Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 5: Tượng Vishnu cưỡi chim thần Garuda

25/05/2012 03:28 GMT+7

Trong số 32 hiện vật của Myanmar đang được giới thiệu trong đợt trưng bày Cổ vật Đông Nam Á - 2012 tại Bảo tàng Lịch sử (TP.HCM) có tượng thần Vishnu bằng đồng ở thế kỷ 18.

Số hiện vật trưng bày gồm: 2 bát dạng hình tròn bằng gốm men ngọc thế kỷ (TK) 15-16, cả hai đều cao 8,5 cm, đường kính miệng (ĐKM) 14,5 cm và 15 cm; 2 đĩa tròn gốm men ngọc TK 15-16. Một cái cao 6 cm, ĐKM 28,8 cm, cái kia cao 5 cm, ĐKM 31 cm; 1 chum gốm men nâu hình trứng TK 18 cao 59 cm, ĐKM 18 cm; 10 quả cân bằng kim loại; 1 trống đồng loại III HEGER TK 20 cao 50 cm, ĐKM 66 cm; 1 tượng vua Dhammceti (tượng thứ nhất) TK 19 bằng gỗ cao 72 cm; 1 tượng nhà sư đang quỳ bằng gỗ sơn son thếp vàng TK 19, cao 38 cm, ngang 28 cm.

Tượng Vishnu cưỡi chim thần Garuda 2 
Tượng thần Vishnu cưỡi chim thần Garuda - Ảnh: G.H

18 hiện vật trên do Bảo tàng Lịch sử đưa ra trưng bày. Số còn lại là 14 cổ vật Myanmar TK 19 do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đưa từ Hà Nội vào giới thiệu, trong đó có 10 tượng phật (gồm 4 tượng bằng đồng và 6 tượng bằng gỗ thếp vàng hoặc phủ sơn); 1 chiếc nồi bằng bạc có nắp đậy TK 19, cao 10,6 cm, ĐKM 15,3 cm; 1 tượng nhà sư bằng đồng cao 20,5 cm; 1 tượng vua Dhammceti (tượng thứ hai) bằng gỗ sơn son thếp vàng cao 146,5 cm và 1 tượng thần Vishnu cưỡi chim Garuda.

 Tượng Vishnu cưỡi chim thần Garuda 1 
Chum dạng hình trứng, miệng loe, cổ đứng, vai nở thuôn về đáy - Ảnh: Bảo tàng lịch sử TP.HCM cung cấp

Riêng tượng Vishnu nói trên cao 29,5 cm với dáng vẻ oai vệ, uy nghi làm người xem liên tưởng đến quyền năng siêu phàm của ngài trong thế giới thần thoại Đông Nam Á. Có lần ngài đã sử dụng quyền năng đó để hóa thành một cô gái đẹp tuyệt vời hiện ra trước mặt loài quỷ Asura. Dù là một loài quỷ hết sức hung ác, cặp mắt lúc nào cũng đỏ ngầu như hai cục than nóng, nhưng đứng trước sắc đẹp lộng lẫy của cô gái do thần Vishnu biến hóa ra, chúng phải đứng ngây người, nhìn say đắm, quên hẳn những chén thuốc trường sinh mà chúng mong chiếm lấy. Bấy giờ Vishnu mới thừa dịp lấy hết các chén thuốc đó để trao cho các vị thần cùng uống.

 Tượng Vishnu cưỡi chim thần Garuda 3
Tượng Phật đứng trên bệ, tay trái buông xuôi, tay phải chỉ ra phía trước

Tượng Vishnu cưỡi chim thần Garuda 4
Tượng Phật ngồi trên bệ - Ảnh: G.H

Nghe chuyện trên, thần Shiva liền tìm đến Vishnu xin gặp mặt người con gái có sắc đẹp lạ lùng làm mê hồn bọn quỷ kia. Đáp lời, Vishnu bảo Shiva hãy đợi giây lát, rồi ngài biến mất để lại một tia sáng màu xanh. Từ trong tia sáng ấy, một cô gái đẹp vô cùng bước ra với nụ cười đến trước mặt Shiva và đôi mắt bắn những tia lửa gợi cảm nồng nàn vào trái tim Shiva. Dù đang đứng bên vợ mình là nữ thần Parvati cũng rất xinh đẹp song Shiva sững sờ ngây ngất bởi sắc đẹp mới hiện ra kia nên quên cả vợ và bước đến cầm tay cô gái. Cô ta tránh ra, chạy băng qua những thung lũng, những đồng cỏ còn đẫm ướt sương đêm. Shiva đuổi kịp và định ôm lấy nàng, nhưng một lần nữa nàng thoát khỏi vòng tay của thần Shiva vùng chạy. Không bỏ cuộc, Shiva lại tiếp tục đuổi theo, đuổi mãi, vừa đuổi vừa lên tiếng gọi khắp mười phương giúp sức để ngăn đón nàng, nhưng vô ích. Chạy mãi đến lúc rã rời, bất lực, Shiva gục bên một con suối vắng. Khi tỉnh thức, Shiva mới biết mình vừa đem hết sức lực để đuổi theo một làn khói xanh lam, bấy giờ thần Vishnu mới hiện nguyên hình nói với Shiva: “Này Shiva, ngài là vị thần nằm trong 3 ngôi tối cao thế mà ngài cũng vừa bị ảo ảnh của tình yêu thu phục. Hãy nghe đây, người con gái ấy là do ta hóa ra chứ không có thực và tình yêu trên mặt đất này toàn là mộng cả thôi”...

Chim thần Garuda

Thần thoại còn kể rằng Vishnu thường cưỡi con chim khổng lồ Garuda. Chính Garuda là vua của các loài chim, là thù địch của loài rắn và giống vật ở dưới nước. Mẹ Garuda bị Kadru là mẹ của loài rắn Naga sỉ nhục và bắt làm nô lệ, nên Garuda luôn tìm cách giết rắn để báo thù cho mẹ. Garuda thường bắt những nàng tiên rắn hay tiên cá (nagini) ở dưới nước, cắp lên không trung đùa giỡn như mặt trời đùa giỡn với mây. Garuda có đầu, cánh, cựa và mỏ giống diều hâu, còn mình và chân thì giống người. Về sau thần thoại Garuda kết hợp với thần thoại Vishnu dưới hình thức Garuda là chim thần để Vishnu cưỡi. Đó là sự kết hợp giữa tôn giáo chính thống với những tín ngưỡng dân gian...

GS Cao Huy Đỉnh
(Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, NXB Khoa học - Hà Nội 1964)

Giao Hưởng

>> Kỳ 4: Tượng thần đầu voi Ganesha
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 3: 5 thanh kiếm độc đáo của Malaysia
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 2: Tượng Phật Lào
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại”
>> Trưng bày cổ vật các nước Đông Nam Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.