"Rất vui mừng khi gặp lại các con"

15/12/2006 14:14 GMT+7

Câu nói chào mừng đơn giản ấy đong đầy tình cảm và nặng trĩu tấm lòng yêu thương của một người di dân Việt Nam cùng người vợ đã được đoàn tụ với gia đình sau 14 năm gian khổ.

Tin chắc một ngày nào đó chúng tôi sẽ lại đoàn tụ

Ông Son Trung Hoang, năm nay 72 tuổi, là người may mắn chống chọi được với căn bệnh ung thư hành hạ nhiều năm. Sau khi về hưu ở tuổi 65, ông đã phải làm việc thêm nhiều năm nữa tại thành phố St Paul để dành dụm đủ tiền để đem mọi người trong gia đình đoàn tụ cùng nhau. Ông nhìn thấy những người thân trong gia đình mình lần sau cùng ở sân bay tại Việt Nam, ngày ông lên đường di dân sang Hoa Kỳ, vào năm 1992. Tháng 10/2006 vừa qua, ông cùng với vợ, bà Ha Le Thi, 67 tuổi, mới gặp lại những núm ruột của mình.

“Vừa khi nhìn thấy mặt các thành viên trong gia đình mình thì tôi đã yên tâm” - ông Son Trung Hoang nói qua một thông dịch viên trong buổi đoàn tụ gia đình tại phi trường quốc tế Minneapolis - St. Paul. Ông vui vẻ nói tiếp: “Từ trong tâm khảm, tôi luôn tin tưởng vào trời đất đã đem điều này đến cho chúng tôi”. Vợ chồng ông Son Trung Hoang đã phải làm việc thêm nhiều năm nữa để bảo lãnh những người còn lại trong gia đình đoàn tụ cùng ông tại Hoa Kỳ.

Các thành viên mới đến gồm vợ chồng hai người con trai lớn, vợ chồng người con gái cùng 7 đứa cháu. Như vậy ông Son Trung Hoang và bà Ha Le Thi có thêm 13 người đến sống cùng với mình. Một cái giường chồng và các tấm nệm đã choáng hết cái phòng khách của căn nhà rộng hơn 600 mét vuông ở thành phố St Paul, tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ. Hai ông bà sẽ ngủ ở phòng bên, nhường cái phòng ngủ chính cho các con cháu. Cuộc đoàn tụ này là điều mơ ước của họ từ 14 năm nay. “Cha tôi nói, ông tin chắc một ngày nào đó chúng tôi sẽ đoàn tụ trở lại” - anh Hai Hoang, 41 tuổi, người con trai thứ hai nói - “Vấn đề chỉ là lúc nào mà thôi”.

Trước kia, ông Son Trung Hoang làm việc trong một nhà máy cao su cách TP.HCM 45km và sang Hoa Kỳ theo chương trình ODP năm 1992. Ông chỉ mang theo hai đứa con nhỏ, còn những người con còn lại vẫn ở Việt Nam. Tại thành phố St. Paul, ông đã tìm được việc làm, có tiền nhưng ít được nghỉ ngơi. Trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1998, ông đã phải làm việc quá tuổi hưu, trong tình trạng sức khỏe kém, nhằm kiếm thu nhập cao hơn thu nhập hằng năm là 71.750 USD do Chính phủ Hoa Kỳ ấn định để có thể bảo lãnh 13 người trong gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ. “Người quản lý chỗ làm nói tôi có thể nghỉ hưu nhưng tôi đã lắc đầu từ chối lời khuyên này” - ông Son nói với nụ cười vui vẻ. Đó là chuyện hai năm về trước. Ông tâm sự: “Tôi luôn luôn căng thẳng thần kinh. Tôi xác định mình cần phải làm việc thêm để gặp lại các con mình. Tôi đã già và sợ không thể sống lâu để gặp lại được các con tôi”.

Vào ngày 11/09/2001, niềm hy vọng của ông bị lung lay vì sự siết chặt chính sách di dân của chính phủ. Trong năm tiếp theo thì căn bệnh ung thư ruột già của ông cũng làm sút giảm thêm niềm hy vọng. Không chỉ có ông Son gặp khó khăn, mọi việc trở nên tồi tệ cho bà Ha. “Tôi luôn lo lắng. Tôi muốn quên đi mọi chuyện” - bà Ha nói - “Và tôi đã cầu nguyện cho chúng tôi có thêm sức mạnh, sức khỏe và niềm tin”.

Một kết cuộc có hậu

Hai năm trước, với sự góp sức của đứa con út, hiện là một thợ máy làm việc tại bang Arizona, họ đã đáp ứng được số thu nhập theo yêu cầu nói trên. Khi ông Son Trung Hoang nhìn thấy các người con của ông cùng rất nhiều đứa cháu, tuổi từ 10-19, có những đứa mà đây là lần đầu tiên ông gặp mặt chúng, một nỗi im lặng nghẹn ngào trào dâng trong lòng mọi người trong giây lát trước khi họ có thể thốt nên lời.

