Kỳ vọng của doanh nhân

31/12/2006 23:39 GMT+7

Phấn chấn, lạc quan, tin tưởng ở sự phát triển tốt đẹp của nền kinh tế trong năm 2007, nhiều doanh nhân đã bày tỏ những kỳ vọng trong năm mới với Thanh Niên.

Ông Lâm Hải Tuấn - Tổng giám đốc ACE Life Vietnam: Tôi có niềm tin mạnh mẽ...


Ảnh: Tr.B

Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2007 rất sáng sủa. Kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn năm nay. Đầu tư nước ngoài sẽ sôi động hơn. Không chỉ nhờ vào việc Việt Nam là thành viên của WTO, mà môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính... đều được cải thiện.

Điều khiến tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam chính là đội ngũ trí thức trẻ. Việt Nam sở hữu một nguồn nhân lực mà không phải quốc gia nào cũng có được. Tôi xin nói rất trung thực rằng để hình thành một đội ngũ nhân viên giỏi như ACE Life Vietnam, tôi phải mất 3-5 năm tại Mỹ, trong khi ở đây tôi chỉ mất 2 năm.

Bà Tố Linh Trương - Giám đốc Công ty Passio: Bắt đầu bằng việc nhỏ rồi sẽ trưởng thành


Ảnh: Tr.B

Có một điểm chung được đồng thuận ở mức cao là kinh tế Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng hơn. Sẽ có ngày càng nhiều hơn những người hàng xóm sang mở công ty, hãng, xưởng kinh doanh trên đất Việt Nam. Cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ nhiều hơn. Nhưng cũng sẽ có không ít doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh buộc phải rời khỏi thị trường. Và cũng sẽ có những thuyền trưởng Việt Nam tài ba đưa thuyền cập cảng đất khách. Cà phê chắc cũng không nằm ngoài trào lưu đó.

Rồi đây, trên đường phố của trung tâm thương mại lớn nhất nước này cũng như các đô thị lớn khác cũng sẽ xuất hiện những thương hiệu hàng đầu thế giới như Starbucks, Coffee bean & tea leaf... Và đâu đó tại New York hay Paris cũng thấp thoáng hình ảnh Highland coffee của người Việt. Sức nhỏ chúng ta làm việc nhỏ rồi sẽ đến ngày trưởng thành.

Ông Bùi Quảng Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Nam (Cavico): Nhiều cơ hội cho các DN có tiềm năng


Ảnh: N.H

Năm 2006, Cavico trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ, với mã giao dịch CVCP. Chúng tôi coi đây là bước đi đón đầu, bước đi dọn đường. Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO. Sự kiện lớn này có ảnh hưởng rất lớn đến công ty chúng tôi cả về cơ hội và thách thức.

Tuy nhiên với Cavico, tôi cho rằng "được" nhiều hơn "mất". Hội nhập, các doanh nghiệp trong nước đều phải tăng tốc, Cavico chúng tôi cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Năm 2007 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN có tiềm năng.

Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu: Hoàn chỉnh khung pháp lý, các ngân hàng sẽ phát triển thực sự tốt


Ảnh: H.S

Năm 2007, sự góp mặt của các ngân hàng (NH) nước ngoài vào Việt Nam sẽ tạo thêm sức ép đối với các NH trong nước nhưng cũng góp phần làm cho ngành NH phát triển. Tuy nhiên, để các NH thật sự phát triển tốt trong năm 2007, tôi có một số kiến nghị về khung pháp lý.

Hiện nay, các NH, đặc biệt là NH đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chịu chi phối bởi 3 luật: Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Trong 3 luật này có một số điểm khác nhau, nếu làm đúng quy định của luật này thì có thể không đúng với quy định của luật kia. Đặc biệt Nghị định 49 hướng dẫn công tác quản trị của NH thương mại hiện nay đã lỗi thời nhưng vẫn áp dụng khiến NH lúng túng. Còn Luật Đất đai thì có một cơ quan quản lý đất, một cơ quan quản lý nhà. Nhiều khi hai cơ quan này không đồng bộ đã gây ra một số tình huống phức tạp...

Ngoài ra, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ đã có sự liên thông với nhau, do đó cơ quan chức năng khi ra một quyết định mang tính hành chính nào đối với thị trường này thì sẽ có ảnh hưởng đến thị trường khác.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM: Sự phấn chấn của cả dân tộc là động lực lớn để phát triển


Ảnh: D.Đ.M

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới, kinh tế thế giới năm 2007 sẽ phát triển tốt hơn năm 2006. Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,2% - 8,5% trong năm 2007. So sánh tương quan chúng ta có nhiều thuận lợi để thực hiện mục tiêu tăng trưởng này. Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của WTO, sự hấp dẫn của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo dư âm tốt cho năm 2007. Tiếng vang của năm 2006 qua các sự kiện lớn đã hấp dẫn với các nhà đầu tư trên thế giới. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam tiếp thị hình ảnh quốc gia tốt hơn năm 2006.

Hội nhập tất nhiên là phải cạnh tranh. Nhưng tôi cho rằng, cạnh tranh sẽ khiến các DN trong nước mạnh lên. Sẽ không có chuyện hàng hóa nước ngoài ào ạt vào Việt Nam. Thậm chí, có nhiều cái ta sẽ mở nhanh hơn cả lộ trình cam kết.

Ví dụ như lộ trình cắt giảm thuế ô tô. Yếu tố tâm lý cũng rất thuận lợi: niềm tin của DN; sự phấn chấn chung của đất nước; của dân tộc là động lực rất mạnh. Ai cũng tin rằng, môi trường kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn, thông thoáng hơn, an toàn hơn nên sẽ mạnh dạn đầu tư.

Thuận lợi như vậy nhưng khó khăn cũng không ít. Về cơ bản, kinh tế nông nghiệp của Việt Nam vẫn lạc hậu, nếu có thiên tai hay dịch bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là quá lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP năm 2006 lên tới 130%) nên tác động của thị trường thế giới đến kinh tế Việt Nam là rất mạnh. Vì vậy, nếu tác động là tiêu cực sẽ rất khó khăn cho kinh tế Việt Nam.

Thành tựu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt nhưng chỉ là vốn đăng ký, những dự án được triển khai còn ít. Đây cũng là một thách thức lớn đối với chúng ta. Theo tôi, nếu chúng ta giải quyết tốt chủ quan như cải cách hành chính thực sự; đẩy nhanh tốc độ giải ngân các nguồn vốn... chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra.

Nguyên Hằng (ghi)

Thanh Xuân - Trung Bình - Nguyên Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.