Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2006: Doanh nghiệp trong nước thiếu lạc quan

14/12/2006 00:02 GMT+7

Hôm qua 13.12, Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) năm 2006 - một hoạt động thường niên trong khuôn khổ hội nghị "Nhóm tư vấn các nhà tài trợ" đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo kết quả cuộc điều tra "cảm nhận môi trường kinh doanh (MTKD) năm 2006" do ông Sin Foong Wong, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế (thuộc Ngân hàng Thế giới) thay mặt Ban Thư ký VBF trình bày, cảm nhận chung của 202 DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài được lấy ý kiến là "tương đối hài lòng". Các DN đánh giá cao về các chỉ số: sự ổn định về chính trị, khả năng kiểm soát lạm phát và tỷ giá hối đoái. Đáng chú ý, hiệu quả của dịch vụ hành chính - một vấn đề vốn luôn được DN cho ít điểm nhất năm nay đã không còn trong "tốp 5" các lĩnh vực ít được hài lòng nhất (bao gồm: bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh trong khu vực, hệ thống khung pháp luật, hiệu quả của hệ thống pháp lý).

Thật bất ngờ khi phần lớn các DN được hỏi đều bày tỏ sự "không lạc quan" về MTKD trong thời gian tới. "Điều này trái ngược với ý kiến của chúng tôi cũng như trái với xu hướng quan sát được trong 4 năm qua khi các DN luôn tin tưởng là MTKD trong tương lai sẽ được cải thiện", ông Sin Foong Wong nói. Theo ông, nguyên nhân có thể là do cùng với việc gia nhập WTO, có nhiều luật lệ mới được ban hành nhưng việc thực thi còn chậm trễ và do vậy, sẽ không có tác dụng ngay. Ngoài ra, các DN trong nước lo ngại việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ đem lại nhiều thách thức trên thị trường nội địa và phải đối mặt nhiều hơn với cạnh tranh quốc tế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát mới đây về MTKD cho thấy còn nhiều "điểm tối": có tới 69,2% trong 6.379 DN trả lời phải trả chi phí không chính thức trong quan hệ giao dịch; 72% DN đánh giá tính ổn định của mặt bằng kinh doanh là thấp hoặc rất thấp; 89% DN cho rằng phải chọn cách giải quyết tranh chấp là "tự đàm phán và dàn xếp" do thiết chế pháp lý chưa hỗ trợ tốt cho DN và 100% ý kiến đánh giá về 37 giấy phép kinh doanh của một số bộ, ngành là "không minh bạch và không có ý nghĩa".

Thế nhưng, kết quả điều tra riêng của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) lấy ý kiến của các DN Nhật Bản lại cho thấy, đa số các DN nước này kỳ vọng vào sự tăng trưởng của Việt Nam, sự thuận lợi của MTKD Việt Nam. Việt Nam được xếp hạng là nước có triển vọng kinh doanh đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ trong 10 nước và khu vực, thay thế vị trí của Thái Lan (hiện xếp thứ 4).

Tại hội nghị, đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, hiệp hội DN... nhận định bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản hiện nay, Việt Nam còn nhiều yếu kém về cơ sở hạ tầng (hệ thống cảng biển, đường giao thông, điện...); thể chế pháp luật vận hành không rõ ràng. Một số đại biểu lại bày tỏ lo ngại về tình trạng tham nhũng. Ông Mark Farquar, Chủ tịch Phòng Thương mại Úc (Auscham) cho biết, các thành viên Auscham theo dõi rất kỹ các vụ việc phản ánh trên báo chí trong 18 tháng qua - nổi bật là vụ PMU 18 - và đang băn khoăn những vụ việc như vậy đã được xử lý triệt để chưa. "Mặc dù có những tiến triển nhưng Việt Nam cần phải làm tốt hơn việc xóa bỏ tham nhũng", ông David Knapp, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam  tham gia ý kiến.

Đại diện một số bộ, ngành Việt Nam đã phát biểu tiếp thu những ý kiến của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Ý kiến chung là Việt Nam vẫn đang hoàn thiện thể chế pháp luật, hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường và cần tiếp tục được các nhà tài trợ, các nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.