Một sự im lặng bao trùm lên tất cả. Những đứa con nhìn làn tóc muối tiêu trên đầu ông Son. Đã có nhiều thay đổi bởi tuổi tác, nhưng trong ông có một thứ không hề thay đổi, đó chính là niềm thương yêu, mong mỏi được ôm chặt các người con mà ông hằng thương nhớ. “Chúng tôi không thể nói gì trong lúc đó. Thật là khó diễn tả được nỗi xúc động này. Tất cả chúng tôi đều òa khóc”, anh Hung Hoang, 31 tuổi, người con út của ông Son, thổ lộ nỗi lòng - “Rất nhiều lần chúng tôi vui rồi lại buồn. Rất nhiều lần tôi có cảm giác như cha tôi đang chết dần vì thương nhớ các con”.

Rồi ông Son Trung Hoang là người đầu tiên lên tiếng một cách đơn giản: “Rất vui mừng gặp lại các con”. “Tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn hẳn”, ông Son Trung Hoang xác định trong ngày hôm sau  - “Với một kết cuộc có hậu như thế này”. Trong những ngày sau, gia đình sắp đặt lại mọi chuyện, đưa các đứa cháu đến trường học. Ba cặp vợ chồng ngủ trên lầu trong những phòng riêng với một đứa cháu nhỏ. Trong phòng khách, năm đứa cháu nằm ngủ: hai đứa trên cái giường chồng, một đứa trên chiếc ghế dài và hai đứa trên tấm nệm hơi.

Ông Tong Nguyen, người phụ tá cho chương trình Giúp đỡ di dân của ban từ thiện nhà thờ St. Paul, nói rằng gia đình ông Son Trung Hoang là một gia đình đông người nhất mà ông từng giúp đỡ. Các viên chức phụ trách di dân nói họ chưa từng bao giờ ghi vào sổ sách một con số nhiều người trong một gia đình như thế này. “Thường thì họ có hai người. Đôi khi thì năm hoặc bảy” - ông Tong Nguyen nói - “Còn gia đình này đoàn tụ rất đông người. Một niềm vui khó diễn tả được bằng lời”. Các đứa cháy hãy còn mắc cỡ, nhảy nhót trên cái ghế dài và cái giường đôi, luôn miệng nói là chúng muốn trở thành bác sĩ. Thế còn cuối tuần này chơi gì? “Hãy ở nhà”, đứa cháu Kim Anh Nguyen, 9 tuổi, nói và nhìn sang đứa 14 tuổi. Ông Son Trung Hoang sẽ trông nom tất cả bọn chúng.

Công việc vẫn chưa xong

“Ông Son Trung Hoang là người đáng tin cậy nhất của chúng tôi. Ông có mặt tại đây mỗi ngày trước giờ làm việc 30 phút. Liệu tôi có thể làm được như vậy hay không?” - ông Brad Baker cười to khi nói về ông Son Trung Hoang. Ông Brad Baker là Tổng Giám đốc Holtkoetter Leuchten, một xí nghiệp làm bóng đèn, nơi ông Son Trung Hoang đến làm việc vào lúc 6 giờ 30 sáng, năm ngày trong một tuần.

Còn ông Paul Eusterbrock, chủ tịch và đồng sáng lập Xí nghiệp Holtkoetter Leuchten, cho biết: “Tôi đến từ u châu, ông Son Trung Hoang đến từ Á châu, tôi nghĩ chúng tôi có thêm nhiều người trong gia đình đến đây với tư cách di dân” Ông Paul Eusterbrock còn cho biết thêm rằng ông sẽ gặp các người con của ông Son Trung Hoang vào tuần này để cho họ việc làm. Có trên từ 20-50 nhân công của Xí nghiệp Holtkoetter Leuchtenr là người đến từ Việt Nam.

Đối với ông Son Trung Hoang, động lực trong cuộc sống rất đơn giản. “Chúng tôi luôn cố gắng làm việc cho thật tốt dù có thể làm việc không bằng những người khác. Chúng ta phải luôn cố gắng và luôn làm như vậy. Đó là những điều mà chúng ta có thể truyền lại cho con cháu”. Ông tự tin cho biết thêm: “Có rất nhiều lần trong cuộc đời chúng ta phải vượt qua trở ngại. Vài người bỏ cuộc, còn chúng tôi thì không”.

Anh Hung Hoang, người con út, nói chương cuối của cuộc đời làm việc của ông Son Trung Hoang đã đến lúc phải khép lại. “Không cần biết chuyện gì, tôi sẽ bắt cha tôi phải nghỉ hưu. Không cho ông làm việc nữa”  - anh Hung Hoang nói - “Vì hiện nay ông ấy đâu còn muốn điều gì nữa đâu”. Nhưng ông Son Trung Hoang không đồng ý. “Tài chính, tinh thần, chúng ta cần đến chúng trong một ít thời gian nữa. Công việc chưa xong đâu” - ông Son Trung Hoang nói với giọng chắc nịch.

(Theo Người Viễn Xứ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.