‘Khát’ nhân lực mũi nhọn

21/03/2014 12:53 GMT+7

Sau 15 năm thu hút, đào tạo nhân tài, công tác cán bộ của TP.Đà Nẵng có những bước đột phá. Tuy nhiên, một số ngành mũi nhọn vẫn đang “khát” nhân lực.

‘Khát’ nhân lực mũi nhọn
Đà Nẵng “khát” nhân lực ngành y tế - Ảnh: Nguyễn Tú

Tại hội nghị Tổng kết công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNL-CLC), Thành ủy Đà Nẵng cho hay từ 1998 đến nay thành phố đã bố trí công tác cho 1.043 người (trong đó có 13 tiến sĩ, 224 thạc sĩ, 45 du học sinh) diện thu hút nguồn nhân lực. Thành phố cũng đưa đi đào tạo 608 lượt người với kinh phí 557,9 tỉ đồng theo đề án NNL-CLC (đề án 922) tại các trường nằm trong top 200 ĐH hàng đầu thế giới, trong đó có 250 người tốt nghiệp đã nhận công tác. Ngoài ra, TP.Đà Nẵng còn bồi dưỡng thường xuyên cán bộ tại chỗ với 2.500-3.000 lượt/năm (giai đoạn 1998 - 2007), đào tạo sau đại học 100 trường hợp/năm (giai đoạn 2004-2013). Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, chính sách phát triển NNL-CLC được thành phố triển khai sớm, điều chỉnh kịp thời theo thực tế với nhiều cách làm mới, như từ 2004, khác với các nơi chỉ tập trung đào tạo bậc sau đại học, TP.Đà Nẵng đã cấp học bổng ngay bậc đại học cho học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn, năm 2006 ra đề án Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài…

 

Theo của Sở Tài chính TP.Đà Nẵng, các học viên thuộc đề án 922 vi phạm cam kết buộc phải bồi hoàn hơn 30 tỉ đồng theo hợp đồng nhưng hiện chỉ mới bồi hoàn được một phần nhỏ.

Đối với công tác quản lý, đề án 922 ban đầu giao cho các đơn vị phối hợp thực hiện, rồi dần chuyên nghiệp lập bộ phận chuyên trách và hiện đã có hẳn cơ quan chuyên trách, thực hiện theo quy trình minh bạch, công khai và ngày càng cải tiến.

“Chiêu hiền” nhưng chưa “đãi sĩ”

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho rằng, công tác thu hút, đào tạo người tài là bước đột phá của Đà Nẵng nhưng vẫn còn hạn chế cần khắc phục để tiếp tục phát triển, điển hình là thành phố “chiêu hiền” nhưng chưa đi liền với “đãi sĩ”. Bởi cùng bằng cấp như nhau nhưng người được thu hút về thì được trọng dụng hơn cán bộ tại chỗ, thu nhập cũng khác nhau nên tạo ra tâm lý so bì. Bên cạnh đó, y tế là ngành nghề được bố trí nhiều nhất, kể cả diện thu hút (217 người, chiếm 23,6%) cũng như đào tạo (88 người, chiếm 29,93%) nhưng hiện vẫn còn thiếu đội ngũ bác sĩ tâm thần, pháp y, chẩn đoán hình ảnh, quản lý dịch vụ y tế… Ông Trần Thọ cho rằng bác sĩ thiếu trầm trọng đến nỗi đích thân lãnh đạo thành phố phải vào TP.HCM tuyển chọn và mời về làm việc trước thực trạng bệnh viện tăng thêm giường. Ngành du lịch là mũi nhọn kinh tế của TP.Đà Nẵng hiện cũng đang “khát” NNL-CLC cho marketing, quảng bá, xúc tiến sản phẩm… Kéo theo đó, Đà Nẵng đang hướng đến “thành phố sự kiện” cũng đang thiếu đạo diễn tổ chức nghệ thuật, từ đó đến nay cũng chưa có suất đào tạo nào về văn hóa, mảng thư viện, mỹ thuật… cũng đang trống.

Theo ông Trần Thọ, sắp đến chế độ đãi ngộ thu hút người tài sẽ ngày càng tương xứng với trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc, đối với công tác đào tạo sẽ giảm khối hành chính, tăng khối sự nghiệp như y tế, dịch vụ. Đặc biệt thành phố sẽ đào tạo theo hướng bố trí đúng người đúng việc để chống lãng phí. Từ 2014 cấp học bổng ĐH cho học sinh THPT đạt giải quốc gia trở lên và tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ là dưới 32 tuổi, thạc sĩ dưới 28 tuổi, sinh viên xuất sắc dưới 25 tuổi.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.