Đột phá trong điều tra hiện trường tội ác

30/10/2013 09:00 GMT+7

Nghiên cứu mới có thể giúp chế tạo camera đủ sức phát hiện các vết máu cũng như thời điểm chúng xuất hiện, hứa hẹn cách mạng hóa lĩnh vực điều tra tội phạm.

Thu thập mẫu máu tại hiện trường hiện vẫn dựa trên kỹ thuật cũ - Ảnh: Science Photo Library

Thu thập mẫu máu tại hiện trường hiện vẫn dựa trên kỹ thuật cũ - Ảnh: Science Photo Library

Mẫu máu và các chất dịch khác tại hiện trường là chứng cứ thường được sử dụng nhất trong quá trình truy tìm hung thủ gây án trong những vụ giết người. Và đây không phải là điều mới mẻ. Những người mê mẩn loạt phim truyền hình nổi tiếng CSI: Điều tra hiện trường tội ác do Mỹ sản xuất ắt hẳn quá rành quy trình thu thập vết máu tại hiện trường. Đầu tiên, các chuyên gia pháp y phải phun hoặc rắc hóa chất lên các bề mặt mà họ hy vọng có sự hiện diện của vết máu. Sau đó, họ quan sát phản ứng giữa mẫu vật thu thập được trong dung dịch, để tìm ra nguyên tố sắt trong huyết sắc tố.

Tuy nhiên, nếu không thu thập được chứng cứ cần thiết, nhiều khả năng giới điều tra không thể chỉ ra đích xác kẻ nào gây án. Chẳng hạn, trong cuộc điều tra vụ án mạng vào năm 1993, cảnh sát không tìm được chứng cứ nào để khép tội các nghi can trong vụ giết Stephen Lawrence, 18 tuổi. Trải qua nhiều năm điều tra vất vả, đến 2011 giới công tố mới nắm trong tay chứng cứ xác định danh tính kẻ giết người (nhờ vết máu trên cổ áo), và 2 trong số 5 nghi can ban đầu đã phải đền tội trong phiên tòa năm 2012. Trong vụ án nam sinh Damilola Taylor bị hạ sát vào năm 2000, giới chuyên gia bỏ quên vết máu vấy trên giày thể thao của một trong những kẻ đã giết chết cậu bé.

Theo tiến sĩ Meez Islam của Đại học Teesside (Anh), điều này do các chuyên gia pháp y thường đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng khi cần phải xác định vết máu. Đó là họ vẫn phải áp dụng những phương pháp phân tích đã được dùng cách đây cả thế kỷ. “Thông thường, tại hiện trường tội ác, vết máu đâu bao giờ hiển thị dễ dàng cho bạn thấy. Máu vấy trên bề mặt tối lại càng khó thấy hơn, và có những dấu vết không thể phát hiện bằng mắt thường”, tờ Independent dẫn lời tiến sĩ Islam.

Công nghệ mới, sẽ được giới thiệu tại Hội nghị khoa học pháp y ở Manchester vào tháng tới, sử dụng thiết bị lọc tinh thể lỏng, có khả năng cung cấp kết quả hầu như ngay lập tức. Bộ lọc này hoạt động bằng cách cô lập những dải bước sóng màu khác nhau, nên nó có thể phát hiện vết máu trong đám tạp chất có bề ngoài tương tự, hoặc ẩn nấp ở những vị trí khó thấy như quần áo, thảm, đồ nội thất màu đỏ. Do máu đổi màu theo thời gian, từ đỏ tươi đến nâu bùn ở các mốc thời điểm cụ thể, thiết bị trên có thể xác định “tuổi” của vết máu một cách chính xác. Các chuyên gia cho rằng công nghệ này cũng có thể áp dụng cho những chất dịch lỏng khác, bao gồm mồ hôi, nước bọt, tinh dịch, cho phép đẩy nhanh tốc độ kết án trong các trường hợp xâm hại tình dục.

Dựa trên công nghệ mới, nhóm chuyên gia của Đại học Teesside (Anh) đã chế tạo một camera nguyên mẫu có khả năng quét quang phổ của huyết sắc tố, giúp điều tra nhanh và chính xác hơn. Kết quả thí nghiệm cho thấy chỉ trong vòng 1 ngày, camera này có thể chỉ đích xác thời gian xuất hiện các mẫu máu được thu thập trước đó một tháng. Bước kế tiếp, tiến sĩ Islam cho biết ông cần 100.000 bảng Anh nếu muốn chế tạo phiên bản thiết bị có thể sử dụng trên thực tế.

Hạo Nhiên

>> Nghề thu dọn hiện trường tội ác

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.