngỡ mình là chàng Alibaba đang lạc chân vào động vàng của bốn mươi tên cướp. Chưa bao giờ Nguyên nhìn thấy nhiều vàng thế, kể cả trong các cửa hàng trang sức lớn nhất. Không biết vàng ở đâu ra mà nhiều vậy? “Còn ở đâu ra nữa, vàng từ Liên Xô chuyển về cả đấy!” - Nhìn gương mặt đầy vẻ kinh ngạc của Nguyên, chị Châu nói với giọng tự hào.

“Nhưng tại sao toàn là nhẫn, hoa tai, dây chuyền, lắc, vòng tay, vòng cổ, thậm chí cả măng séc tay áo với huy hiệu, cả huy chương Lê Nin nữa?”.

Trích đoạn Tuyết hoang:

-“Bí mật công nghệ vận chuyển xuyên quốc gia các loại hàng cấm lâu nay anh chị vẫn sử dụng chỉ gói gọn trong bốn từ “hộ chiếu ngoại giao” mà các soái Đông Âu thường gọi nôm na là thẻ đỏ.

– À ra vậy, từ trước đến nay nghe mọi người nói nhiều đến từ thẻ đỏ, nhưng em không biết dùng để làm gì.

– Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng tiếp cận được thẻ đỏ. Vì gắn với sinh mệnh chính trị và nghề nghiệp nên thẻ đỏ được coi như một thứ hàng hóa đặc biệt không mua bán được trên thị trường. Chính vì thế người mang hộ chiếu ngoại giao thường chỉ cõng hàng cho những người quen biết, những người trong ngành hoặc những người được VIP bảo lãnh.

– Thế thì khó mà đến lượt em.

– Đúng vậy! Nếu không phải là soái có tiếng tăm thì em không dễ gì tổ chức được đường dây vận chuyển thông qua thẻ đỏ.

– Tại sao thẻ đỏ lại vận chuyển được hàng lậu mà những người mang các loại hộ chiếu khác lại không?

– Theo hiệp định song phương ký́ giữa các nước xã hội chủ nghĩa, người mang hộ chiếu ngoại giao khi qua cửa khẩu được miễn trừ kiểm tra hành lý".

Khải Đơn (thực hiện)

>> Tiểu thuyết của một nhà báo ở Bạc Liêu
>> Từ tiểu thuyết kỳ ảo đến phim
>> Tiểu thuyết gia Chinua Achebe từ trần
>> Chinh phục văn học Mỹ bằng tiểu thuyết thơ
>> Người cứu tiểu thuyết "Đống rác cũ
>> Ra mắt tiểu thuyết "Thằng tơ tưởng
>> Nhà toán học và nhà thơ tọa đàm về “tiểu thuyết toán hiệp”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.