Cam kết ODA đạt kỷ lục: 4,45 tỉ USD

15/12/2006 23:19 GMT+7

* Vì sao tốc độ giải ngân ODA còn thấp? Hôm qua 15/12, hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) đã kết thúc tại Hà Nội. Tổng số nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ cho Việt Nam được công bố là 4,45 tỉ USD.

Trong đó các nhà tài trợ song phương cam kết 2,164 tỉ USD, các nhà tài trợ đa phương cam kết 2,101 tỉ USD và các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) cam kết 180 triệu USD. Đây là mức cam kết về vốn cao nhất từ trước đến nay, tăng 700 triệu USD so với năm 2006.

Phát biểu ngay sau khi công bố sự kiện trên, trong phiên họp bế mạc hội nghị, ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói: "Đây là khoản tăng lớn nhất trong các kỳ CG. Nó thể hiện niềm tin của các nhà tài trợ, thể hiện sự đồng thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ trong việc ủng hộ công cuộc cải cách, phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới".

Tham dự phiên họp bế mạc, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói: "Con số 4,4 tỉ khô khan nhưng nó nói lên thái độ thông cảm, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sự nhiệt tình và đóng góp của quý vị". "Chính phủ Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực này, tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thực hiện tuyên bố Paris, cam kết Hà Nội về sử dụng nguồn vốn ODA", Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định: "Để thực hiện các cam kết đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính để bộ máy gọn nhẹ, có hiệu lực, thay đổi phong cách làm việc không gây phiền hà, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực". Theo Phó thủ tướng, trong giai đoạn phát triển sắp tới, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trên cả 3 bình diện: quốc gia, doanh nghiệp và từng sản phẩm. Với nguồn lực ODA được hỗ trợ, theo ông, Việt Nam sẽ làm tốt hơn công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo để đảm bảo một sự phát triển bền vững.

Mở cửa hơn nữa, cải cách hơn nữa

Cũng trong cuộc họp, ông Klaus Rohland đã thông báo lại một số nội dung được thảo luận kỹ tại phiên họp 2 ngày qua. Ông cho biết, về phát triển kinh tế vĩ mô, các nhà tài trợ đều đánh giá cao Việt Nam giữ ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô nhưng khuyến cáo cần quan tâm hơn nữa đến việc mở cửa thị trường tài chính, cải cách mạnh hơn nữa các ngân hàng và khối doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo các ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Các nhà tài trợ cũng khuyến cáo việc gia nhập WTO cũng sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội mà Chính phủ Việt Nam cần quan tâm giải quyết như vấn đề đói nghèo, việc làm, sự lan truyền của căn bệnh HIV/AIDS.

Ông Klaus Rohland cho biết, theo ý kiến của cộng đồng các nhà tài trợ, trong cải cách hành chính, vấn đề quan trọng hiện nay là Việt Nam phải có giải pháp để các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế 2006-2010. "Các nhà tài trợ cũng rất quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng và Thủ tướng cũng đã nói đến vấn đề này ngày hôm qua. Các nhà tài trợ tin tưởng ở những cam kết, quyết tâm của Chính phủ trong việc chống tham nhũng để đảm bảo cho con cháu, các thế hệ sau của Việt Nam lớn lên trong môi trường không có tham nhũng", ông Klaus Rohland thông báo.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng cho biết, các nhà tài trợ cũng nhất trí với Chính phủ Việt Nam trong việc dành nguồn vốn ODA để ưu tiên đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng có quy mô lớn để phát triển kinh tế trong giai đoạn tới như các công trình đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt Bắc-Nam, đường xe điện ngầm ở TP Hồ Chí Minh. Phía Việt Nam cũng cam kết đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân, hài hòa hóa các thủ tục giữa các nhóm nhà tài trợ trong việc giải ngân.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời báo chí (ảnh: Trường Sơn)

Vì sao tốc độ giải ngân ODA còn thấp?

