"Chuyện đời dưới tán cây" - Kỳ 6: Bảo vật ngàn năm tỏa hương

10/03/2012 09:57 GMT+7

Sừng sững và uy nghi ngự trên một khu đất cao (vốn là sườn đồi) bên cạnh đình Viễn Sơn, cây dã hương nhìn từ xa như một cây bonsai khổng lồ nằm trong chậu đất. Bóng mát của cây đại thụ cao gần 30m này che rợp cả khu đất bán kính chừng 15m.

Sừng sững và uy nghi ngự trên một khu đất cao (vốn là sườn đồi) bên cạnh đình Viễn Sơn, cây dã hương nhìn từ xa như một cây bonsai khổng lồ nằm trong chậu đất. Bóng mát của cây đại thụ cao gần 30m này che rợp cả khu đất bán kính chừng 15m.

Ông Nguyễn Văn Đề - nhân viên Ban quản lý cụm di tích đình Viễn Sơn, chùa Tiên Phúc và cây dã hương (xóm Giữa, xã Tiên Lục, H.Lạng Giang, Bắc Giang) - bảo: “Ngày trước khi cây chưa bị cháy, toàn bộ phần rễ nổi lên khỏi mặt đất đến 70cm, phần tán có chỗ rộng hơn 30m. Sau mấy lần cành gãy, cây không còn cao và vươn xa như trước”.

Chuyện lạ bên cây dã hương

Từ nhỏ, ông Đề đã được nghe các cụ già kể chuyện vào thế kỷ thứ 18, vua Lê Cảnh Hưng khi vi hành về đây thấy loài cây lạ tỏa mùi hương đã sắc phong cây là Quốc chúa đô mộc dã đại vương. Ông Chu Bá Nam - phó chủ tịch UBND xã Tiên Lục - khẳng định: “Trong cuộc hội thảo về cây dã hương của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học tổ chức năm 2011, các nhà khoa học trong và ngoài nước khẳng định cây dã hương này đã tồn tại khoảng 1.000 năm và trên thế giới chỉ có hai cây dã hương quý như thế: một ở châu Phi đã chết và một cây ở VN”.

 
Tuổi thơ của biết bao em nhỏ nơi Xóm Giữa này đã gắn với cây dã hương đại thụ cùng những trò chơi mộc mạc của miền quê - Ảnh: My Lăng

“Nhiều lần tôi thắc mắc hỏi các cụ già trong làng về cái tên dã hương, các cụ đều lắc đầu. Tôi thì nghĩ dã hương có nghĩa là mùi thơm dân dã. Khi hoa dã hương nở, mùi hoa thơm nồng nàn, thơm tận ra bãi giữ xe cách xa mấy chục mét” - ông Đề lý giải về tên loài cây được coi là báu vật độc nhất vô nhị của Bắc Giang. Ông kể thêm chuyện những cành dã hương to bị gãy được dùng để chắn thành bậc đường làng bị xói lở, mấy chục năm sau khi bóc ra khỏi lớp đất đá và chịu dãi dầu mưa nắng, người ta vẫn ngửi thấy mùi thơm nồng của gỗ dã hương.

Chỉ vào khoanh tròn trên một nhánh dã hương rất to bị cụt, ông Đề kể vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, do thấy gỗ có mùi thơm nồng kỳ lạ, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cưa một cành dã hương. Vết cưa ấy giờ vẫn còn rõ mồn một sau bao năm tháng dâu bể, dầm mình với mưa nắng. Vị quan toàn quyền kia đã mang cành dã hương ấy về Pháp làm một số cây thánh giá và tấm phản khuôn tranh. “Một cán bộ ở Viện Di truyền nông nghiệp VN khi về thăm cây dã hương nói với tôi rằng từng đọc thấy chi tiết này trong tài liệu của Trường Viễn Đông Bác Cổ” - ông Đề cho biết.

Một điều lạ là các cành lớn của cây dã hương chưa bao giờ gãy vì dông bão, vì mưa to gió lớn “mà cứ tự nhiên đang yên lành lại gãy” - như xác nhận của phó chủ tịch UBND xã Tiên Lục. Và mỗi lần cây dã hương đại thụ gãy một cành là một lần trùng với những dịp trọng đại của đất nước.

Ông Đề đưa ra hàng loạt dẫn chứng: Năm 1945, cành dã hương lớn phía đông bắc gãy là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công và Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước VN dân chủ cộng hòa. Năm 1954, cành phía tây bên dưới gãy là năm miền Bắc hòa bình. Mười năm sau (năm 1964), khi sự kiện vịnh Bắc Bộ xảy ra thì một cành dã hương phía nam cũng gãy. Khi đất nước thống nhất vào năm 1975, cành phía tây bên trên gãy... Đặc biệt, đúng 3g05 chiều 22-10-2005, cành phía nam ở đỉnh ngọn gãy thì 16 ngày sau, ngày 7-11, VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Trong quyển sổ ghi chép những sự kiện liên quan đến cây dã hương, người ta ghi sự kiện này là “cành hội nhập”.

