Bí quyết mua trái cây ngoại nhập

01/03/2012 03:09 GMT+7

Nếu như trước đây, các loại trái cây ngoại nhập rất hiếm thì hiện nay, không khó để tìm mua hàng nhập khẩu từ phương Tây như táo Mỹ, lê Úc hay dâu tây Pháp...

Nếu như trước đây, các loại trái cây ngoại nhập rất hiếm thì hiện nay, không khó để tìm mua hàng nhập khẩu từ phương Tây như táo Mỹ, lê Úc hay dâu tây Pháp...

Bên cạnh những loại trái cây quen thuộc ở các nước nhiệt đới, người tiêu dùng còn hướng đến những loại trái cây mà điều kiện khí hậu ở VN không có như cherry, kiwi…

Lý do khiến trái cây ngoại nhập luôn mang đến cảm giác yên tâm về chất lượng do có nguồn gốc từ những nước có nền nông nghiệp phát triển, có kỹ thuật canh tác cao và quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, không sử dụng hóa chất bảo quản độc hại. Vì thế, ngày càng nhiều cửa hàng, quầy bán trái cây ngoại nhập mọc lên khắp nơi, bày bán các loại trái cây được quảng cáo là nhập khẩu trực tiếp từ Úc, Mỹ, New Zealand...

Trái cây ngoại nhập có giá đắt hơn nhiều lần so với trái cây nội. Một kg nho đen không hạt của Úc bán đến 200.000 đồng, lê 250.000 đồng/kg, cam vàng Mỹ bán 100.000 đồng/kg, táo Mỹ 120.000 đồng/kg. Riêng cherry có giá từ 600.000 - 700.000 đồng/kg.

Chị Lê - một người mua hoa quả tại cửa hàng trên phố Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: “Hoa quả ở đây đắt hơn nhiều lần so với hàng ngoài chợ do nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Tôi mua ở cửa hàng lớn thấy yên tâm hơn là mua ngoài chợ. Còn chất lượng và quy trình nhập như thế nào thì tôi cũng không biết được”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận, thực tế vẫn có một lượng trái cây ngoại nhập từ Mỹ, Úc, New Zealand nhưng không đáng kể. Do giá cả các loại trái cây này khá đắt nên vẫn còn xuất hiện một số nơi gắn nhãn mác giả, gây hiểu nhầm cho người mua.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty TNHH Kelver, phân tích: “Có nhiều dấu hiệu để phân biệt trái cây nhập khẩu chính gốc và trái cây trôi nổi. Nếu là sản phẩm nhập khẩu đều phải có giấy chứng nhận xuất xứ, do nước xuất khẩu cấp, tờ khai hải quan của VN và giấy kiểm dịch thực vật do VN cấp khi nhập hàng hóa. Người mua cần chú ý đến thời gian thu hoạch và giống loại”. Ông Hải tư vấn, trái cây nhập từ Mỹ thường là táo và nho. Táo Ambrosia (quả dài có 3 màu đỏ, trắng vàng), Fuji (quả tròn có màu đỏ sọc trắng hoặc xanh), Gala (quả tròn, nhỏ, thường là màu đỏ) hay Red Dilicious (quả đỏ, dài). Táo thường được thu hoạch từ tháng 9 -12.

Tuy nhiên, Mỹ dùng công nghệ bảo quản hiện đại nên có thể bảo quản lên tới 6 tháng. Và như vậy, có thể nói rằng Mỹ cung cấp táo cho cả thế giới quanh năm. Nho có hàng trăm giống khác nhau, nhập về VN phổ biến nhất là nho đen (không hạt và có hạt). Đặc điểm của các loại này là quả to và đen, càng đen kịt thì là loại càng ngon, thuôn dài chứ không tròn, ăn rất ngọt. Nho Mỹ có quanh năm, nhưng đúng vụ thì vào các tháng cuối năm. Ngoài ra có còn cherry (anh đào), xuân đào trắng, vàng hay đào trắng, vàng (có khoảng từ tháng 5-10). Thị trường Úc và New Zealand như cherry, xuân đào, mận, lê thì vào đúng mùa tết Nguyên đán (từ tháng 11 - 3). Úc và New Zealand có mùa vụ trái ngược với Mỹ nên trái gì cũng có ngược mùa với Mỹ.

Do vậy, để tránh mua nhầm hàng, người tiêu dùng nên mua ở những cửa hàng uy tín, xem giấy chứng nhận xuất xứ của sản phẩm nếu còn nghi ngại. Ngoài ra, nên tìm hiểu một số đặc điểm chủng loại hay mua như các giống nho, táo, cherry… nếu thực sự quan tâm và xác định sử dụng lâu dài.

Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.