Sau lễ bế mạc, ông Klaus Rohland và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã chủ trì cuộc họp báo.

* Thanh Niên: Thưa ông Klaus Rohland, ông có nói là sau vụ PMU 18, đã có một tình trạng ở nhiều bộ, ngành Việt Nam là e ngại, đùn đẩy trách nhiệm trong công việc và đó là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân các dự án ODA chậm lại. Nếu không sớm khắc phục được tình trạng này thì Việt Nam có hấp thụ, sử dụng hiệu quả được nguồn vốn mới? Tỷ lệ giải ngân hiện nay có thể nói là rất thấp, mới đạt 13-14% thì dù có vay nhiều nhưng khả năng hấp thụ vốn kém thì có hiệu quả không?

- Ông Klaus Rohland: Mặc dù Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ nhưng hệ thống còn rất phức tạp và cần phải có những người ra quyết định. Việt Nam chưa có văn hóa nhận lỗi cho nên, có nhiều việc còn đòi hỏi mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định đúng nhất vào thời gian đúng nhất. Tình trạng này rõ ràng là cần thay đổi và đó là yêu cầu của việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Đạt được kết quả theo đúng thời gian là điều Việt Nam cần. Hiện nay, tiến độ giải ngân vốn ODA tại Việt Nam có thấp hơn một số nước cùng trình độ phát triển và Việt Nam nên giảm thời gian thực hiện trung bình của một dự án từ 28-29 tháng hiện nay xuống còn 15-16 tháng để đem lại lợi ích từ các công trình, dự án sớm hơn cho người dân.

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Tình trạng đó có làm chậm tiến độ giải ngân nhưng tôi tin là với những việc sửa đổi, bổ sung các quy định, cải cách thể chế vừa qua như việc Chính phủ ban hành Nghị định 131/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn ODA thì trách nhiệm được quy định rõ ràng hơn thì cũng làm đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân.

* Hãng tin Bloomberg: Năm ngoái, Trung Quốc cam kết hỗ trợ 200 triệu USD cho Việt Nam nhưng năm nay không thấy. Vì sao không công bố, hay Trung Quốc không còn nằm trong nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam?

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Năm nay Trung Quốc không có cam kết. Nhưng không phải là có cam kết hay không mới là các nhà tài trợ cho Việt Nam vì trong các nước, các tổ chức tài trợ cho Việt Nam thì có năm cam kết, có năm không cam kết vì điều đó còn tùy thuộc vào khả năng tài chính của nhà tài trợ và nhu cầu từ phía Việt Nam. Đại sứ Trung Quốc có nói lý do Trung Quốc không đưa ra cam kết vì còn xem Việt Nam thực hiện các dự án nào.

* Báo Gia đình và Xã hội: Chính phủ Việt Nam phải làm gì để những khoản vay ODA không phải là gánh nặng quá lớn cho các thế hệ sau?

- Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế của WB Việt Nam: Hiện nay, nợ quốc gia của Việt Nam chỉ dưới 40% GDP, nếu tính theo giá trị tuyệt đối, chỉ khoảng 30% GDP. Theo các nguồn vốn ODA thì số nợ sẽ tăng lên trong nhiều năm tới và có thể đạt tỷ lệ nợ quốc gia vào khoảng 50% trong 5 năm tới. Tuy nhiên, đa số các khoản vay, nợ ODA là khoản nợ ưu đãi và rất thuận lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải đánh giá lại những điểm yếu trong thu ngân sách vì các khoản nợ này cũng chạy vào ngân sách của Nhà nước. Các nhà tài trợ cũng sẽ chú ý hơn trong việc nâng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.

- Ông Daisuke Matsunaga, đại diện Sứ quán Nhật Bản: Để không trở thành những gánh nặng thì Việt Nam phải huy động, dựa nhiều hơn vào các nguồn lực trong nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ tổng các khoản nợ vay ODA nếu dưới 60% GDP vẫn là an toàn.

M.Q (ghi)

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.