Linh hồn của làng

Đối với người dân Tiên Lục, cây dã hương đã trở thành biểu tượng của vùng quê. Người ta ít gọi xóm Giữa, thôn Giữa nữa mà gọi xóm Cây Dã hay thôn Cây Dã tự lúc nào. “Nếu cô gửi thư cho tôi, chỉ cần ghi họ tên tôi rồi viết địa chỉ là xóm Cây Dã cũng đến tận tay chứ không trật đâu được” - ông Đề dí dỏm nói. Ông kể rằng giữa lúc đất nước còn lo đánh giặc, phải chật vật lo cái ăn cái mặc, người dân thôn Giữa và cả xã Tiên Lục vẫn gìn giữ, bảo vệ cây dã hương. Với họ, cây dã hương ngàn năm ấy như cây đa làng - biểu tượng thân thuộc, gần gũi và biết bao yêu thương, gắn bó ở làng quê miền Bắc.

Ông Chu Bá Nam kể năm 1970 đổ về trước, dân chưa nhiều, cây dã hương như một sân chim. Ngày nào cũng 5g chiều, nhiều loài chim lạ rất đẹp về đua nhau hót râm ran, kêu xào xạc cả một vùng. Thời chiến tranh bom đạn, chim vẫn hót líu lo ríu rít trên đầu bộ đội. Cậu bé Nam, Đề ngày ấy và đám bạn mình còn trèo lên ngọn cây dã hương bắt chim sáo về nuôi. Rồi suốt buổi trưa cứ dãi nắng ra đồng bắt cào cào cho chim ăn. Nóng quá lại nhảy xuống ao làng tắm. “Ngày đó trên cây dã hương còn có chim cú mèo. Cứ chập choạng tối là chúng kêu nghe rất lạnh lùng, đáng sợ. Bọn trẻ con chúng tôi nghĩ đến ma, ù té chạy về nhà ngay” - ông Đề tủm tỉm cười khi kể lại.

Thế nhưng buổi trưa, bộ rễ khổng lồ gân guốc của “cụ” dã hương ngàn tuổi như một tấm phản nâng niu những đứa trẻ thôn quê và vỗ về cho giấc ngủ của chúng. Ngủ xong bọn trẻ lại rủ nhau lấy vỏ sò đục xuống phần lõi, lấy lá đậy vào khoảng một phút sau lấy ống rơm hút nhựa. Mỗi lỗ chỉ hút được 2 - 3 lần là hết, lại đục lỗ khác. “Nhựa cây dã hương ngọt thơm như mật hoa. Hồi đó chỉ có mấy đứa trẻ chứ nhiều như bây giờ chắc chết cây” - ông Đề bật cười bảo.

Năm 1977, dân về đây ở đông hơn. Ba năm sau rộ lên phong trào mua súng thể thao bắn chim và mua thuốc chuột Trung Quốc đánh chuột. Người dân không ngờ chuyện chim ra đồng ăn rồi cắp mồi về cho con bị ngộ độc thuốc, chết hết. Từ đó, cây dã hương không còn chim về nữa. Cây trở nên cô độc hơn, trầm lắng đi rất nhiều. Tháng 3-2006, cây dã hương bị sâu cước tấn công đến suýt chết. Sâu ăn hết cả lá. Cành cũng bị sâu cắn nham nhở. Chính quyền xã phải gấp rút cho người phun thuốc, quét được ... 20kg sâu. Năm 2008, tình trạng cây càng già yếu. Chính quyền xã lại cho làm hai cột chống cao gần 20m và dựng vòng xích bảo vệ cây.

Từ khi cây dã hương trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của xã Tiên Lục và cả tỉnh Bắc Giang, ông Đề - người được dân Tiên Lục gọi trìu mến là “ông Đề dã hương” - với tình cảm khó diễn tả bằng lời với cây dã hương đã âm thầm nhặt những cành gỗ nhỏ bị gãy mang vào nhà cất. Mỗi khi có khách đến, ông lại cắt một lát nhỏ tặng làm quà để quảng bá cho cây dã hương quê mình. Người đàn ông ấy luôn trăn trở với ý nghĩ: làm sao kéo dài tuổi thọ của cây dã hương quý hiếm để làm du lịch sinh thái cho nhiều người biết hơn về vùng đất này và báu vật của làng.

Ông Đề trăn trở kể lại chuyện bốn năm trước, một người khách ở Vĩnh Phúc đến tham quan xong đã nói với ông: cây dã hương là bảo vật của quốc gia, phải có ban bảo vệ sức khỏe cho cây, phải có bác sĩ theo dõi sức khỏe cây hằng quý. Mỗi khi cây bị bệnh phải có một hội đồng khoa học cứu ngay, không để xảy ra tình trạng mất luôn như nhiều cây cổ thụ quý khác. “Tôi cũng rất muốn làm được như thế cho cây dã hương. Nhưng chỉ riêng cá nhân mình thì khó mà thực hiện được ý tưởng ấy” - ông Đề trầm ngâm nói.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.