Tác hại khi chữa hóc xương bằng mẹo

24/04/2014 16:10 GMT+7

(TNO) Trong bữa cơm gia đình, bệnh nhân bị hóc xương gà nhưng vẫn cố nuốt khiến cho miếng xương bị mắc ngang, nằm ngay trong ngực gây thủng thực quản phải đưa đi cấp cứu.

(TNO) Trong bữa cơm gia đình, bệnh nhân bị hóc xương gà nhưng vẫn cố nuốt khiến cho miếng xương bị mắc ngang, nằm ngay trong ngực gây thủng thực quản phải đưa đi cấp cứu.

 
Bệnh nhân được mổ lấy miếng xương gà bị hóc (ảnh nhỏ) được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Nguyên Mi

Sáng nay (24.4), bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị hóc xương gà, thủng thực quản.

Bệnh nhân là ông Phạm Văn Thìn (51 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định), được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng sốt cao, khạc ra đàm, máu, đau ngực.

Được biết, trước đó ngày 20.4, khi đang ăn cơm với gia đình, ông Thìn bị hóc xương gà. Tuy nhiên, ông đã cố nuốt miếng xương vô, lấy nước uống với ý nghĩ làm vậy để cho xương gà trôi xuống bụng.

Đến sáng hôm sau, người nhà phát hiện ông Thìn sốt cao, khó thở nên nhanh chóng đưa đến Bệnh viện đa khoa Bình Định chữa trị.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện miếng xương bị mắc ngang, nằm ngay trong ngực bệnh nhân. Sau đó, ông Thìn được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Chẩn đoán của các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy một đầu của đoạn xương gà đâm thủng thực quản vào trung thất, đầu kia có nguy cơ đâm thủng luôn quai động mạch chủ ngực, gây biến chứng viêm mủ trung thất, nếu không mổ kịp thời thì nguy cơ dẫn đến tử vong là rất cao.

Các bác sĩ đã mổ cấp cứu cho bệnh nhân, lấy ra đoạn xương gà dài 3 cm.

Hiện bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe.

Qua đây, bác sĩ Vĩnh khuyến cáo, trường hợp chữa hóc xương bằng mẹo mà thành công là do may mắn, còn lại thì hầu hết bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch hơn vì chữa mẹo dễ gây nhiễm trùng. Người bị hóc xương tuyệt đối không nên cố gắng khạc hoặc lấy tay móc xương ra bằng mọi cách.

Bởi khi đó xương có thể từ thực quản chui ra ngoài, cắm vào mạch máu, nếu thủng mạch máu này bệnh nhân rất dễ tử vong.

"Do đó, trong  trường hợp bị hóc xương, người dân phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt" - bác sĩ Vĩnh nói.

Nguyên Mi

>> Một ca hóc xương heo hi hữu!
>> Nguy hiểm khi hóc xương cá
>> Trẻ bị hóc dị vật
>> Hóc dị vật: khai một đằng, hóc một nẻo!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.