Công chứng viên bị “tuýt còi”

01/04/2012 03:05 GMT+7

Sở Tư pháp TP.HCM vừa “tuýt còi” Văn phòng Công chứng trung tâm - một trong những văn phòng công chứng tư lớn nhất TP.HCM hiện nay. Trong đó, có trường hợp dự án bất động sản chưa hoàn tất thủ tục theo quy định vẫn được chứng nhận để thế chấp vay ngân hàng hàng trăm tỉ đồng.

Sở Tư pháp TP.HCM vừa “tuýt còi” Văn phòng Công chứng trung tâm - một trong những văn phòng công chứng tư lớn nhất TP.HCM hiện nay. Trong đó, có trường hợp dự án bất động sản chưa hoàn tất thủ tục theo quy định vẫn được chứng nhận để thế chấp vay ngân hàng hàng trăm tỉ đồng.

Phan Thanh Vân, nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 2 - TP.HCM (đeo kính) bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án Dương Ngọc Phượng - Ảnh: Lê Nga

Đó là dự án khu thương mại và nhà ở cao tầng Golden Gate do Công ty CP thương mại xây dựng Thành Hiếu (Công ty Thành Hiếu) làm chủ đầu tư. Theo hồ sơ, tháng 2.2008, UBND TP.HCM có văn bản 1062 chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp này sử dụng khu đất 29.000m2 tại Q.7 để đầu tư dự án. UBND TP cũng lưu ý rõ, văn bản này không phải là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp huy động vốn.

 

Hậu quả không dễ khắc phục

Trao đổi với Thanh Niên, GS Nguyễn Niên, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Văn phòng Chính phủ, đánh giá tình trạng sai phạm của CCV không phải là hiếm, trong đó có một bộ phận chưa thực sự nắm vững các quy định pháp luật.

Ngoài ra, không thể phủ nhận có những CCV cố ý làm sai, lách luật để hưởng lợi, đến khi bị phát hiện thì lại nhận là do không phát hiện ra và đổ lỗi cho khách hàng làm giả giấy tờ nhằm trốn tránh trách nhiệm thực sự.

Theo quy định, mọi CCV đều phải mua bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp nên trong trường hợp làm sai do khách quan thì được bồi thường, điều này cũng tạo nên tư tưởng “làm ẩu” trong một bộ phận CCV.

Vai trò của CCV là cực kỳ quan trọng, nếu công chứng sai một hợp đồng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng và không dễ khắc phục. Chẳng hạn, với những hợp đồng công chứng thế chấp tài sản với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, khi tiền đã giải ngân mà tài sản bảo đảm lại không đủ cơ sở pháp lý thì vô cùng rủi ro cho ngân hàng và cũng rất khó thu hồi lại số tiền đã cho vay sai.

Thế nhưng, Công ty Thành Hiếu đã liên tục sử dụng văn bản 1062 như một cơ sở pháp lý về tài sản hình thành trong tương lai để huy động vốn. Cụ thể, tháng 8.2010, Thành Hiếu thế chấp dự án Golden Gate để cho Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu (Q.1) vay gần 178 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn (TRUST Bank). Sau đó, tháng 7.2011, Thành Hiếu lại tiếp tục thế chấp dự án này để cho Công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc vay hơn 265,6 tỉ đồng của TRUST Bank. Chưa dừng lại ở đó, chỉ một tháng sau, dự án này lại tiếp tục được Thành Hiếu thế chấp lần thứ ba để cho Công ty CP bất động sản Phương Trang Long An vay 178 tỉ đồng cũng của TRUST Bank. Như vậy, tổng số tiền Thành Hiếu đã thế chấp dự án để đảm bảo vay nợ cho các doanh nghiệp khác lên đến hơn 620 tỉ đồng.

