Bệnh “FDI”

16/03/2012 03:03 GMT+7

Không phải bây giờ, "mảng tối" như chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi kiếm lợi nhuận rồi "rút"... của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được đưa ra. Nhiều năm trước, hiện tượng này đã được cảnh báo nhưng vẫn ngày một tăng.

Không phải bây giờ, "mảng tối" như chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi kiếm lợi nhuận rồi "rút"... của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được đưa ra. Nhiều năm trước, hiện tượng này đã được cảnh báo nhưng vẫn ngày một tăng.

Một phần quan trọng của các hậu quả trên xuất phát từ bệnh thành tích của chúng ta trong việc thu hút vốn FDI.

Vốn năm nay cao hơn năm trước; dự án "khủng"; sự xuất hiện của những thương hiệu nổi tiếng thế giới... luôn được coi là niềm tự hào trong thu hút vốn FDI của VN nói chung và các tỉnh, thành nói riêng. Còn nhớ một thời gian dài, để cạnh tranh thu hút vốn FDI, các tỉnh, thành lao vào cuộc chạy đua mức ưu đãi. Tỉnh này miễn tiền thuê đất 10 năm thì tỉnh kế bên nâng lên 20 năm; thành phố A miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm thì thành phố B phải miễn gấp đôi. Quá "say" với việc kêu gọi vốn FDI, nên danh mục và mức ưu đãi của nhiều tỉnh, thành giống hệt nhau bất chấp lợi thế của mỗi nơi mỗi khác. Không chỉ các tỉnh, đây cũng là tâm lý của chúng ta ngay tại thời điểm hiện tại. Dù đã khẳng định sẽ chuyển hướng thu hút FDI về "chất", thay vì "lượng" mấy năm trở về đây nhưng mỗi khi vốn FDI sụt giảm, chúng ta vẫn tìm mọi lý do để biện hộ. Tâm lý thu hút FDI bằng mọi giá đã khiến khâu thẩm định năng lực, mục tiêu thực sự của nhà đầu tư bị xem nhẹ, thậm chí xuê xoa. Dẫn đến một loạt các hệ lụy nhức nhối như chuyển lãi thành lỗ; gây tác hại đến môi trường; cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước; tận dụng hết ưu đãi rồi bỏ chạy...

Mảng tối đằng sau dòng vốn FDI đã rõ, nhưng hạn chế lại không hề đơn giản. Bởi như phân tích trên, ở đây không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật (năng lực thẩm định, trình độ quản lý, giám sát...) mà còn cả về vấn đề tâm lý, bệnh thành tích... Nên để "siết" lại, để chọn lọc vốn FDI theo đúng định hướng của Chính phủ, phải có sự thay đổi thật sự trong chính tư duy, nhận thức của chúng ta về vấn đề này.

Ngân sách bị thất thu, người tiêu dùng bị thiệt hại, doanh nghiệp trong nước bị chèn ép trong một cuộc cạnh tranh không cân sức... Đã đến lúc cần "tĩnh" lại để "cân đối" giữa "mảng tối" và "mảng sáng" của dòng vốn FDI, thực hiện nghiêm túc việc chọn lọc vốn FDI. Việc "siết" đầu vào có thể khiến số lượng và giá trị vốn FDI giảm nhưng chắc chắn hiệu quả sẽ cao, chất lượng tăng. Quan trọng hơn là bảo vệ người tiêu dùng nội địa và tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần doanh nghiệp trong cùng một sân chơi.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.