Liên Hiệp Quốc phản đối Sudan tấn công Nam Sudan

24/04/2012 11:50 GMT+7

(TNO) Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Sudan và Nam Sudan sau khi hai nước Bắc Phi này đã có những cuộc giao tranh nhỏ tại các khu vực khai thác dầu nằm ở vùng biên giới vào tuần trước.

(TNO) Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngày 24.4 đã lên tiếng chỉ trích các vụ không kích gần đây của Sudan nhằm vào quốc gia láng giềng Nam Sudan và kêu gọi cả hai bên kiềm chế.

Cộng đồng thế giới đang lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa hai quốc gia Bắc Phi này sau khi cả hai nước đã có những cuộc giao tranh nhỏ tại các khu vực khai thác dầu nằm ở vùng biên giới vào tuần vừa qua.


Tổng thống Sudan Omar al-Bashir cùng các binh sĩ trong buổi lễ ăn mừng sau khi giành được mỏ dầu Heglig vào hôm thứ hai 23.4 - Ảnh: AFP

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vừa tuyên bố sẽ không đàm phán với Nam Sudan, theo AFP. Trong khi đó, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir hiện đang ở Bắc Kinh để kêu gọi Trung Quốc hậu thuẫn.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng xung đột giữa Sudan và Nam Sudan hoàn toàn có thể giải quyết bằng các giải pháp phi quân sự.

Được biết, Sudan vào tuần rồi đã tiến hành không kích Nam Sudan sau khi nước láng giềng đem quân chiếm đóng mỏ dầu Heglig, vốn nằm trong khu vực tranh chấp của hai nước.

Phía Nam Sudan sau đó đã rút quân khỏi mỏ dầu vào chủ nhật 22.4, nhưng ngày hôm sau, Sudan vẫn cho máy bay chiến đấu đến oanh tạc thành phố Bentiu của Nam Sudan.

Trong chuyến viếng thăm mỏ dầu Heglig mới đây, Tổng thống Sudan Bashir cho biết ông sẽ không ngồi lại đàm phán với chính phủ nước láng giềng, mà ông ví như “đàn côn trùng” cần phải bị tiêu diệt.

Trong khi đó, Tổng thống Nam Sudan Kiir thì tuyên bố ông đã cho rút quân theo đúng yêu cầu của cộng đồng quốc tế và sẵn sàng đàm phán với phía Sudan.

Ông Kiir đang kêu gọi sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ lên tiếng, AFP nhận định.

Trung Quốc hiện đang là đồng minh thận cận và là đối tác lớn nhất của Sudan, tuy nhiên nước này vẫn sẵn sàng "bắt tay" với Nam Sudan do quốc gia non trẻ này có trữ lượng dầu mỏ lớn, theo AFP.

Nam Sudan đã tách khỏi Sudan sau cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1983 đến năm 2005, làm chết 2 triệu người.

Hoàng Uy

>> Sudan không kích Nam Sudan
>> George Clooney bị bắt vì biểu tình chống Sudan
>> Nam Sudan trục xuất doanh nhân Trung Quốc
>> Nam Sudan đuổi lãnh đạo công ty dầu lớn nhất nước
>> Nam Sudan đóng cửa 900 giếng dầu
>> Hơn 3.000 người bị thảm sát ở Nam Sudan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.