Đáng nói là, toàn bộ hợp đồng vay ngân hàng nêu trên dù chưa đảm bảo các quy định pháp luật song đều được Văn phòng Công chứng trung tâm chứng nhận. Chính vì vậy Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM đã “tuýt còi” vì cho rằng dự án này chưa đủ điều kiện pháp lý để thế chấp vay ngân hàng. Theo quy định pháp luật, tài sản hình thành trong tương lai cũng được coi là tài sản có thật nhưng phải có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh. Trong trường hợp tài sản hình thành trong tương lai là đất, tài sản gắn liền với đất thì tùy trường hợp cụ thể mà giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng có thể là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, hợp đồng góp vốn, quyết định giao thuê đất. “Công ty Thành Hiếu chưa có các giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đối với khu đất này nên chưa đủ điều kiện thế chấp tài sản. UBND TP cũng có công văn 1062 không cho phép đơn vị huy động vốn. Do đó, việc chứng nhận của công chứng viên đã vi phạm nghiêm trọng luật Đất đai, luật Công chứng và các quy định liên quan”, kết luận của Thanh tra Sở Tư pháp nêu rõ.

Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM cũng cho biết, qua kiểm tra ngẫu nhiên 270 hồ sơ công chứng cho thấy việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch của công chứng viên (CCV) Văn phòng Công chứng trung tâm có tỷ lệ vi phạm cao (41 hồ sơ, tương đương 15,2%). Đáng nói, văn phòng này có 3 CCV thì cả 3 đều bị phát hiện sai phạm, về cả điều kiện, hình thức, nội dung văn bản cũng như thẩm quyền địa hạt công chứng. Chẳng hạn, có trường hợp thỏa thuận tài sản riêng của vợ chồng ở Lâm Đồng và Đồng Nai, đáng lẽ phải do tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh này chứng nhận, song cũng được Văn phòng Công chứng trung tâm “ôm” luôn.

Trước đó, năm 2010, thanh tra cũng từng phát hiện nhiều vi phạm tại đây song cho đến thời điểm kiểm tra mới nhất, văn phòng này vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc khắc phục các vi phạm cũ mà còn phát sinh thêm nhiều vi phạm mới. Theo bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên nhân dẫn đến vi phạm là do CCV chưa có chuyển biến tích cực, chưa nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa những sai phạm đã bị phát hiện trước đó. Một số trường hợp có biểu hiện cố ý không chấp hành pháp luật, dễ dãi chấp thuận theo yêu cầu không đúng quy định của khách hàng để giải quyết hồ sơ…

Kẹp tiền cho công chứng viên?

Ngày 29.3, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Dương Ngọc Phượng (SN 1978, ngụ tỉnh Bình Dương) bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Phan Thanh Vân (nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 2 - TP.HCM) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Lê Tấn Phú (nguyên cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Tây) và Hoàng Anh Tú (nguyên Tổ trưởng kinh doanh Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Tây) về cùng tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo cáo trạng, từ Bình Dương về TP.HCM thuê nhà ở trọ nhưng Phượng cũng dễ dàng lừa đảo hàng tỉ đồng. Cụ thể, từ 2007 - 2009, Phượng cho một số cá nhân vay tiền hoặc nhận làm dịch vụ giấy tờ nhà đất để giữ giấy tờ nhà. Sau đó, Phượng đứng đằng sau đạo diễn, thuê một số người đứng tên mua nhà rồi đem thế chấp Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Tây qua 8 hợp đồng tín dụng, chiếm đoạt hơn 5,8 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, Phượng khai để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, Phượng chi hàng chục triệu đồng/hồ sơ công chứng, kẹp 500 ngàn đồng cho Vân nên chủ sở hữu thật sự không phải ký tên, lăn tay trước mặt công chứng viên, tiện bề cho Phượng ký giả. Phượng còn chi cho Phú từ 5 - 7% trên số tiền vay được (tùy hợp đồng vay mới hay cũ) để qua được khâu thẩm định. Tuy nhiên, những “đối tác” của Phượng đều phủ nhận lời khai này.

Sau một ngày xét hỏi, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để điều tra thêm.

Quang Hiển

Trần Hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.